Những “lần đầu tiên” với tiết chào cờ có… gameshow

GD&TĐ - Lần đầu tiên sau khi thông báo hết tiết chào cờ mà học sinh toàn trường vẫn ngồi im tại chỗ, không chịu vào lớp. Lần đầu tiên học sinh toàn trường hào hứng mong đợi tiết chào cờ...

HS Trường THPT Dầu Giây thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam trong lễ chào cờ
HS Trường THPT Dầu Giây thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam trong lễ chào cờ

Lần đầu tiên tiết chào cờ giúp học sinh ôn luyện được kiến thức một cách tự nhiên, hiệu quả… Đó là ấn tượng từ Hội thi “Tìm hiểu biển đảo Việt Nam” do Đoàn trường phối hợp với tổ Địa lí, Trường THPT Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) tổ chức.

Dạy học theo chuyên đề bằng… gameshow

Tại Trường THPT Dầu Giây, toàn bộ HS của hai khối sáng và chiều đều chào cờ cùng nhau. Theo đó, giờ chào cờ sẽ được sắp xếp vào tiết thứ 3 của buổi sáng. Các HS khối sáng sẽ học 2 tiết đầu rồi tham dự tiết chào cờ, sau đó ra về. Còn HS khối chiều dự tiết chào cờ xong thì vào học 2 tiết cuối. Buổi chiều HS toàn trường sẽ nghỉ học. Chính bởi vậy, việc triển khai các hoạt động dưới cờ được tổ chức một cách đồng bộ và thuận lợi.
Đã thành thông lệ, 8 giờ 30 phút sáng thứ Hai hằng tuần, hơn 1.500 học sinh của Trường THPT Dầu Giây lại tập trung dưới sân trường để dự tiết chào cờ.

Khác hẳn tiết chào cờ khô cứng trước đây, giờ học sinh háo hức mong chờ tiết chào cờ bởi các em được thưởng thức một “gameshow” thi tài hấp dẫn, lôi cuốn. Để đến khi hết tiết, lại có cảm giác nuối tiếc, xôn xao tiếng học sinh hỏi nhau: Sao thời gian qua nhanh thế nhỉ? Giá mà có thêm… tiết chào cờ nữa!

Thầy Đậu Thành Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Dầu Giây – phấn khởi cho biết: “Tìm hiểu biển đảo Việt Nam” là một chuyên đề của tổ Địa lý, do cô Nguyễn Thị Hồng Vân phụ trách, phối hợp với Đoàn trường tổ chức.

Đây chính là một chuyên đề theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới phương pháp dạy học.

“Có thể nói, Hội thi “Tìm hiểu biển đảo Việt Nam” này chính là một hình thức giáo dục tích hợp bởi các tiết học không chỉ mang lại những kiến thức địa lí đơn thuần mà còn có ý nghĩa chính trị cao khi lồng ghép được việc tuyên truyền về biển đảo Việt Nam” – thầy Vinh hào hứng tiết lộ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân – “tác giả” lên khung, sườn, nội dung, kế hoạch tổ chức của hội thi – chia sẻ: “Chương trình Địa lí lớp 12 có nhiều nội dung về biển, đảo và những nội dung này thường có mặt trong các đề thi.

Vì vậy, chúng tôi tiến hành tập hợp các bài có kiến thức liên quan đến biển đảo để xây dựng thành một chuyên đề. Tuy nhiên, nếu chuyên đề này chỉ giảng dạy trong lớp học thì chỉ có đối tượng học sinh lớp 12 lĩnh hội được kiến thức.

Do đó, chúng tôi đã phối hợp cùng đoàn trường để tổ chức hội thi ngay tại sân trường trong tiết chào cờ. Như vậy, học sinh toàn trường có thể lĩnh hội kiến thức này”.

Không chỉ được học sinh đón nhận hội thi một cách tích cực mà các tổ bộ môn khác trong trường cũng đề xuất được tham gia chuyên đề.

Tuy nhiên, vì đây là lần đầu tiên tổ chức nên hội thi mới chỉ dừng lại ở quy mô thử nghiệm với 36 học sinh đại diện cho khối 12 tham gia phần thi mang tên “Rung chuông vàng” và 3 học sinh có bài thuyết trình tốt nhất (trong số gần 500 bài thuyết trình của toàn trường) được thuyết trình trong hội thi.

Toàn bộ học sinh còn lại sẽ là khán giả cổ vũ cho các thí sinh. Ngoài ra, để tạo không khí vui tươi, hấp dẫn, Ban tổ chức cũng có phần giao lưu với khán giả bao gồm cả giáo viên và học sinh và câu hỏi dành cho khán giả là học sinh kèm theo phần thưởng nếu trả lời đúng.

HS tham gia trả lời câu hỏi về biển đảo trong phần thi dành cho khán giả
 HS tham gia trả lời câu hỏi về biển đảo trong phần thi dành cho khán giả

Bồi đắp tình yêu  biển đảo

Là một trong số 3 thí sinh được thuyết trình trước toàn trường, em Lê Thị Kiều Nhi (lớp 12A1) nhớ lại: “Lúc viết bài thuyết trình, em cảm thấy như có một ngọn lửa trong tim mình vậy, cứ nghĩ đến biển đảo quê hương, từng tấc đất máu thịt mà thế hệ bọn em phải trân trọng, gìn giữ…

Xúc động và tự hào vô cùng. Đến khi được đứng trước toàn trường để nói lên những tình cảm đó, em thấy mình muốn khóc… Được tự mình tìm hiểu, được cảm nhận sự thiêng liêng về chủ quyền đất nước, em thấy yêu biển đảo nhiều hơn, biết được trách nhiệm của mỗi công dân Việt với Tổ quốc thân yêu”.

Bài thuyết trình của Nhi có tựa đề: “Biển đảo Việt Nam – một tầm nhìn”. Theo đó, Nhi đã khái quát được tình hình biển đảo Việt Nam, những lợi thế do biển đảo mang lại. Nhi kêu gọi người dân có hướng khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo một cách hợp lý.

Để có được bài thuyết trình hay, không chỉ mình Nhi mà cả các học sinh khác đều phải tìm kiếm thêm thông tin về biển đảo trong sách hoặc trên mạng internet.

Ngoài ra, các em còn tham khảo ý kiến chuyên môn từ phía các giáo viên bộ môn địa lí. Nhờ đó, các em không chỉ có được bài thuyết trình hay mà còn tiếp thu và nắm chắc kiến thức về biển đảo. Đây cũng là một số “vốn liếng” đáng kể cho các học sinh khối 12 trước Kỳ thi THPT quốc gia đang cận kề.

Trong phần giao lưu với khán giả, học sinh Ngô Phương Tiến Dũng (lớp 11B1) phát biểu: “Nếu em được ngồi ở vị trí các thí sinh dự thi “Rung chuông vàng”, em sẽ trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức về biển đảo để có thể trả lời tốt nhất các câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra”.

Còn em Mai Trung Khánh (lớp 12A1) thì tâm sự: “Nhờ nhà trường tổ chức hội thi này mà em thấy mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Đặc biệt, em thấy mình cần phải có trách nhiệm nhiều hơn với biển đảo quê hương”.

Thuyết trình trước học sinh toàn trường, em Lê Tường Cẩm Hân (lớp 12A3) cho rằng: “Yêu Hoàng Sa, Trường Sa, không nhất thiết là phải ra tận ngoài đảo mới thể hiện được tình cảm ấy. Mỗi người trong chúng ta khi làm tốt bổn phận của chính mình trong xã hội cũng là một cách để xây dựng biển đảo quê hương. Hoàng Sa, Trường Sa không hề xa xôi mà rất gần gũi với mỗi chúng ta khi chúng ta luôn hướng về biển đảo”.

Gắn kết tình bạn, nêu cao tinh thần làm việc nhóm

Trên cơ sở thực hiện thành công Hội thi “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam”, trường sẽ mở rộng chuyên đề dưới hình thức tổ chức hội thi ở nhiều môn với quy mô lớn hơn để học sinh cả 3 khối đều được tham gia. Dự kiến từ tháng 7, trường sẽ xây dựng một ngân hàng dữ liệu để cung cấp cho các hội thi này - Thầy Đậu Thành Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Dầu Giây.

Trong các phần thi thuyết trình, ngoài việc trình bày trước toàn trường về chủ đề mình lựa chọn, các thí sinh còn gây ấn tượng cho bài nói bằng cách dàn dựng thêm tiết mục văn nghệ để minh họa.

Do đó, các thành viên khác trong lớp cũng được “huy động” tham gia phụ họa. Nhờ đó, các thành viên trong lớp có cơ hội được gần gũi và gắn bó với nhau nhiều hơn.

Kiều Nhi kể lại: “Lớp em có 40 học sinh, em đã huy động toàn bộ lớp để đồng diễn trên nền bài hát “Bay qua biển Đông” để phụ họa cho phần thuyết trình của mình.

Vì có ít thời gian để chuẩn bị, chúng em tranh thủ tập luyện vào những giờ ra chơi và sau khi tan trường. Thực sự, chúng em cảm thấy rất vui khi cùng nhau ghi lại những khoảnh khắc đẹp của đời học sinh.

Em cho rằng, hội thi này là một sân chơi bổ ích cho học sinh chúng em và là môi trường tốt để chúng em rèn luyện cách làm việc theo xu hướng hoạt động nhóm”.

Có thể nói, Hội thi “Tìm hiểu biển đảo Việt Nam” thể hiện sự sáng tạo của giáo viên và học sinh. Đối với tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản, đây là một hoạt động tuyên truyền chính trị hiệu quả, có chất lượng; giúp tổ chức Đoàn tập hợp được thanh niên tham gia sân chơi văn hóa lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.   

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...