Hiểm họa sưởi ấm bằng than
Ở các vùng nông thôn, đặc biệt khu vực miền Trung, việc người dân sử dụng than củi để sưởi ấm rất phổ biến. Và cũng có những tan nạn thương tâm xảy ra, khi than bén vào quần áo, chăn màn gây cháy, bỏng. Có những tai nạn khiến cả nhà tử vong vì ngủ trong phòng kín đốt than củi, gây ngộ độc khí CO2.
Điển hình như vụ việc tại Nam Đàn (Nghệ An) ngày 21/1 vừa qua. Vì mẹ đốt than sưởi ấm cho cả gia đình nên đã vô tình gây ra cái chết thương tâm của bé gái 18 tháng tuổi, còn những người khác trong gia đình rơi vào tình trạng nguy kịch.
Sưởi ấm bằng than |
Khi đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm chật hẹp lại đóng kín cửa, than cháy sẽ đốt hết khí oxy, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người trong phòng. Trong khi đó, khí CO là khí độc thải ra do sự đốt cháy không hoàn toàn, không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.
Có những trường hợp, tự dưng thấy choáng nhưng cũng không thể dậy để mở cửa phòng, ngã vật xuống và lịm đi. Những trường hợp này không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, nếu cứu được cũng sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.
Vì thế, nếu sử dụng than củi để sưởi ấm, cần chú ý để tránh bỏng, nhất là với trẻ em hiếu động chạy nhảy chơi đùa rất dễ ngã vào chậu than. Không để than dưới gầm giường, gần những nơi dễ bắt lửa như gỗ, quần áo. Đốt than tuyệt đối không được đóng kín cửa phòng mà phải hé một chút cửa để có sự lưu thông không khí.
Nguy cơ bỏng từ thiết bị sưởi ấm mùa đông
Mùa đông, nhiều gia đình dùng các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi, chăn đệm sưởi...). Tuy nhiên, chúng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, giật, bỏng nếu không dùng đúng cách.
Các thiết bị sưởi điện cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết.
Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng. Đã từng có trường hợp cụ già bị bỏng chân vì đặt máy sưởi quá gần, trời rét buốt, người già chân lạnh cóng, gần như mất cảm giác không biết da bị nóng rực, gây bỏng.
Mọi người cần biết nguyên lý chung của các thiết bị ủ ấm (quạt, điều hòa) và phần lớn các thiết bị làm ấm là tỏa nhiệt, đốt cháy ô xy, làm mất độ ẩm trong không khí. Đặc biệt, trong thời tiết khô hanh như miền Bắc thì độ ẩm trong không khí càng thiếu. Vì vậy, nếu sử dụng thiết bị sưởi với công suất lớn trong phòng nhỏ, chỉ sau một thời gian ngắn hiện tượng khô da, nứt nẻ da sẽ xảy ra.
Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, do da còn mỏng nên sẽ bị căng, rát, rất khó chịu. Nếu sử dụng lâu trong điều kiện phòng chật, đóng kín cửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, làm viêm niêm mạc mũi, khô mũi và dễ dẫn tới chảy máu cam. Ngoài ra tia hồng ngoại từ các thiết bị sưởi có thể xiên vào cơ thể gây hại cho mắt, gáy, vùng đầu mặt cổ....
Để khắc phục tình trạng khô da, khi bật các thiết bị sưởi nên để chậu nước tạo độ ẩm cho không khí. Ngoài ra mọi người nên bôi kem giữ ẩm ban đêm., đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng tình trạng bị bỏng do quạt sưởi, lò sưởi, đèn sưởi cũng dễ xảy ra. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già; luôn phải có người bên cạnh trẻ, tránh để trẻ sờ vào gây bỏng.
Đặc biệt để an toàn không bị điện giật khi sử dụng chăn điện, người sử dụng cần bật điện trước, khi chăn ấm thì tắt điện rồi mới dùng đắp, tuyệt đối không nên lạm dụng những sản phẩm này vì có thể bị mẩn ngứa, phát ban, thậm chí điện giật.
Túi sưởi cũng có thể gây họa
Ngoài những thiết bị sưởi bằng điện như: điều hòa, máy sưởi, chăn đệm điện nhiều gia đình cũng chuộng mua các sản phẩm như: túi chườm nóng, thậm chí cả miếng dán phát nhiệt. Tuy nhiên, vì không cẩn thận mà không ít trường hợp gặp nạn.
Sự việc túi sưởi đang cắm điện thì bất ngờ phát nổ khiến cho một bệnh nhi bỏng nặng phải nhập viện diễn ra mùa rét năm 2011 chắc chắn khiến nhiều người giật mình vì túi sưởi là sản phẩm sử dụng phổ biến trong các gia đình.
Túi sưởi ấm |
Túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết của người sử dụng về nó… Trong quá trình sử dụng, không ít người vừa cắm điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập. Có người vì lạnh vùng lưng liền đặt túi sưởi xuống giường, nằm đè cả người nên rất dễ bục, vỡ túi sưởi gây bỏng.
Để an toàn, người sử dụng phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất trong việc sạc điện và sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện. Khi sử dụng, không tì đè toàn thân nặng lên túi sưởi mà chỉ nên đặt cạnh bên người, trong chăn giúp làm ấm. Không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi, không để vật nặng đè lên, tránh gây bục túi dẫn đến rò dung dịch, rò điện. Nếu túi đã bị rò rỉ tuyệt đối không được sử dụng.
Sử dụng máy sấy quần áo đúng cách
Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, nhiều gia đình phải sử dụng máy sấy để hong khô quần áo. Việc sử dụng thiết bị này không đúng cách cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh hỏa hoạn. Theo Thượng tá Đỗ Văn Cường - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Đống Đa – Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, để đảm bảo an toàn, việc lắp đặt máy sấy quần áo phải được thực hiện bởi thợ điện chuyên nghiệp hay những người có chuyên môn, hiểu biết nhất định về các thiết bị điện.
Bên cạnh đó, nhằm phòng tránh nguy cơ gây cháy nổ, người sử dụng không nên đưa những loại quần áo có đính các phụ kiện bằng kim loại, một số loại vải không phù hợp vào máy sấy quần áo như vải có dính hoặc ngâm trong dầu thực vật, dầu ăn, dầu hạt lanh, dầu bôi trơn hoặc mỡ bởi chúng có thể gây nổ máy sấy.
Cũng theo Thượng tá Đỗ Văn Cường, một vấn đề nữa cần lưu ý là người sử dụng tuyệt đối không sấy các loại vải mềm mỏng như màn cửa, vải len, tơ, nilon không thấm nước do những loại vải này rất dễ cháy khi ở nhiệt độ cao.
Trước khi đưa quần áo vào máy sấy cần kiểm tra và lấy hết những vật có trong túi quần áo như kẹp giấy, bút mực, đinh và kim… do những vật này có thể làm hư hỏng máy sấy. Để máy hoạt động an toàn và có độ bền cao, vấn đề vệ sinh và bảo dưỡng máy thường xuyên cũng cần được coi trọng, đặc biệt là việc làm sạch ống xả.
Do đây là thiết bị dẫn khí nóng từ trong máy ra ngoài nên nếu được làm sạch, nó không chỉ giúp làm việc dễ dàng, tiết kiệm điện mà còn hạn chế nguy cơ hỏa hoạn. Các gia đình có con nhỏ khi sử dụng máy sấy quần áo cần thường xuyên để mắt trông trẻ, không cho trẻ lại gần máy sấy, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Tuyệt đối không để phòng quá kín
Nhiều người có thói quen thấy trời trở lạnh là đóng kín cửa phòng hoặc cửa nhà, càng kín càng tốt để giữ ấm. Tuy nhiên nếu chúng ta đóng kín sẽ khiến trong phòng không có sự thông thoáng, ngột ngạt, thiếu oxy, sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy chúng ta cần đảm bảo nhiệt độ trong phòng luôn ấm áp nhiệt độ phòng thích hợp khoảng 28 độ C, thông thoáng, tránh gió lùa.
Khi chúng ta đang ngồi trong phòng trước khi đi ra ngoài vào mùa đông chúng ta nên mặc áo khoác và đi giầy trước mấy phút khi ra ngoài đường sẽ giúp cơ thể ấm hơn.
Vì nếu trường hợp chúng ta không mặc đủ ấm đột ngột đi ra ngoài rất dễ bị sốc nhiệt dẫn đến đột quỵ nhất là những người có sức khỏe yếu đặc biệt người già và trẻ nhỏ. Việc chênh lệch nóng – lạnh quá lớn dễ gây ra các bệnh về hô hấp, thậm chí là sốc nhiệt, nguy cơ tai biến đối với người cao tuổi.