Những kỉ niệm đẹp không bao giờ phai mờ

GD&TĐ - Báo Giáo dục & Thời đại bước sang tuổi sáu mươi, tôi vui mừng và tự hào luôn là cộng tác viên tích cực của báo ngành cả lúc đang công tác hay đến lúc nghỉ hưu. Giờ phút này, lòng tôi trào lên bao kỉ niệm đẹp với báo, với các bạn là phóng viên của báo từ 14 Lê Trực hay 29B Ngô Quyền (Hà Nội). 

Những kỉ niệm đẹp không bao giờ phai mờ

Những người bạn chân tình

Hơn mười năm phụ trách công tác tuyên truyền ở Sở GD&ĐT Bắc Ninh, tôi đã được tiếp xúc và làm bạn với nhiều phóng viên báo chí Trung ương và địa phương. Nhưng có lẽ những ấn tượng và những kỉ niệm đối với báo ngành là sâu sắc và chẳng bao giờ quên đối với tôi.

Còn nhớ năm 1997, khi tỉnh Bắc Ninh mới tái lập, cũng là lúc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII của Đảng về GD-ĐT và khoa học công nghệ đang bắt đầu được triển khai rộng rãi. Bộ máy mới của Sở GD&ĐT Bắc Ninh vừa mới vận hành, tất cả đều mới từ con người đến công việc.

Chúng tôi được sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở, ông bạn tôi, lúc đó là Trưởng phòng Tổng hợp được giao nhiệm vụ chấp bút văn bản này. Ngoài những tài liệu chính là văn bản NQTW 3, Nghị quyết của Tỉnh ủy Bắc Ninh về giáo dục, chúng tôi đã tham khảo nhiều số báo của ngành bổ sung thêm lí luận cũng như thực tiến của những địa phương khác để xây dựng một chương trình hành động phù hợp với thực tế giáo dục Bắc Ninh.

Cũng dịp này, Tổng Biên tập của báo lúc đó, anh Nguyễn Ngọc Chụ có về thăm ngành Giáo dục Bắc Ninh. Ngoài những tình cảm tốt đẹp của anh dành cho vùng quê hiếu học và khoa bảng như Bắc Ninh, anh cũng trao đổi thêm về kinh nghiệm triển khai NQTW3 ở những tỉnh mạnh về giáo dục như Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An... Qua đó, lãnh đạo Sở cũng như các đơn vị, trường học có thêm kinh nghiệm biến NQTW 3 thành “Chiếc chìa khóa vàng” mở ra những đột phá mới cho giáo dục Bắc Ninh.

Nếu khi tỉnh mới tái lập, ngành Giáo dục Bắc Ninh mới đứng ở vị trí trung bình khá so với giáo dục cả nước thì những năm tiếp theo ngành Giáo dục Bắc Ninh liên tục là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Trong công lao chung của hơn một vạn cán bộ, giáo viên, của sự chỉ đạo và ủng hộ của Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh còn có sự góp sức của báo ngành.

Một kỉ niệm không quên nữa của tôi là những lần đón lãnh đạo, phóng viên của báo về làm việc với giáo dục Bắc Ninh. Các anh các chị thực sự là những người bạn chân tình. Nhiều trường trong tỉnh được đón các anh các chị. Một cảm giác chung của mọi người là các anh chị làm báo với tác phong của nhà giáo: Nghiêm túc, khách quan, có tình, có lí trong việc lấy tin, viết bài; không khách sáo câu nệ trong giao tiếp với giáo viên, học sinh. Rất nhiều lãnh đạo, phóng viên báo ngành đã về với giáo dục Bắc Ninh.

Tôi và phóng viên của báo bằng phương tiện xe máy thôi nhiều lần đến với các trường những tập thể anh hùng cũng có, những đơn vị khó khăn cũng có. Cán bộ giáo viên các trường đón tiếp phóng viên như đón người thân trở về nhà. Họ nhận được từ phóng viên báo ngành những lời động viên khích lệ về thành tích đã đạt được, những chia sẻ và cách tháo gỡ khi trường có những khó khăn cần phải vượt qua.

Phóng viên báo ngành còn phát hiện, viết bài gương nhà giáo dạy giỏi, những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, đạt giải cao các kỳ thi. Đối với cán bộ giáo viên các trường, các anh chị phóng viên được coi là những người bạn, những nhà quản lí giáo dục có nhiều kinh nghiệm.

Tự hào được là cộng tác viên

Năm 2004, tôi đưa nhà báo Nguyễn Thị Trâm về thăm thầy giáo làng Nguyễn Đương Ánh ở Trường Tiểu học Phú Lâm 2, huyện Tiên Du. Nhà thầy quá nghèo, nhưng thầy vẫn say mê làm công việc mài bút để cho học sinh viết chữ đẹp. Chúng tôi đội mưa, lội bùn về tận xã xa nhất của huyện Gia Bình để gặp cậu học trò có bố mẹ là nông dân, thiếu cả cái bàn học, không có điều kiện học thêm vẫn đỗ thủ khoa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những tập thể, cá nhân được nêu tên trên báo ngành thực sự là nguồn động viên đối với cán bộ, giáo viên, học sinh các trường học Bắc Ninh.

Tất cả các trường học ở Bắc Ninh từ Mầm non đến phổ thông đều có Báo Giáo dục và Thời đại. Báo ngành đã trở thành nguồn thông tin bổ ích và đáng tin cậy của cán bộ, giáo viên. Nhớ năm học 2007 - 2008, tôi về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Lương Tài.

Buổi sáng hôm ấy có cuộc họp của hiệu trưởng các trường trong huyện. Cuối buổi họp đó, thầy trưởng Phòng Giáo dục huyện Nguyễn Xuân Sàng đã đọc bài báo “Nhà giáo thời Hai không” đăng trên báo ngành số đầu năm 2008 cho các hiệu trưởng nghe. Sau buổi họp, trưởng phòng Sàng giải thích rằng, đó là một bài báo rất bổ ích cho các trường, là tiếng lòng của các nhà giáo khi thực hiện cuộc vận động “Hai không” của Bộ GD&ĐT.

Nhiều lần tôi đưa các bạn phóng viên đến thăm, tư vấn, động viên các đơn vị xuất sắc của ngành như các trường được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới như Trường THCS Song Hồ, huyện Thuận Thành, Tiểu học thị trấn Thứa - huyện Lương Tài, THPT Lý Thái Tổ thị xã Từ Sơn. Qua trao đổi của các bạn phóng viên, các đơn vị đều rút ra được nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn cũng như quản lí. Rất vui mừng là các trường học ấy vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất anh hùng của họ.

Tôi là một cộng tác viên gắn bó khá lâu năm với báo ngành. Từ Tổng Biên tập đến phóng viên luôn động viên tôi viết. Họ trân trọng những bài viết của tôi vì đó là công sức, là tâm huyết của một nhà giáo. Trong cơ chế thị trường hiện nay, báo ngành vẫn là một tờ báo tin cậy, mang đậm phong cách nhà giáo.

Tôi ước ao, có thể từ kỉ niệm 60 năm của Báo Giáo dục và Thời đại, báo ngành có thêm một chuyên san “Văn nghệ và nhà trường” thì hay biết mấy, bởi nhà giáo viết văn rất nhiều, việc bổ sung kiến thức và phương pháp dạy và học ngữ - văn trong nhà trường là vô cùng cần thiêt.

Chặng đường 60 năm đã qua và như những chặng đường phía trước, tôi tin rằng mãi mãi Báo Giáo dục và Thời đại vẫn là người bạn chân thành và tin cậy của các thế hệ nhà giáo. Tôi cũng mong rằng bằng chất lượng và niềm tin, báo ngành luôn có mặt trong các nhà trường từ miền xuôi đến miền núi, hải đảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...