Những người bạn thân thiết của báo

Những người bạn thân thiết của báo

(GD&TĐ) - Thành công của một tờ báo, ngoài lực lượng chủ công là cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên của tòa soạn còn có sự đóng góp đầy nhiệt huyết và hiệu quả của một đội ngũ đông đảo các thông tín viên, cộng tác viên trên khắp mọi vùng miền của đất nước. Một tờ báo càng có đông bạn đọc thì càng có nhiều cộng tác viên, thông tín viên có uy tín và chất lượng tham gia. Tôi gọi họ là những người bạn thân thiết của báo.

50 năm qua, báo Giáo dục và Thời đại có biết bao những người bạn thân thiết, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Nhiều người công tác với báo từ những ngày đầu nay đã khuất, nhiều người mới làm quen với báo trong vài năm gần đây nhưng đều đã và sẽ coi báo là người bạn đường thân thiết trong cả cuộc đời mình. Đọc lại những hồi ức, những lá thư của các cộng tác viên, hai mươi năm, nhưng tôi vẫn như thấy nhiệt huyết tình cảm của họ còn tươi mới. Bác Phạm Huy Hội, nhiều năm là cán bộ Sở giáo dục Thanh Hóa đã cộng tác với báo suốt cuộc đời. Không những bản thân nhiệt tình, bác Hội còn lôi kéo cả vợ và các con vào cuộc. Bất cứ hội nghị thông tín viên nào được tòa soạn tổ chức ở Thanh Hóa, cả gia đình bác đều tham gia phục vụ. Sau khi nghỉ hưu, bác Hội còn tham gia xây dựng cơ quan thường trú của báo ở Thanh Hóa và công tác ở đó cho đến khi qua đời. Một lần bác tâm sự vui với tôi như thế này: “Nếu ở thế giới bên kia có báo Giáo dục và Thời đại thì tôi lại xin được làm cộng tác viên; hoặc nếu có kiếp sau, tôi mong được làm người nhà của báo”. Nhà giáo Cao Nguyên trong một bài hồi ức của mình đã viết: “Cuộc đời tôi đã gắn bó và sẽ gắn bó mãi mãi với báo ngành. Trong một lần ngồi tại nhà 35 Lê Thánh Tôn, quận I, TP.Hồ Chí Minh, nhân lớp bồi dưỡng GV Văn do Bộ GD-ĐT tổ chức vào cuối năm 1992, tôi có nói với một cô giáo dạy Văn về nỗi đam mê đọc báo của mình là “Tôi có thể sống xa vợ… chứ không thể sống xa báo được” (!) và cô giáo ngày đó là vợ tôi bây giờ. Mãi sau này, vợ tôi vẫn còn nhắc lại câu nói ấy với lời phán “nghe mà ghê thấy mồ”. Gắn bó với báo, trước hết là những người bạn đọc trung thành của báo. Trong bài viết về phong trào “đọc và làm theo báo, tôi có nhắc đến một thời mỗi giáo viên huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa có một tờ báo Người giáo viên nhân dân: Đặc biệt những giáo viên ở miền núi, vùng sâu, không ai là không ao ước có báo để được đọc thường xuyên. Nhà giáo Minh Túy nhớ lại: “Những năm công tác ở miền núi. Mấy anh em trong khu tập thể quyết định đặt mua báo. Một tờ báo duy nhất Người giáo viên nhân dân. Chúng tôi phải góp những đồng lương ít ỏi của mình để có báo đọc. Thế là từ đấy mỗi tuần chúng tôi thay nhau vượt trên 20 km đường rừng núi, với bao dốc cao, khe sâu để đi lấy báo về đọc. Vất vả như thế nhưng bù lại, chúng tôi có báo đọc thường xuyên”.

Hội nghị thông tín viên Báo Người giáo viên nhân dân họp tại TP Cần Thơ năm 1978 (trong ảnh là đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh)
Hội nghị thông tín viên Báo Người giáo viên nhân dân họp tại TP Cần Thơ năm 1978 (trong ảnh là đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh)

Tình cảm của bạn đọc với báo kể sao cho xiết. Từ đọc báo, yêu báo đến viết bài cho báo là một khoảng cách thời gian không xa. Rồi rất nhiều người viết trưởng thành lên trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhưng suốt đời không nguôi nhớ về Giáo dục và Thời đại. Ngôi nhà số 14 phố Lê Trực, Hà Nội là trụ sở của báo hơn 40 năm. Nơi ấy đã gặp gỡ, giao lưu với biết bao bạn đọc, bạn viết. Nhiều người đi qua đây đã thấy xao lòng. Nhà văn Triệu Bôn (nay đã khuất) viết trong hồi ký “…Nhà giáo cầm bút, cầm súng ra chiến trường. Bom đạn làm nhãng quên đi nhiều thứ, chỉ còn chú mục vào sống chết, thắng thua. Ngày trở về hậu phương, tôi đi qua phố Lê Trực thấy biển đề “Báo Người giáo viên nhân dân” mà có gì sững sờ như bất chợt gặp bạn cũ xa nhau đã lâu lắm”. Những truyện ngắn cuối cùng viết trên giường bệnh, nhà văn Triệu Bôn dành gửi cho báo ngành đăng là vì ân nghĩa ấy.

Còn bạn viết Nguyễn Thái Bình, bút danh Thầm Thì (ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Tây cũ) viết một bài ca dài về tình cảm với 14 Lê Trực. Bài viết cách đây đã chục năm, nhưng đọc lại vẫn thấy còn tươi mới: “…Về 14 Lê Trực/ Lòng thêm sáng thêm tin/ Tự hào và nao nức/ Chúng mình - cộng tác viên/ Tự thấy mình có lỗi/ Lâu lâu không gửi bài/ Có dịp về Hà Nội/ Thường ghé vào chuyện chơi…/ Trên con đường đổi mới/ Báo mình ngày càng hay/ Cả nội dung hình thức/ Càng đọc càng thấy say!/ Năm tháng lần lượt qua/ Đầu xanh nay điểm bạc/ Xin nguyện mãi cộng tác/ Với báo ngành của ta…”.

14 Lê Trực và Báo Người giáo viên nhân dân, sau này là Giáo dục & Thời đại nơi mơ ước, gửi gắm tâm tình của nhiều bạn đọc, bạn viết. Nhà thơ Đặng Hiển đã tâm tình:

Thuở đầu xanh, chưa yêu nghề dạy học

Đã mơ làm nhà báo giáo viên

Nay biết yêu nghề thì đầu đã bạc

Được làm người cộng tác của yêu tin.

Nhà giáo Trần Đồng Quang (Hà Nội), người được báo trao giải nhất trong cuộc thi viết “Nét đẹp nhà giáo” năm 1984, ông đến với báo và suốt đời yêu báo, vì ở đó ông thấy có rất nhiều cái để ông chiêm nghiệm:

Có diễn đàn lành mạnh trụ vững

Có bước đi đá mềm chân cứng

Có thông tấn văn chương hoà ca

Có chiêu hiền đãi sĩ thiết tha.

Ông Trần Đồng Quang còn tâm sự: “Báo ra đời năm 1959, tôi cũng bước vào nghề dạy học, cầm báo như người bạn song hành, người thầy hướng nghiệp, cung cấp tri thức, gợi ý ứng xử, thư giãn tinh thần, tạo dựng cốt cách nhà giáo, nhà báo…”.

Bạn đọc, bạn viết đến với báo với nhiều nguyên cớ khác nhau. Nhưng có một nguyên cớ rất đặc biệt là ở toà soạn báo luôn có một đội ngũ những cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên mang phong cách “nhà giáo, nhà báo” luôn là những người bạn tận tình, chan hoà, thuỷ chung, tin cậy. Nhà văn Phong Thu lòng vẫn còn reo vui khi nhớ lại thuở ban đầu với báo: “Toà soạn có 10 người, thì tôi quen biết đến 8, 9. Thật cứ như người nhà. Duyên nợ với nghề dạy học trong tôi, qua việc cộng tác với báo vẫn nồng nàn vui sướng biết bao!”. Nhà thơ Ngô Văn Phú lại cho rằng “Nhiều năm đăng truyện và thơ trên báo, nhưng cái tôi thu hái được nhiều nhất ở đây là tình bạn. Tôi đến toà soạn Báo Giáo dục & Thời đại như về nhà. Ở đây tôi có những người bạn cũ và mới, gặp nhau thật chan hoà, đầm ấm”.

Mối quan hệ giữa bạn đọc, bạn viết với báo thật là keo sơn, nồng ấm. Nhờ đó, tiếng nói của báo luôn là tiếng nói tâm tình, cuốn hút bạn đọc. Tờ báo có thêm nhiều tác dụng đối với nghề nghiệp và cuộc sống nhà giáo. Nhà thơ Huy Cận, sinh thời đã có nhận xét rất xác đáng rằng: “Báo Giáo dục & Thời đại có tác dụng như là “phụ đạo” cho các bạn giáo viên trong các nhà trường. Nhiều bài đăng trên báo có thể coi là tài liệu tham khảo tốt cho cả thầy và trò, cả về hai mặt: bổ sung kiến thức và phương pháp sư phạm”. Một học trò, trong đời ít nhất cũng học qua một chục thầy giáo, cô giáo. Chỉ cần nhớ được học được lấy được một điều mẫu mực về tài năng, đức độ của từng người thầy học thôi, cũng đủ để sống làm người có học. Có thế, “kẻ ăn quả” mới biết đường mà nhớ ơn “người trồng cây”. Báo Giáo dục & Thời đại đang là tờ báo đi tiên phong ở lĩnh vực đó… “Trên đây là ý nghĩ của nhà văn Phong Thu viết ra khi nói về vai trò của Báo Giáo dục & Thời đại trong mỗi bạn đọc, bạn viết của báo. Trong nhiều bức thư và hồi ức của những người bạn thân thiết với báo đều có một thu hoạch chung là nhờ có công tác với báo mình được trưởng thành lên. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhưng năm cuối đời có khoảng thời gian hơn 5 năm làm biên tập viên của Báo Giáo dục & Thời đại, trong bài hồi ức “Một thời… nhớ mãi!” đã viết: “Từ năm 1956 đến nay, tôi đã viết cho hầu hết các báo ở Hà Nội (và sau này là cả nước) nhưng có lẽ sâu nặng nhất là với báo ngành. Đây là nơi cổ vũ, khuyến khích tôi mạnh dạn đi vào văn chương. Đấy là nơi nâng đỡ những bước đi chập chững đầu tiên của tôi vào con đường văn học. Đọc lại những bài thơ, truyện ngắn in ở báo ngành thời ấy, tôi nhìn thấy chỗ non nớt, ấu trĩ của mình nhưng thật là đáng yêu, thật là đáng nhớ!”.

Lịch sử 50 năm của báo, có đến hàng trăm những người bạn thân thiết như thế. Ở phạm vi một bài báo, tôi không thể nào ghi hết được tên, nói hết được tình cảm thân thương của các bạn với báo. Các bạn đã góp phần làm nên tờ báo ngày càng chất lượng và tờ báo không bao giờ quên công lao, tình cảm của các bạn.

Tháng 9 – 2009

Nguyễn Ngọc Chụ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ