Cây chuyện được cộng đồng mạng lan truyền là câu chuyện của em Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1996, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Phượng kể rằng em không có bố từ khi lọt lòng, mẹ em bị nhiễm chất độc màu da cam nên không được minh mẫn và rồi cũng đã mất từ khi em còn nhỏ. Phượng chỉ còn lại một người bà kề bên sớm tối.
“Năm nay mừng thọ bà em 75 tuổi. Tuổi thơ của bà là những ngày chăn trâu cắt cỏ, chân lấm tay bùn, một mình bà vật lộn với cuộc sống mưu sinh (bởi các cụ đã mất khi bà vừa mới sinh ra), rồi những ngày chiến tranh bom đạn khói lửa, ông ra trận, bà ở nhà nuôi các bác khôn lớn, rồi chăm bẵm em lớn khôn từng ngày, bởi em không có cha, không có họ nội, người mẹ tật nguyền chẳng được minh mẫn do chất độc màu da cam cũng rời xa khi em còn thơ bé". Phượng viết về bà đầy xúc động.
"Một tay bà đã nuôi dưỡng em thành người, 21 năm em luôn là con ngoan, trò giỏi, để bà tự hào. Nay tóc bà đã trắng, lưng bà đã còng, nụ cười đã móm mém, em không biết sẽ còn được bên bà bao lâu nữa,nên lúc nào em cũng đòi chụp ảnh, lưu lại từng khoảnh khắc của bà". Những tâm sự của em về người bà kính yêu đã chạm đến trái tim nhiều người.
Câu chuyện xúc động ấy gợi nhớ đến hình ảnh người bà khác. Cũng cảnh bà tần tảo thay con nuôi cháu, từ suốt hơn 30 năm nay bà lão ấy vẫn cần mẫn làm công việc của một người đàn ông: bơm vá xe. Chẳng ai bắt cả nhưng đó là sự lựa chọn duy nhất của bà để có thể vừa nuôi sống mình và lo cho đứa cháu ăn học.
Hình ảnh bà đã quá đỗi quen thuộc với người dân Hàm Nghi, TP HCM. Đó là bà Ngọc Anh, 58 tuổi, bà sống cùng đứa cháu ngoại đang học lớp 5 tại một căn nhà nhỏ, xập xệ ở quận 4, TP. HCM. Những ngày có khách không sao, những ngày vắng khách, đôi mắt bà đượm buồn, lo âu trên gương mặt khắc khổ.
Con gái ly hôn hơn mười năm nay, bỏ lại cho bà đứa con trai còn đỏ hỏn. Khi bé mới tròn 3, 4 tháng tuổi rồi đi biền biệt, từ đó vợ chồng bà chắt chiu từng đồng chăm bẵm cháu khôn lớn.
Trước kia bà Anh và chồng đạp xích lô thuê nhưng rồi khi sức khỏe đã yếu, hai vợ chồng bà đành mua đồ nghề vá xe rồi đi xe đạp từ nhà lên quận 1 làm. Suốt 29 năm nay vợ chồng bà đã kiếm sống bằng công việc này.
Dù phải cực nhọc chắt chiu từng đồng nhưng bà vẫn cố gắng để đứa cháu trai được đến trường. Đổi lại, thành tích học tập của Tuấn rất khá.
Tuấn cho biết ước mơ duy nhất của mình là có thể lớn thật nhanh để giúp sức cùng bà, để có thể kiếm một công việc tốt hơn, lo cho bà ngoại cuộc sống tốt hơn.
Song dường như điều đó vẫn mãi là ước mơ của em, bởi dù đã hơn 10 tuổi nhưng thân hình Tuấn nhỏ thó. Nhiều người còn nhầm tưởng Tuấn mới chỉ là học sinh lớp 2.
Thương bà, Tuấn từng viết một bức thư nói lên tình cảm của mình: “Con là một đứa trẻ không phải mồ côi, nhưng cha mẹ ly dị, nên từ nhỏ đã về sống với bà ngoại.
Tuổi thơ của con gắn liền với những đêm cùng bà ngoại vá xe ở vỉa hè đường Hàm Nghi, quận 1. Bà ngoại nói bằng mọi giá phải lo cho con ăn học, con nghĩ đó là lý do khiến đêm nào bà ngoại cũng nán lại thêm vài giờ đồng hồ để chờ người ta mang xe đến vá, khi thì 12 giờ đêm, có khi đến 1,2 giờ sáng.
Những đêm ngồi nhìn ngoại vá xe, con cứ nghĩ làm cách nào để ngoại con bớt khổ. Năm nay con học lớp 5, tuy nhiên ai nhìn con cũng hỏi con học lớp 1 hay lớp 2.
Cũng vì nhỏ con nên con chẳng giúp gì được cho ngoại. Hằng đêm chăm chú nhìn ngoại vá xe, con mong sau một đêm ngủ dậy con sẽ trở thành người lớn để phụ ngoại, nhưng con ngủ hoài vẫn là đứa bé nhỏ xíu, vậy nên con chỉ biết cố gắng học thật giỏi”.
Một hình ảnh khác cũng khiến nhiều người xúc động, ấy là hình ảnh người đàn bà gầy gộc, kéo theo chiếc xe nôi tự chế có mái che làm bằng bìa các-tông để đi bán vé số.
Trong chiếc xe ấy, một thiên thần chỉ vừa mới 3 tháng tuổi. Ở nhà chờ bà vẫn còn 3 đứa cháu nheo nhóc nữa. Bố mẹ chúng đã bỏ đi từ lâu...
Khi con gái lần lượt bỏ lại cháu cho bà nuôi, bà Lệ nhớ lại những ngày đầu gian khổ: "Tôi khóc rất nhiều, một tay ẵm thằng Tâm, một tay cầm xấp vé số đi rao bán, bán không đủ, lại đi nhặt ve chai kiếm sữa cho cháu. Vậy mà cũng nuôi được nó lớn chừng này".
"Nó bỏ hết mấy đứa con lại cho tôi, nói nhờ chăm sóc giùm rồi một thời gian nó quay lại. Đến nay cũng đã hơn hai tháng, tôi không thấy tăm hơi vợ chồng nó đâu hết. Bây giờ tôi chỉ biết gắng gượng nuôi 4 đứa nhỏ lớn khôn.
Ngày nào tôi với bé Tâm cũng đi bán vé số, hai bà cháu kéo theo bé Thảo cùng đi để tiện chăm sóc, còn hai cháu trai thì để ở phòng trọ", bà Lệ nói.
Bà kéo theo chiếc xe nôi tự chế cho bé cháu 3 tháng tuổi của mình, rong ruổi khắp thành phố Tân An để mưu sinh.
Đến nay bà Lệ đã bán vé số ở Tân An tròn 20 năm, chỉ khác là giờ bà phải kéo theo một đứa cháu nhỏ cùng bán với mình.
Bé Thanh Thảo trong chiếc xe nôi của bà ngoại. Chiếc xe bà mua lại ở vựa ve chai với giá 30 ngàn cách đây 2 tháng, sau đó lắp thêm mái che bằng bìa các - tông, bọc nệm làm chỗ để bé Thảo nghỉ ngơi.
Bà và các cháu thuê một phòng trọ sâu trong hẻm 53 đường Nguyễn Công Trung (Tân An) để sống. Đó là căn chòi nhỏ chưa đến 10m2, được chắp vá bằng những miếng ván, mái tôn.
Bên trong lúc nào cũng nóng hầm hập và chỉ đủ kê vừa một cái nệm cho mấy bà cháu ngả lưng khi đêm xuống.
"Buổi sáng thì nhà không có ai do hai cháu trai thì tôi gửi chủ nhà trọ trông giúp, tôi đi bán với 2 đứa cháu này đến đêm mới về ngủ", bà nói.
Hàng ngày bà Lệ đi bán từ sáng cùng với bé Tâm và bé Thảo rồi sẽ quay về nhà trọ để ăn cơm, tắm rửa cho cháu Thảo, cho cháu uống sữa rồi mới tiếp tục đi bán đến tận 11h đêm.
Thời gian đầu, khi dắt theo bé Thảo, nhiều người nghĩ bà lạm dụng, chăn dắt trẻ con khiến bà càng đau lòng hơn.
Những lúc dừng chân nghỉ mệt, bà tranh thủ chơi đùa cùng cháu út.
11 đêm, khi thành phố chìm vào giấc ngủ, bà mới lầm lũi kéo chiếc xe nôi về lại phòng trọ... Mong uớc lớn nhất của bà bây giờ là đứa con gái sẽ quay về để nuôi nấng đàn con nên người. "Tôi già yếu, không biết còn sống được bao lâu, chỉ thương tụi nhỏ có cha có mẹ mà giờ cũng như mồ côi..."