Những khó khăn thường gặp khi lựa chọn nghề và cách giải quyết

GD&TĐ - Hướng nghiệp là cả quá trình dài, từ lúc nhận diện được sở thích, đam mê, xác định lĩnh vực mình có thế mạnh đến khi tìm được ngành học, trường học.

Những khó khăn thường gặp khi lựa chọn nghề và cách giải quyết

Quá trình này thường gặp không ít khó khăn.

Thiếu thông tin

Một trong những khó khăn lớn nhất mà các em gặp phải khi hướng nghiệp là thiếu thông tin. Thông tin về ngành nghề học, về thị trường lao động, cơ sở đào tạo… rất nhiều, làm thế nào để tìm đúng kênh tìm hiểu ngành nghề theo mong muốn, điều này không phải là dễ dàng. Rất nhiều người chỉ biết tên gọi của nghề mà không hình dung được nội dung, hình thức, tính chất, yêu cầu... của lao động trong nghề.

Thị trường lao động là phạm trù kinh tế của nền kinh tế hàng hóa vận động theo cơ chế thị trường. Nó hình thành phát triển và hoạt động trong mối quan hệ hữu cơ với các thị trường khác (thị trường hàng hóa, thị trường tiền tệ...) trong một thị trường xã hội thống nhất. Thị trường lao động biểu hiện quan hệ lao động diễn ra giữa một bên là người lao động và một bên là người sử dụng lao động dựa trên nguyên tắc thỏa thuận, thông qua các hợp đồng lao động.

Thông tin về thị trường lao động là những thông tin về nhu cầu sử dụng nhân lực các loại của tỉnh, thành phố trong năm kế hoạch: nhu cầu sử dụng nhân lực các loại cho các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất và cho các loại doanh nghiệp và liên doanh của các thành phần kinh tế khác. Trong các hoạt động hướng nghiệp đều đề cập và chú trọng vào thông tin thị trường lao động, do vậy học sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động khi tìm hiểu và chọn ngành nghề.

Ngoài ra, nhiều em đã chọn được nghề phù hợp nhưng thiếu điều kiện tài chính theo học như không đủ tiền đóng học phí, không có điều kiện để trọ học. Nhiều gia đình có con thi đỗ vào trường đại học nhưng đành phải cho con ở nhà vì thu nhập của gia đình không đủ sức cung ứng cho việc học của con em. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều em vừa học đại học, vừa lao động. Hình thức để tạo thu nhập rất đa dạng: làm gia sư, khuân vác ở bến xe hoặc ở chợ, phục vụ trong các nhà hàng ăn uống, giúp việc gia đình...

Khó khăn khác hay gặp phải là hiện tượng bị cha mẹ, người thân trong gia đình phản đối việc chọn nghề của các em cũng khá phổ biến. Người lớn can thiệp vào việc chọn nghề của các em thường do động cơ muốn con em mình chọn những nghề mà theo chủ quan của họ thì đó là lĩnh vực hoạt động mang lại lợi ích thiết thực.

Ví dụ cha mẹ không cho con cái theo học nghề địa chất, nông nghiệp vì không có cơ hội ở thành phố... Trong những trường hợp như thế mà thiếu bản lĩnh thì các em sẽ không thể chọn được nghề phù hợp với khả năng và nguyện vọng của bản thân.

Tránh sai lầm khi chọn nghề

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, các em phải bình tĩnh trước khi lựa chọn ngành nghề. Bởi vì, phải suy xét kỹ, nhằm biết trước để tránh, hoặc hiểu để không lầm. Khái niệm chọn lầm nghề tương ứng với thuật ngữ trong hướng nghiệp gọi là không tương thích với nghề được chọn. Chọn lầm nghề là chọn phải nghề không tương thích, nghĩa là về căn bản, không hợp với tính cách và năng lực.

Việc chọn lầm thường do cảm tính, do nổi hứng nhất thời, do chạy theo phong trào hoặc do bị mất phương hướng nên nhắm mắt đưa chân... Nếu tránh được tối đa những cảm xúc vội vàng, biết suy xét và phân tích từ nhiều khía cạnh theo lý tính, thì việc lựa chọn ngành nghề ít bị lầm hơn. Để không chọn lầm nghề, hãy tham khảo ý kiến và ý muốn của cha mẹ (cần lắm, để tham khảo kinh nghiệm và hiểu biết của các bậc bề trên), nhưng nên xin phép cha mẹ cho mình được quyền quyết định cuối cùng.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Kết quả khảo sát 1.400 học sinh năm 2020 của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Giáo dục cho thấy, có 40% học sinh đã xác định hướng nghề lựa chọn nhưng vẫn mơ hồ và chưa hiểu rõ hết về nghề; 25% học sinh không thống nhất được với cha mẹ về nghề đã lựa chọn; 30% học sinh còn băn khoăn hoặc chưa chọn được 1 nghề để theo đuổi; 5% học sinh đã chọn định hướng được nghề nhưng không phù hợp với bản thân.

Từ kinh nghiệm đúc kết thực tế, PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra 8 sai lầm của cha mẹ khi định hướng nghề nghiệp cho con như: Thiếu tôn trọng mong muốn của con; áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ, chưa biết gì”; coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con; chọn nghề, hướng nghiệp không căn cứ vào khả năng của con; sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường.

Về phía học sinh, có 6 sai lầm mà các em thường dễ mắc phải khi chọn ngành nghề gồm: Dựa hoàn toàn vào năng lực học tập; chọn nghề theo trào lưu; chọn nghề vì lý do kinh tế; chọn nghề được xã hội trọng vọng; dành quá ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp; tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học. PGS.TS. Trần Thành Nam khuyên học sinh hãy dành thời gian để khám phá bản thân, tìm ra lĩnh vực mình yêu thích. Sau giai đoạn chọn ngành mới tiến tới chọn trường. Thí sinh cần xác định môi trường học mình mong muốn, tham khảo cơ sở vật chất, chương trình học, tình hình kinh tế gia đình, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng.

“Khi chọn trường, thí sinh nên hướng tới thị trường lao động 5 -7 năm tới. Nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và không ít ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Đặc biệt, không có ngành học nào “hot” với tất cả thí sinh, điều quan trọng là xác định nhóm ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của bản thân, nhu cầu của thị trường lao động”-chuyên gia Trần Thành Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Trồng cau ồ ạt, nên chăng?

GD&TĐ - Thấy cau có giá, người ta đổ xô đi mua cau con về trồng. Diện tích cau tăng vọt, thế chỗ cho nhiều loại cây ăn trái khác...

Tìm hiểu exp là gìgiám sát an toàn là gì