(GD&TĐ) - Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, những tháng đầu năm lạm phát tăng cao, các ngân hàng gặp khó khăn trong huy động vốn, nguồn vốn huy động toàn hệ thống có xu hướng giảm, tuy nhiên, sau khi có Chỉ thỉ 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với việc xử lý nghiêm các Ngân hàng vi phạm trần lãi suất huy động vốn, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nghiêm túc chấp hành, thực hiện đúng mức trần lãi suất huy động, hiện tượng chạy đua lãi suất của các ngân hàng, khách hàng mặc cả lãi suất với ngân hàng trước đây, nhìn chung đã giảm đáng kể, thị trường tiền tệ lập lại kỷ cương.
90% tỷ trọng vốn của ngân hàng hiện nay là nguồn vốn ngắn hạn. Ảnh: Internet |
Thực tế tình hình huy động vốn cho thấy, một số NHTM có lợi thế về mạng lưới, thương hiệu, nguồn vốn huy động tăng mạnh. Một số NHTM quy mô nhỏ huy động vốn trên thị trường 1 gặp khó khăn, một số khác quản trị rủi ro thanh khoản yếu, vốn huy động phụ thuộc lớn vào thị trường 2, nắm giữ ít giấy tờ có giá, thực hiện cạnh tranh lách huy động vốn với lãi suất cao đã ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD khác và gây mất ổn định thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, do NHNN có biện pháp xử lý kịp thời thông qua tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở và các biện pháp khác, nên về cơ bản thanh khoản VNĐ toàn hệ thống hiện nay vẫn đảm bảo.
Các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay VNĐ theo xu hướng giảm dần phù hợp với xu hướng giảm của lãi suất huy động. Nhưng, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành cuối năm 2011 chỉ đạt 12%, còn trong những tháng đầu năm 2012, dư nợ cho vay nền kinh tế giảm mạnh, đến 23-3 giảm khoảng 2% so với cuối năm 2011.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTM có xu hướng giảm, tuy nhiên, cơ cấu tín dụng của các NHTM chuyển hướng tích cực theo đúng chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD áp dụng nhiều biện pháp để giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất thấp hơn 16%, tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong bối cảnh lãi suất vẫn còn cao, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiềm ẩn rủi ro, các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, làm dư nợ quá hạn và nợ xấu có xu hướng gia tăng, các ngân hàng đang ra sức thu hồi những món nợ quá hạn cũ và cố gắng hạn chế những món nợ quá hạn phát sinh mới để kiểm soát nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống TCTD đến 29/2 là 3,42%.
Thu nhập của ngân hàng đến chủ yếu từ hoạt động cho vay, nhưng năm qua với điều kiện kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng, nguồn thu từ hoạt động tín dụng của hầu hết các ngân hàng bị ảnh hưởng, dẫn đến hiệu quả hoạt động của hầu hết ngân hàng bị giảm sút đáng kể, biên độ lợi nhuận bị thu hẹp so với năm 2010.
Trong điều kiện hoạt động tín dụng gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng đã chú trọng phát triển các hoạt động dịch vụ như mở rộng thanh toán quốc tế, sản phẩm thẻ, dịch vụ kiều hối... để tăng nguồn thu cho hoạt động của ngân hàng.
Ngoài ra, các NHTM trong nước còn đang phải đối mặt với việc trên 90% tỷ trọng vốn của ngân hàng hiện nay là nguồn vốn ngắn hạn, gây khó khăn cho các NHTM trong việc quản trị nguồn vốn, khó bảo đảm cân đối kỳ hạn. Kỳ hạn huy động vốn bình quân có xu hướng rút ngắn trong khi kỳ hạn cho vay bình quân dài, tạo nguy cơ rủi ro kỳ hạn và lãi suất. Hơn nữa, sự mất cân đối kỳ hạn vốn của ngân hàng hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do các doanh nghiệp này chủ yếu vay vốn trung và dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, do hàng tồn kho lớn, sản xuất của các khách hàng đang suy giảm nghiêm trọng, các ngân hàng khó khăn trong thu nợ (gốc, lãi), nợ xấu có xu hướng tăng cao. Một số lĩnh vực cho vay cần ưu tiên như cho vay nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn do khách hàng vay không đủ điều kiện để ngân hàng xem xét cho vay (không có phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả; không có hoặc không đủ tài sản bảo đảm; tình hình tài chính không minh bạch; nợ xấu phát sinh do không tiêu thụ được sản phẩm...).
Trong công văn gửi Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị, như: có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xử lý khối lượng hàng tồn kho lớn, đặc biệt có các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, giải tỏa vốn vay ngân hàng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thông qua chính sách hoãn, giãn thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên hoặc bảo lãnh của nhà nước khi vay vốn. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho các khách hàng lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, với thời gian phù hợp. Hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mua bán nợ, mua bán tài sản đảm bảo, giải thể, sáp nhập, mua bán các công ty, doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM cho vay; có chính sách kích cầu tiêu dùng để khuyến khích người dân dùng hàng nội địa; hoàn thiện công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch đất đai, quy hoahcj phát triển các lĩnh vực, tạo điền kiện cho các thành phần kinh tế duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh một cách ổn định.
Vũ Thành