Những khó khăn cần tháo gỡ

Những khó khăn cần tháo gỡ
Việc học tập của HS dân tộc rất ít người ngày càng được quan tâm
Việc học tập của HS dân tộc rất ít người ngày càng được quan tâm

(GD&TĐ) - Là huyện vùng cao biên giới, Mường Khương (Lào Cai) có thành phần dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt có dân tộc rất ít người Bố Y cư trú. Trong những năm qua, chính quyền và ngành Giáo dục Mường Khương đã tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người (DTRIN). Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. 

Khó khăn từ thực tế

Thống kê từ Phòng GD&ĐT Mường Khương (Lào Cai) cho thấy tỉ lệ chuyên cần tới trường lớp của học sinh  DTRIN có nhiều biến động theo từng năm học. Năm học 2010 - 2011, 100% trẻ bậc Mầm non và Tiểu học tới trường thì cấp THCS chỉ đạt 96,4%.

Sang năm học 2011 – 2012 trong khi số trẻ cấp Tiểu học tới lớp đầy đủ 100% thì bậc Mầm non và THCS vẫn có học sinh không tới trường. Tới năm học 2012 – 2013 tình trạng học sinh DTRIN bỏ học thậm chi còn tăng lên khi bậc Mầm non chỉ đạt 97,6% và cấp THCS đạt 94,6% trẻ tới trường. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Chiến – Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương, chất lượng giáo dục của giáo dục học sinh DTRIN đến nay vẫn còn những hạn chế nhất định bởi một số xã, thị trấn có học sinh DTRIN chưa chú ý đến công tác tuyên truyền về chính sách, chế độ Đề án phát triển giáo dục đối với các DTRIN.

Mặt khác, số học sinh DTRIN được thụ hưởng theo Quyết định 2123/QĐ - TTg là đối tượng phải thuộc hộ nghèo, tuy nhiên số học sinh này có tỷ lệ thấp. Nhiều đối tượng cũng thuộc DTRIN nhưng không thuộc hộ nghèo nên không được hưởng hỗ trợ làm nảy sinh mâu thuẫn, so sánh và ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyên cần của một số đơn vị trường học. 

Thực tế cũng cho thấy, sở dĩ tỉ lệ học sinh DTRIN cấp THCS vẫn bỏ học nhiều bởi nhận thức còn thấp, không thấy được lợi ích lâu dài của tri thức nên không chú ý đến vấn đề học tập của bản thân. Các em chỉ chú ý đến việc lao động kiếm tiền trước mắt để giúp đỡ gia đình. 

Một nguyên nhân khác, tại Mường Khương hiện nay việc đầu tư cơ sở vật chất chỉ tập trung chủ yếu cho các đơn vị trường tiểu học mà chưa quan tâm đầu tư đối với điểm trường mầm non, trường THCS nên cũng không trở thành động lực để thúc đẩy học sinh tới trường.

Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh DTRIN được hỗ trợ theo quý/ năm nên công tác tổ chức nuôi ăn, công tác phục vụ hỗ trợ học sinh về văn phòng phẩm phục vụ học tập... còn gặp nhiều khó khăn. 

Tạo động lực cho học sinh DTRIN tới trường

Để tháo gỡ những bất cập trên và tăng cường chất lượng cho giáo dục học sinh DTRIN, giáo dục Mường Khương đang tiếp tục tham mưu với UBND huyện chỉ đạo sát sao các cơ quan ban ngành; UBND xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền về chế độ chính sách phát triển giáo dục DTRIN. 

Bản thân các trường học có học sinh DTRIN cũng được chỉ đạo sát sao việc tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền chế độ chính sách đồng thời tổ chức ký cam kết thực hiện giao ước giữa phụ huynh học sinh và nhà trường đảm bảo duy trì tỷ lệ chuyên cần học sinh Bố Y đến trường lớp. 

Vấn đề sắp xếp, ưu tiên những giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm, tận tụy tâm huyết với nghề dạy học tại những vùng đồng bào DTRIN được đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao chất lượng tại  trường có học sinh DTRIN.

Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm thu hút học sinh DTRIN ở lại bán trú nhà trường.

Cũng theo ông Chiến, chế độ chính sách cho học sinh DTRIN có tác dụng lớn trong việc huy động học sinh dân tộc tới trường nên Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách hỗ trợ cho học sinh DTRIN.

Dù điều kiện còn khó khăn vẫn phải duy trì thường xuyên việc tổ chức nuôi ăn cho học sinh DTRIN đối với các trường bán trú Tiểu học, THCS; Nuôi ăn bữa trưa đối với trẻ mầm non thật sạch sẽ, gọn gàng, hợp vệ sinh. 

Công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh cũng phải được làm tốt hơn trước để có thể định hướng, giúp các em học sinh DTRIN lựa chọn đúng ngành nghề, phù hợp với năng lực của bản thân...

Đặc biệt, trong những năm tới, Mường Khương sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với tình hình thực tế của các điểm trường tiểu học có học sinh dân tộc Bố Y trên địa bàn huyện theo hướng ưu tiên các điểm trường tiểu học còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phòng ở giáo viên...

Tiếng nói từ cơ sở

Đến nay, Mường Khương (Lào Cai) cùng một số địa phương đã triển khai thực hiện Quyết định số 2123 – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các DTRIN được 3 năm. Đề án thực sự là cú hích, sự tiếp bước để trẻ em dân tộc thiểu số tới trường. 

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn chỉ ra những khó khăn cần tháo gỡ. Các cơ sở giáo dục mong muốn được tăng cường và triển khai đầu tư cơ sở vật chất như phòng học, nhà công vụ, thiết bị dạy học nhiều hơn nữa tại các điểm trường tiểu học có học sinh DTRIN nhiều hơn nữa. Việc hỗ trợ kinh phí cho học sinh DTRIN cũng cần được tiến hành theo tháng để giảm những khó khăn trong công tác phục vụ học tập, nuôi ăn cho học sinh của các đơn vị trường học. 

Công tác tổ chức các lớp tập huấn, dạy tiếng dân tộc cho các trường học bậc mầm non, tiểu học, hay tư vấn hướng nghiệp cấp THCS cho học sinh DTRIN tại địa phương cũng cần được quan tâm giúp đỡ từ Bộ, ngành liên quan để giáo viên ngày càng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình giảng dạy.

Để nâng cao chất lượng cho học sinh DTRIN Bố Y, trong thời gian tới, giáo dục Mường Khương sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với tình hình thực tế của các điểm trường tiểu học và có học sinh dân tộc Bố Y trên địa bàn huyện theo hướng ưu tiên các điểm trường tiểu học còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phòng ở giáo viên. 

Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ