Những kết quả quan trọng trong đổi mới giáo dục Lào Cai

GD&TĐ - Tỉnh Lào Cai xác định đầu tư giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững và đổi mới giáo dục là hướng đi tất yếu.

Điểm cầu Lào Cai dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.
Điểm cầu Lào Cai dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản giáo dục và toàn diện GD&ĐT, tỉnh Lào Cai xác định đầu tư trên lĩnh vực giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Cùng với đó, Lào Cai xác định đổi mới giáo dục là hướng đi tất yếu để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan điểm xuyên suốt của địa phương này là "Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu"; "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển".

Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện. Bên cạnh đó, đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, các giải pháp đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm.

Qua 10 năm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới GD&ĐT với nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa phương, tỉnh Lào Cai đã thu được những kết quả quan trọng. Quy mô GD&ĐT, mạng lưới trường lớp được quy hoạch phù hợp với phân bổ dân cư và địa hình của tỉnh. Đến năm học 2023-2024, toàn tỉnh có có 610 trường, 8.308 lớp với 234.972 học sinh.

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, trường Cao đẳng Lào Cai và 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quy mô đào tạo bình quân 13.000 người/năm. Những cơ sở này cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện, trở thành hệ thống trụ cột của sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét và toàn diện, vững chắc ở tất cả các cấp học, nhất là tại vùng cao. Số lượng và tỷ lệ học sinh giỏi đạt giải trong các kỳ thi trong nước và Quốc tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi và các cấp học được duy trì bền vững. Tỉnh Lào Cai phấn đấu đạt chuẩn phổ cập GDMN 4 tuổi vào năm 2025.

Cơ sở vật chất trường, lớp học, cơ sở đào tạo nghề tiếp tục được chú trọng đầu tư, từng bước được hoàn thiện theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá, chuẩn hoá, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và tỏ rõ quyết tâm cao trong tiến trình thực hiện. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo được tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Cùng với đó, công tác xã hội hoá giáo dục và hội nhập, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục đang từng bước được nâng cao. Từ đó, đáp ứng việc tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến, mô hình tiên tiến trong và ngoài nước.

Tỉnh Lào Cai được tái lập năm 1991, thời điểm đó là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước do bị tàn phá bởi chiến tranh biên giới. Toàn tỉnh chỉ có 16 phòng học kiên cố và có 14 xã “trắng về giáo dục". Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 14 tuổi đi học chỉ đạt khoảng 37%. Đến nay, giáo dục Lào Cai đã vươn tầm, khẳng định chất lượng, là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.