“Những hạt gạo thơm mùa giáp hạt” - khơi dậy những ngọn lửa yêu thương

GD&TĐ - Cuộc thi viết “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” năm 2018 đã kết thúc nhưng những dư âm tốt đẹp, ý nghĩa sâu sắc của mỗi bài viết tiếp tục được lan tỏa để ngày càng có nhiều hơn nữa những câu chuyện, những kỷ niệm về thầy cô và mái trường.

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên phải)
Cô giáo Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên phải)

Từ tấm lòng biết sẻ chia của một cô giáo

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình, GV Trường THPT Chu Văn Thịnh, Mai Sơn, Sơn La với tác phẩm “Những hạt gạo thơm mùa giáp hạt” đã đem đến câu chuyện đầy cảm xúc.

Chia sẻ về tác phẩm của mình, cô Thanh Bình cho biết: Nhân vật trong bài viết của tôi là một cô giáo đang công tác tại một trường tiểu học tại một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn tỉnh Sơn La.

Cách đây hơn chục năm về trước, ở những bản làng heo hút phía Bắc vẫn còn nhiều lắm những gia đình gần đến mùa giáp hạt là lại thấy cái đói vào nhà. Nhiều em học sinh phải ăn cơm độn ngô, độn sắn, thậm chí còn chẳng có cơm độn mà ăn. Cái đói tràn cả vào trong lớp học. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn bỏ học.

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại lễ trao giải
Cô giáo Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại lễ trao giải 

Năm ấy, đến thăm nhà học sinh vào những ngày giá rét, trong lòng cô Duyên không khỏi xót xa. Thế là cứ vào tháng 3, mùa giáp hạt, cô Duyên lại cho xe chở một tấn gạo đến trường chia cho các em học sinh của mình.

Với một cơ quan, doanh nghiệp hay tổ chức từ thiện thì số gạo đó không lớn nhưng đối với gia đình nhỏ thì đây quả là một con số đáng ghi nhận. Và trân trọng hơn cả là tấm lòng biết sẻ chia của một cô giáo – đó cũng chính là lý do thôi thúc tôi viết bài dự thi.

Khơi dậy những ngọn lửa yêu thương

Cô Thanh Bình tâm sự: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”. Yêu thương là một trong 12 giá trị sống cốt lõi, việc làm của cô giáo Duyên (nhân vật trong bài viết) là minh chứng rất cụ thể, đã khơi dậy những ngọn lửa yêu thương trong lòng các thầy cô giáo trong nhà trường.

Tình cảm ấy đã tiếp sức cho tôi cũng như rất nhiều thầy cô giáo đang công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn của Tổ quốc, vượt khó vươn lên, tâm huyết, sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự nghiệp “trồng người”.

Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ tổng kết
Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ tổng kết 

Ở bất cứ nơi đâu, trên khắp mọi miền Tổ quốc, nơi nào có mái trường mến yêu, thì ở đó mãi còn hiện hữu nhiều lắm hình ảnh những người như cô giáo Duyên trong bài viết của tôi, cũng như nhiều bài viết khác, với nhiều lắm những việc làm nhỏ bé âm thầm mang ý nghĩa lớn lao.

Họ đã hi sinh thầm lặng, kiên trì và bền bỉ vì thế hệ trẻ, vì một tương lai đất nước đẹp hơn, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ lúc sinh thời : “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Lan tỏa những câu chuyện đẹp về thầy cô

Hưởng ứng phát động cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2019”, thay mặt Sở GD&ĐT Quảng Ninh, bà Lê Thị Phượng, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, cho biết: Trong thời gian gần đây có nhiều việc liên quan đến thầy/cô giáo, học sinh và nhà trường, gây lo lắng cho xã hội, tạo ra sự phân tâm trong không ít cán bộ, giáo viên của ngành thì cuộc thi này càng có ý nghĩa quan trọng, vừa khẳng định vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo, của nhà trường đối với giáo dục, đào tạo, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước, qua đó thấy được lao động đặc thù của các nhà giáo, thấy được sự hy sinh thầm lặng, cao cả của thầy, cô đối với sự nghiệp trồng người, những tình cảm của học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân đối với thầy cô và mái trường, để mọi người đều thấy rằng sự nghiệp giáo dục là trách nhiệm của các cấp ủy, Đảng, chính quyền, của mọi người dân và toàn xã hội.

Các tác giả đạt giải khuyến khích
Các tác giả đạt giải khuyến khích 

Cuộc thi đã kết thúc nhưng với chúng tôi, những người làm công tác quản lý, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thấy rằng phải có trách nhiệm để kết quả và những dư âm tốt đẹp, ý nghĩa sâu sắc của cuộc thi tiếp tục được lan tỏa để ngày càng có nhiều hơn nữa những câu chuyện, những kỷ niệm về thầy cô và mái trường, tạo động lực để xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

BTC trao:

1 Giải Nhất: Tác giả Trịnh Thị Vân, Trường THCS Yên Phú, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tác phẩm “Cô giáo – mẹ hiền”.

2 Giải nhì: Tác giả Nguyễn Thanh Bình, Trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với tác phẩm “Những hạt gạo thơm mùa giáp hạt”; Đỗ Văn Dinh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với tác phẩm Trường mầm non xã Lầu Thí Ngài”.

3 Giải Ba: gồm tác giả Trần Thị Minh, số 077/6 đường Quy Hóa, Phường Kim Tân, Thành phố Lào Cai với tác phẩm “Lá thư gửi cô”; Hà Công Thái, Trường THCS Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội với tác phẩm “ Người thầy vĩ đại của tôi”; tác giả Vũ Thanh Nga, Trường Hữu Nghị T78, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội với tác phẩm “Người thầy vĩ đại của tôi”.

15 Giải khuyến khích và 4 giải phụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ