Nghệ An: Trò say mê với thư viện nhỏ của lớp

GD&TĐ - “Nhìn các em say sách, mê sách, ngấu nghiến đọc sách tôi thấy vừa mừng vừa xúc động. Sau này ra trường, mỗi em sẽ lựa chọn những con đường khác nhau đến tương lai, có em sẽ thi và học lên đại học, cũng có em đi học nghề, xuất khẩu lao động. Nhưng những bài học, câu chuyện trong sách sẽ khơi dậy ước mơ, bồi đắp tầm hồn, hình thành nhân cách sống tử tế và yêu thương trong suốt cuộc đời”, cô Phan Thị Hồng xúc động nói.

Giá sách của lớp 11C, trường THPT Nguyễn Trường Tộ
Giá sách của lớp 11C, trường THPT Nguyễn Trường Tộ

Từ tủ sách của lớp văn

Đến trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ngoài thư viện trường, nhiều lớp học còn có tủ sách riêng phục vụ chính các bạn trong lớp. Những cuốn sách ở đây chủ yếu là sách văn học, kỹ năng sống, khiến các bạn rất hào hứng đọc.

Tác giả của những tủ sách này này là cô giáo dạy Ngữ văn Phan Thị Hồng, chủ nhiệm lớp 11 C, cũng là lớp đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng. “Nhiều năm giảng dạy tại trường, và từ chính tâm sự của các em cựu học sinh, tôi nhận thấy các em rất thích đọc.

Nhưng học sinh của trường THPT Nguyễn Trường Tộ chủ yếu đến từ 3 xã vùng lụt của huyện Hưng Nguyên, đời sống gia đình còn rất khó khăn, ít có điều kiện tiếp xúc với nhiều sách báo. Mỗi lần tôi đưa một cuốn sách văn học đến lớp, là các em ngấu nghiến đọc, thương lắm. Vì thế, tôi muốn đem thêm nhiều sách đến, để bù đắp sự thiếu thốn đó cho học trò mình”, cô Hồng tâm sự

Ban đầu, cô Hồng chỉ vận động phụ huynh hỗ trợ để mua sách tặng học sinh. “Số tiền nhỏ thôi, chỉ khoảng 20 - 30 nghìn đồng để mua sách làm quà sinh nhật cho tất cả các bạn trong lớp. Các bác phụ huynh cũng ủng hộ cô giáo, thời điểm đó tổng số tiền tôi thu được cộng với quỹ lớp là gần 800 nghìn. Tôi đã mua gần 40 cuốn quà tặng cuộc sống, hạt giống tâm hồn.

Với hi vọng nhữmg câu chuyện nhỏ trong đó sẽ giúp các em học được nhiều điều ý nghĩa. Không ngờ, các em lại đón nhận rất phấn khởi, háo hức. Nhìn thấy sự say mê với sách đó, tôi quyết định lập tủ sách lớp học.

Mục đích, trước hết là để cho các em có cái để đọc, trong giờ ra chơi, giờ tự học hoặc có thể mượn về nhà, hạn chế việc chơi game, hoặc tham gia vào các hoạt động vô bổ, ảnh hưởng đến học tập.

Từ đó, cô giáo Phan Thị Hồng bắt kêu gọi các đồng nghiệp, bạn bè, cả các cựu học sinh ủng hộ, góp sách. Cô tự mình đi mua giá sách, nhờ chồng chở xe máy từ TP Vinh vượt hơn 20km đến trường. Những cuốn sách đầu tiên của tủ sách chính là sách hạt giống tâm hồn - quà sinh nhật của mỗi bạn trước đây - đem đến góp để chuyền tay nhau cùng đọc.

Sau đó, là nhiều hơn nữa những kỹ năng sống, tác phẩm văn học của các tác giả quen thuộc như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Nhật Ánh. Bây giờ, tủ sách của cô trò còn có thêm nhiều sách văn học nước ngoài như: Không gia đình, Đồi gió hú, Tiếng chim hót trong bụi mận gai…

Em Nguyễn Thị Doan (học sinh lớp 11 C) nói: Có tủ sách trong lớp, em thấy rất thích và em đã đọc được nhiều câu chuyện rất hay. Cuốn sách hiện tại em đang đọc là Không gia đình của tác giả Hector Malot. Nhiều đoạn trong đó em đã khóc vì xúc động, và thấy có được gia đình, lớn lên có bố mẹ các anh chị em bên cạnh thật là hạnh phúc.

Em học theo khối các môn xã hội, nên việc đọc nhiều cũng giúp em có nhiều hiểu biết, kiến thức hơn, để phục vụ cho việc học tập của mình. Em cũng mong có nhiều sách hơn nữa trong tủ sách của lớp, để em và các bạn được đọc nhiều hơn”.

Sẽ lan tỏa trong cả trường

Từ một tủ sách của một lớp, đến năm học này, nhiều thầy cô giáo khác cũng đã xây dựng thư viện nhỏ và trở thành phong trào lan tỏa trong cả trường. Các loại sách cũng phong phú thêm như sách giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật… Các bạn cựu học sinh cũng tìm mua và gửi tặng những sách “một thời ao ước” về cho các em khóa sau. Và từ đó, thổi thêm một không khí mới, tạo niềm yêu thích, và thói quen đọc sách cho học sinh trong trường.

Cô Phan Thị Hồng chia sẻ: thỉnh thoảng, trong giờ học, tôi gọi học sinh đứng lên, kể cho cô và các bạn trong lớp nghe một câu chuyện mà em đã đọc, và những điều mà em cảm nhận được từ câu chuyện đó. Nhiều em đã mạnh dạn, hào hứng chia sẻ suy nghĩ của mình, dù “em thấy nhiều câu chuyện em đọc mà chưa hiểu lắm, hoặc không hay được như cô kể”.

Thực ra, ngoài sách tham khảo và các kiến thức được thầy cô giảng dạy trên lớp, những kiến thức về xã hội các em học sinh có thể tìm hiểu nhiều ở trên mạng Internet. Tuy nhiên, đó là một thế giới thông tin quá rộng lớn mà nếu không có sự định hướng, các em sẽ bị lạc, hoặc có thể sa đà vào các trò chơi ảo.

Vì vậy, việc xây dựng thư viện nhỏ trong lớp, với những đầu sách đã qua sự thẩm định, sàng lọc của thầy cô giáo, là nguồn tài liệu đáng tin cậy và bổ ích, phù hợp nhất cho lứa tuổi học sinh.

“Sau này ra trường, mỗi em sẽ lựa chọn những con đường khác nhau đến tương lai, có em sẽ thi và học lên đại học, cũng có em đi học nghề, xuất khẩu lao động. Nhưng những bài học, câu chuyện trong sách sẽ bồi đắp tầm hồn, nhân cách sống tử tế và yêu thương, đặc biệt là ở cái tuổi đầy ước mơ và khát vọng này. Và tôi mong nó sẽ theo các em suốt cuộc đời, hình thành giá trị sống tốt đẹp cho các em”, cô Phan Thị Hồng nói.

Về tủ sách của cô trò trong mỗi lớp học, thầy Trần Đình Hoàng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cũng cho biết: Tôi rất ủng hộ mô hình này, mặc dù nó rất nhỏ nhưng đã thấy rõ hiệu quả và tác dụng đối với học sinh của trường. Thật sự, những cuốn sách này các em lại hào hứng đọc hơn sách bài tập, tham khảo.

Nhưng trong đó luôn có những bài học về cuộc sống cần thiết cho các em. Tôi cũng đã kêu gọi, liên hệ thêm các nhà tài trợ để nhân rộng hơn nữa các thư viện lớp. Và dự định sẽ dựng các tủ sách, giá sách ở nhiều nơi trong sân trường, ở vị trí phù hợp, thoáng mát để các em có thể ngồi đọc cùng nhau trong giờ ra chơi, hoặc sau giờ học.

Nghệ An: Trò say mê với thư viện nhỏ của lớp ảnh 1Nghệ An: Trò say mê với thư viện nhỏ của lớp ảnh 2Nghệ An: Trò say mê với thư viện nhỏ của lớp ảnh 3Nghệ An: Trò say mê với thư viện nhỏ của lớp ảnh 4Nghệ An: Trò say mê với thư viện nhỏ của lớp ảnh 5Nghệ An: Trò say mê với thư viện nhỏ của lớp ảnh 6

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ