Những giải pháp kích thích hứng thú học sinh với môn Mỹ thuật

GD&TĐ - Việc dạy và học phân môn vẽ tranh ở Tiểu học có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Muốn nâng cao chất lượng dạy vẽ tranh, trước hết giáo viên phải xây dựng được nội dung dạy học hợp lý, khoa học và những phương pháp giảng dạy phù hợp, tạo sức hấp dẫn, cuốn hút học sinh tham gia.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Cao (Hưng Yên) hào hứng vẽ tranh theo nhóm
Học sinh Trường Tiểu học Trần Cao (Hưng Yên) hào hứng vẽ tranh theo nhóm

Kích thích hứng thú với phương pháp dạy phối màu tranh đề tài

Đây là cách làm thay cho vẽ màu. Sau khi học sinh vẽ hình xong, nhiều học sinh vẽ hình tốt màu ẩu rất ngại vẽ màu. Cách này là phương pháp kích thích mạnh nhất cho đối tượng học sinh như vậy. Không chỉ thế mà nó kích thích được sự hứng khởi đặc biệt cho tất cả các đối tượng học sinh.

Đồ dùng: Để tận dụng những màu sáp bị tày, bằng khó tô cần gọt bớt, sáp gãy ngắn không dùng được, giáo viên yêu cầu học sinh gọt cho gọn vào 2 chiếc lọ khác nhau theo gam màu nóng và lạnh. Khi cần thực hành các em mang ra nghiền nhỏ và xoáy thêm những màu riêng phù hợp cho hình vẽ.

Ngoài ra, giáo viên có thể chuẩn bị thêm bột màu, nhũ màu (có thể yêu cầu học sinh mua thêm). Nhắc học sinh mang keo dán giấy, bút lông, chổi lông hoặc, tăm bông.

Cách thực hiện: Sau khi vẽ hình xong, giáo viên hướng dẫn học sinh pha keo dán giấy cho hơi loãng, dùng chổi, bút lông hoặc tăm bông quét đều vào bề mặt hình mình muốn vẽ màu. Khi quét keo xong, dùng bột sáp hoặc bột màu hay nhũ rắc đều lên mặt hình vừa quét keo. Màu sắc đậm hay nhạt là do cách rắc màu dày hay thưa. Cứ tiếp tục như vậy sẽ màu sắc của tranh sẽ được hoàn thành tranh rất nhanh màu màu sắc thì đẹp, lung linh.

Lưu ý học sinh khi bôi keo không bôi hết các hình mà rắc màu vào hình nào thì bôi keo ướt vào hình đó để nếu có vương sang hình bên cạnh thì chúng cũng không bám lại giấy, tránh bị lẫn mà giữa các hình. Học sinh sẽ rất hào hứng và không còn chán vẽ màu, không vẽ màu ẩu; giáo viên cũng không còn phải ghi nhận xét ”Em vẽ màu cho rõ đậm nhạt hơn. Cần vẽ màu mạnh tay cho rõ màu sắc hơn..”.

Cách làm này giúp học sinh yêu thích và thể hiện tốt các bài vẽ tranh đề tài. Với những bài thực hành này nên cho các em làm bài theo nhóm.

Xây dựng cách vẽ hình tự tin tạo bố cục tranh đề tài

Vẽ hình bằng bút chì là cách vẽ hình truyền thống của cả trẻ em lẫn người lớn khi tạo nét cho tranh vẽ theo đề tài. Học sinh vẽ hình bằng chì cho kết quả là đa số các bài vẽ có hình vẽ nhỏ. Do chất liệu bút chì dễ tẩy xoá nên nhiều học sinh quá lạm dụng tẩy làm cho bài vẽ bị bẩn, hình vẽ thiếu tự nhiên thậm chí rách vở vẽ. Kết quả được một bức tranh có bố cục trống vắng, rất khó thể hiện màu.

Trong nhiều tiết vẽ, những em quên vở, giáo viên cho vẽ bằng phấn lên bảng con thì phát hiện thấy nét vẽ của các em khoẻ, tự nhiên và bố cục hợp lí; từ đó, động viên kịp thời những học sinh đó bằng cách cho cả lớp xem bài, đồng thời nêu những ưu điểm cho các bạn trong lớp xem.

Sau đó, giáo viên cho học sinh dùng luôn bút có nét to như dạ màu, sáp màu để vẽ bài tranh đề tài vào giấy khổ A4 thì thấy đạt hiệu quả tương đương như các em vẽ trên bảng con. Như vậy, hình vẽ của học sinh trên bài vẽ tranh đề tài tỉ lệ thuận với nét vẽ .

Nâng cao kỹ năng thực hành vẽ tranh cho học sinh

Để thay đổi hình thức học khép kín này, với một số đề tài khó và rộng, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh học và làm bài theo nhóm. Đây cũng là hướng chính để tìm biện pháp giúp học sinh vẽ hình tự tin hơn và để tạo ra những bố cục phong phú của đề tài.

Vì có trao đổi nhóm thì học sinh mới có sự giao lưu kiến thức, tìm tòi học hỏi lẫn nhau để nhận thấy sự phong phú hấp dẫn của chủ đề cần thể hiện. Học sinh có thực hành chung vào khổ giấy to thì mới rèn được kỹ năng trình bày cái riêng trong cái chung, rèn cách trình bày hình ảnh thế nào cho tốt, bố cục thế nào là phù hợp với khổ giấy. Các em sẽ có thói quen tự tin hơn thể hiện cách vẽ trước các bạn và chính mình.

Ví dụ với bài vẽ tranh đề tài tự do, sau khi hướng dẫn quan sát nhận xét, giáo viên điều tra thông tin sở thích theo gợi ý đề tài của mình. Kết quả, những học sinh nào có chung ý tưởng thì cho vẽ chung nhóm vào khổ giấy to.

Vẽ nhóm như vậy làm cho các em rất hào hứng, trao đổi học hỏi các bạn cùng nhóm và quyết tâm thi đua với các nhóm khác.

Mặt khác, trưng bày và nhận xét bài chéo nhóm sẽ làm cho các em kết quả của mình với của bạn và có hướng phấn đấu. Kết quả thu được ở trong các bài vẽ nhóm là các phong cách vẽ khác nhau kết hợp thành bố cục rất ngộ nghĩnh. Học sinh được học hói thêm cách tạo hình mới ngay từ bạn học.

Để đạt được kết quả cao cho tiết học, ở khâu thực hành, giáo viên cần chịu khó quan sát, uốn nắn học sinh khi vẽ để có những gợi ý sửa chữa kịp thời, phát hiện ra được những học sinh yếu kém hoặc học sinh còn lúng túng khi làm bài; tìm ra biện pháp giúp đỡ, kèm cặp cho học sinh, quan tâm, gần gũi với các em hơn, tạo nên không khí thoải mái cho tiết học, gắn kết thầy trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ