Cộng tác viên - Yếu tố quan trọng trong thực hiện xã hội hóa sức khỏe sinh sản

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, cộng tác viên dân số là lực lượng nòng cốt góp phần làm nên những thành công trong công tác DS - KHHGĐ. 

Cộng tác viên - Yếu tố quan trọng trong thực hiện xã hội hóa sức khỏe sinh sản

Trên cơ sở đó, nhiều địa phương xác định, đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở sẽ là yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện Đề án 818 về xã hội hóa các biện pháp tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản. Hơn bao giờ hết, cần phải trang bị kiến thức, nâng cao năng lực và các kỹ năng cho đội ngũ này.

Không nên “đốt cháy giai đoạn”

Theo chân chị Lê Thị Thanh – Cộng tác viên dân số ở thôn Thượng (xã Tuân Chính, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đến một hộ gia đình sinh con một bề là trai.

Biết được tâm lý của vợ chồng này có ý định sinh thêm cô con gái để “có nếp, có tẻ”. Với cách nói chuyện gần gũi, thân mật, “đánh trúng tâm lý” nên người vợ đã “xuôi tai”, đồng ý khuyên chồng áp dụng các biện pháp tránh thai và quyết định không sinh thêm con để cuộc sống đỡ vất vả, tập trung nuôi dạy hai con cho tốt.

Buổi tuyên truyền của chị Thanh cơ bản được coi là thành công. Trước khi ra về, chị không quên nhắc người vợ chú ý sử dụng bao cao su hoặc uống thuốc tránh thai mà chị vừa tiếp thị, cấp bán.

Nói về công tác tuyên truyền vận động, chị Thanh cho hay: Làm công việc này không thể nóng vội, càng không nên “đốt cháy giai đoạn”.

Tức là: Vừa đến gặp người ta đã nói tranh hết phần của họ và thúc ép người ta nghe theo mình. Như thế chỉ nhận lấy thất bại. “Khi tiếp xúc với đối tượng cần được tuyên truyền, vận động, người cộng tác viên càng mềm mỏng, khéo léo thì càng tốt. Cách đặt vấn đề, dẫn dắt câu chuyện càng tự nhiên, dí dỏm, hài hước thì hiệu quả càng cao” - chị Thanh “bật mí”.

Còn theo bà Vũ Thị Thêm - Cộng tác viên dân số phường Ngô Quyền (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), cần biết tranh thủ sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể như: Chi hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và chi bộ Đảng trong công tác tuyên truyền, vận động.

Ngoài ra nên chọn người vợ là đối tượng để tiếp cận, tuyên truyền, vì khi tuyên truyền đến người vợ thành công thì chúng ta đã gần như là nắm chắc “phần thắng” trong tay. Bởi chỉ có vợ mới là người giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình và họ mới là người rủ rỉ với chồng trong việc sinh đẻ có kế hoạch.

“Tôi còn nhớ khi đến tuyên truyền, vận động một cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai, nói kiểu gì ông chồng nhất định không chịu dùng bao cao su và cũng không cho vợ uống thuốc tránh thai vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khổ nỗi chị vợ lại không thể đặt vòng tránh thai vì lý do sức khỏe. Vậy là hai vợ chồng tránh thai bằng cách tính chu kỳ kinh nguyệt của vợ.

Tuy nhiên đây không phải là giải pháp tối ưu, nên chị vợ đã hai lần mang thai ngoài ý muốn và đều phải giải quyết bằng cách nạo hút thai. Nắm bắt được tâm lý của người chồng là rất lo lắng cho sức khỏe của vợ, nên tôi đã cung cấp một số hình ảnh về những hệ lụy do nạo, hút thai cho cô ấy.

Đồng thời khuyên cô ấy nên lựa lời tỉ tê với chồng để chồng hiểu và sẻ chia. Kết quả đã đạt được như mong muốn, anh chồng đã chịu dùng bao cao su và chỉ sử dụng sản phẩm do tôi cung cấp mới yên tâm, tin tưởng” – Bà Thêm kể lại.

Rất cần nâng cao năng lực, phát triển kỹ năng mềm

Song theo bà Thêm và chị Thanh, trước kia khi mới làm cộng tác viên dân số, cả hai đều không có những kỹ năng tuyên truyền, vận động. Thời gian đầu đến tuyên truyền còn bị người ta phản ứng, thậm chí còn tỏ thái độ miệt thị với người làm công tác dân số.

Lúc đó, vừa thiếu, lại vừa yếu về kỹ năng nên có những lúc không kiềm chế được cảm xúc. Sau một thời gian, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và được Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Vĩnh Tường, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng mềm nên cả hai người đã trang bị cho mình những bí quyết riêng khi đi tuyên truyền, vận động.

“Những khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực rất có ý nghĩa đối với chúng tôi. Bởi trong đội ngũ chúng tôi rất nhiều người chưa từng kinh qua công việc này. Thậm chí có những chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới chỉ đọc thông, viết thạo nên rất cần được trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động” – Chị Thanh trao đổi.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Thêm cho rằng, làm gì cũng phải có những kiến thức căn bản. Không phải cái gì cũng có thể tuyên truyền bằng kinh nghiệm, bằng vốn sống.

Chẳng hạn khi tuyên truyền về chính sách dân số hoặc Đề án 818 thì không thể lôi kinh nghiệm sống của mình ra để mà tuyên truyền, vận động bà con.

Do đó, ngoài việc trang bị những kỹ năng mềm, cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực này cho đội ngũ cộng tác viên.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Phi Anh – Phó Giám đốc Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết: Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và phát triển các kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở luôn được Chi cục đặc biệt quan tâm chú trọng.

“Chúng tôi quan tâm đến phát triển cho đội ngũ cộng tác viên về kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng ứng xử, kỹ năng lập kế hoạch tiếp thị…”.

Ông Phi Anh phân tích: Đơn cử như nếu không có kỹ năng giao tiếp thì khi nói sẽ không có người nghe hoặc nói không có sức hút, như vậy thì công việc tuyên truyền coi như thất bại. Hoặc nếu không có kỹ năng ứng xử thì rất dễ hỏng việc, thậm chí là phản tác dụng.

Ông Phi Anh cũng cho biết, tới đây những nội dung này Chi cục sẽ tiếp tục quan tâm và tăng cường hỗ trợ cho các cộng tác viên thông qua hình thức tổ chức hội thảo hoặc mở những lớp tập huấn ngắn hạn, nhất là hiện nay đang triển khai, thực hiện Đề án 818 về xã hội hóa các biện pháp tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản.

“Ở nông thôn, khi tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng không nên đặt vấn đề to tát mà nên bắt chuyện từ những công việc gần gũi với đời sống thường nhật của họ.

Chẳng hạn như: Việc đồng áng, chuyện chồng con, hay con gà, con lợn… Song điều quan trọng là phải nắm bắt được diễn biến tâm lý của họ để có cách tuyên truyền đúng và trúng”. Chị Lê Thị Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...