Những đứa trẻ “trên mây”: Đừng nghĩ con kém thông minh và không tập trung

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh luôn lo lắng vì con mình thiếu tập trung, như “người trên mây” khi đang làm một việc gì đó.

Trẻ mất tập trung không có nghĩa là con lười. Ảnh minh họa.
Trẻ mất tập trung không có nghĩa là con lười. Ảnh minh họa.

Nỗi lo này là có cơ sở. Bởi nếu thiếu tập trung, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tới kết quả học tập và lãng quên thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là vấn đề khó giải quyết.

Thay vì to tiếng khi con mất tập trung, phụ huynh có thể tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này. Cha mẹ hãy sử dụng một vài “mẹo” nhỏ để giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tập trung.

Chú ý tới mọi khả năng

Sẽ không lấy làm lạ khi nhiều phụ huynh than phiền rằng, khi lên lớp, con họ chỉ tập trung nghe giảng khoảng 10 – 15 phút. Sau đó, trẻ bắt đầu quay ngang, trêu đùa bạn, làm việc riêng. Trong khi đó, tình trạng mất tập trung ở trẻ thậm chí “nghiêm trọng” hơn khi ở nhà.

Để cải thiện tình trạng này, cách hướng dẫn, giáo dục của cha mẹ được cho là đóng một vai trò rất quan trọng. Nhờ đó, giúp tạo nên thói quen có lợi, tác động đến sự tập trung của trẻ.

Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), việc gặp khó khăn với sự tập trung không có nghĩa là trẻ có “vấn đề”. Tuy nhiên, sự thiếu tập trung chắc chắn gây ra các vấn đề trong trường học cũng như cuộc sống hằng ngày của con.

“Ví dụ, trẻ có thể trễ các bài học nhiều lần ở trường. Trẻ có thể mơ mộng hoặc nhìn chằm chằm ra cửa sổ ở nhà hoặc trong lớp. Trẻ có thể gây chú ý hoặc không thể hoàn thành bài tập trong lớp, hay vất vả để hoàn thành bài tập về nhà”, chuyên gia dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo bà Mỹ Dung, trẻ có vấn đề về tập trung không đồng nghĩa rằng, con lười hoặc kém thông minh. Thiếu tập trung cũng không có nghĩa là trẻ không quan tâm đến điều gì, dù người lớn có thể nhận thấy con thể hiện như vậy.

Trẻ có thể muốn tập trung vào điều gì đó, nhưng không thể làm được. Các rắc rối xảy ra ở trẻ có thể xuất hiện theo nhiều cách nhưng cũng có thể thay đổi theo thời gian. Nữ chuyên gia gợi ý, một số hành vi thiếu tập trung có thể bao gồm không ngồi yên, dễ bị phân tâm, khó làm theo hướng dẫn. Ngoài ra, trẻ có thể gặp trở ngại khi tham gia các hoạt động ở trường hoặc ở nhà...

Vì khó tập trung liên quan nhiều đến ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), nhưng một số khả năng khác có thể là nguyên nhân của vấn đề. Vì vậy, chuyên gia Mỹ Dung khuyến cáo, để tránh những nhận định không đúng, điều quan trọng là không được bỏ qua những khả năng khác. Song, không phải lúc nào những khả năng đó cũng rõ ràng.

“Chìa khoá” giúp con tập trung

Chuyên gia cho rằng, trẻ mất tập trung có thể do phong cách học tập không phù hợp. Bởi thông thường, những điều gây mất tập trung cho trẻ thường là môi trường, hoặc các yếu tố bên ngoài, hay đặc trưng phong cách học tập cá nhân.

“Mỗi trẻ là một cá thể khác nhau nên phong cách học tập khác nhau. Một số học tốt nhất bằng cách nhìn, một số bằng cách nghe và một số khác bằng cách làm. Nếu giáo viên của trẻ nhấn mạnh một phong cách học tập không phù hợp với trẻ, điều này có thể khiến con thiếu tập trung và hiểu biết.

Ví dụ, nếu trẻ là người học bằng hình ảnh và trẻ đang đọc một cuốn sách rất nhàm chán không có hình ảnh, có thể trẻ cần kích thích thị giác nhiều hơn để thu hút sự chú ý. Hoặc có thể trẻ là một người học bằng thính giác và ngôi nhà con đang ở có nhiều âm thanh tiếng ồn, khiến chúng không thể tập trung”, nữ chuyên gia giải thích.

Bà Mỹ Dung dẫn chứng, Tiến sĩ Carly Hannaford - nhà khoa học thần kinh và nhà giáo dục cho biết, có 85% học sinh bị rối loạn vận động. Tiến sĩ Hannaford nói rằng, 15% trẻ em có thể xử lý tuyến tính (tư duy xử lý mọi việc đơn giản), trao đổi với giáo viên và trả lời những vấn đề đã được học.

Vì vậy, biết cách học tập của trẻ là chìa khóa để tìm ra những yếu tố gây mất tập trung. Nhờ đó, cha mẹ có thể giúp trẻ tìm cách giải quyết vấn đề.

Song, theo chuyên gia Mỹ Dung, trẻ cũng có thể mất tập trung khi không được thử thách một cách thích hợp. Cụ thể, không chú ý cũng có khả năng là kết quả của cảm giác bị thiếu hoặc thử thách quá mức.

“Nếu cha mẹ liên tục nhận được các cuộc gọi hoặc ghi chú từ trường gửi về nhà cho thấy trẻ thiếu chú ý, có lẽ nguồn gốc của hành vi là do thiếu sự kích thích trong môi trường học. Những đứa trẻ không bị thử thách thích hợp bởi bài vở ở trường có thể nhanh chán nản. Trẻ có thể bắt đầu mất hứng thú với các bài học, ngừng chú ý hoàn toàn, không thích học và bị điểm kém”, chuyên gia chia sẻ.

Khi gặp khó khăn, trẻ có xu hướng tìm cách thu hút và kích thích bản thân. Điều này có nghĩa là trẻ sẻ tìm cách gây chú ý ở lớp học, hoặc trở thành “chú hề” của lớp. Khi bị thách thức quá mức, trẻ có thể cố gắng đánh lạc hướng người khác bằng hành vi nhiều năng lượng. Chuyên gia nhấn mạnh, đây cũng là lý do trẻ có  nhiều năng lượng thường bị chẩn đoán nhầm với ADD (Rối loạn giảm chú ý) hoặc ADHD (Rối loạn tăng động giảm chú ý).

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên bỏ qua chế độ ngủ và dinh dưỡng của con. Bởi, theo bà Mỹ Dung, dinh dưỡng cũng có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung của trẻ. Ngay cả người trưởng thành cũng khó tập trung khi đói. Trẻ cũng vậy.

“Sự phát triển và tăng trưởng của não phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng và tạo nền tảng cho việc học hỏi và hành vi. Theo Hiệp hội Khoa học Thần kinh, các nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng, chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa thực sự làm giảm khả năng học tập và trí nhớ.

Vì vậy, việc thay đổi chế độ ăn uống của gia đình thành một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng là rất quan trọng để giúp trẻ phát huy hết tiềm năng về khả năng tập trung, ghi nhớ và trí lực. Tránh cho trẻ ăn thức ăn chế biến sẵn, nhiều đường như ngũ cốc ăn sáng, thực phẩm đóng hộp và đồ ăn nhẹ. Hãy làm gương tích cực bằng cách tự cha mẹ tuân theo một chế độ ăn uống dinh dưỡng hằng ngày”, chuyên gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, giấc ngủ cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ em. Giấc ngủ đủ giúp nạp năng lượng, tạo cơ hội cho não thực hiện các kết nối tế bào thần kinh. Đồng thời, giúp cơ thể có thời gian tái tạo năng lượng cho cơ bắp và trao đổi các chất hóa học. Vì vậy, khi ngủ không đủ giấc, trẻ có thể mất tập trung và dễ mắc lỗi hơn.

Chuyên gia nhận định, trẻ em có thời gian sử dụng màn hình thiết bị điện tử quá nhiều, đặc biệt là trước khi đi ngủ chắc chắn sẽ kém tập trung trong hoạt động ở trường và nhà. 

Một số trò chơi có thể cải thiện khả năng tập trung của trẻ. Ảnh minh họa.

Một số trò chơi có thể cải thiện khả năng tập trung của trẻ. Ảnh minh họa.

“Chơi mà học”

Chia sẻ về tình trạng trẻ mất tập trung, bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Chúng ta đều biết, mất tập trung không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập, mà còn đến phương pháp làm việc của trẻ sau này”.

Vì vậy, khi trẻ không tập trung, cha mẹ thường rất lo lắng và tìm mọi cách giúp con. Tuy nhiên, việc hướng dẫn con tập trung có thể là một nhiệm vụ “khó nhằn”. Bởi mất kiên nhẫn, một số phụ huynh không thể kiểm soát cơn giận và mắng, phạt con với mong muốn trẻ tập trung hơn. Tuy nhiên, những biện pháp đó hầu như không mang lại hiệu quả cao.

Bà Phan Hồ Điệp đã gợi ý một số trò chơi giúp trẻ rèn tập trung. Nhờ đó, giúp các phụ huynh giải quyết được phần nào nỗi lo lắng. Trước tiên là trò chơi ghép hình và ghép từ. Cha mẹ hãy chuẩn bị những bức tranh ghép hình, hoặc chữ cái được cắt rời.

Tiếp theo, để trẻ quan sát bức tranh. Sau đó, hãy tháo các mảnh ghép và yêu cầu con đặt những mảnh đó vào đúng vị trí để có một bức tranh hoàn chỉnh. Điều quan trọng là phụ huynh khuyến khích con ghép càng nhiều càng tốt, từ những chữ cái trẻ nhận được. Trong trường hợp con không nghĩ ra, cha mẹ có thể gợi ý. Trò chơi này sẽ giúp trẻ ngồi yên trong một thời gian khi muốn đặt các mảnh ghép vào đúng chỗ.

Ngoài ra, bà Phan Hồ Điệp cũng gợi ý trò chơi “hoá tượng”. Thông qua trò chơi này, con sẽ học được cách gắn bó với một nơi và không cảm thấy buồn chán. Cha mẹ cần chuẩn bị các bài hát và máy phát nhạc. Sau đó, phụ huynh hãy phát bài hát, yêu cầu trẻ nhảy hoặc làm bất cứ điều gì.

Cha mẹ hãy bất ngờ nói “hoá tượng”. Khi đó, trẻ phải giữ nguyên tư thế. Khoảng 30 giây sau, phụ huynh có thể nói “tự do”. Khi đó, con có thể di chuyển và thay đổi tư thế. Trò chơi có thể được lặp lại trong một khoảng thời gian. Song, nữ giảng viên khuyến cáo, phụ huynh không nên khiến trẻ cảm thấy mất kiên nhẫn.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể hoà mình vào trò chơi “chạy đua với thời gian”. Với đồng hồ bấm giờ, cha mẹ có thể tự chọn hoạt động dành cho con. Ví dụ, phụ huynh yêu cầu trẻ cất đồ chơi vào hộp, bỏ giày đúng vị trí… Hãy dùng đồng hồ và yêu cầu con hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn. Như vậy, con sẽ làm việc với sự tập trung cao nhất. Theo bà Phan Hồ Điệp, do trẻ thường rất hiếu thắng, nên trò chơi này có thể lợi dụng điều đó, giúp con tăng khả năng tập trung.

Phụ huynh cũng có thể cùng con tham gia trò chơi tìm số. Trò chơi này sẽ tăng khả năng tập trung và giúp con nhớ số dễ hơn. Để thực hiện, cha mẹ cần đọc một dãy số theo thứ tự. Tuy nhiên, hãy bỏ qua một vài con số. Nhiệm vụ của trẻ là tìm ra những số đã bị bỏ lỡ. Ví dụ, cha mẹ nói: “9; 10; 12”. Khi đó, con sẽ đọc “11”. Phụ huynh có thể tăng độ khó của trò chơi để thử thách con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ