Những đứa trẻ thèm tiếng trống khai trường

GD&TĐ - Khi tiếng trống khai trường rộn ràng trên khắp nẻo đường của đất nước; bao em nhỏ lại náo nức, xúng xính trong tà áo mới, hân hoan cùng thầy cô, bè bạn… thì vẫn có những đứa trẻ không có cơ hội hòa mình trong niềm hạnh phúc, háo hức đó. Bởi, các em đang ngày đêm phải chống chọi với nỗi đau trên cơ thể, âm thầm với những mầm bệnh nằm giữa lằn ranh của sinh tử...

Một góc thư viện tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương
Một góc thư viện tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương

“Con ước mơ trở thành họa sĩ”

Căn phòng hơn hai chục m2 tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có hơn chục giường bệnh. Bệnh nhân ở đây là các em nhỏ đều mắc các bệnh trọng về máu.

Nhìn những gương mặt thơ ngây trong sáng, ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng mái tóc đều rụng hết, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Trên cơ thể em nào cũng được kết nối bởi các các đường truyền thuốc chằng chịt.

Các bác sĩ cho biết, để kéo dài sự sống, điều phối được sự chuyển hóa trong cơ thể các em thì việc truyền hóa chất, thuốc kháng sinh và các dung dịch phải được thực hiện theo nhiều đợt khác nhau.

Bé Nguyễn Khánh Linh luôn mơ ước trở thành một họa sĩ
Bé Nguyễn Khánh Linh luôn mơ ước trở thành một họa sĩ

Bé Nguyễn Khánh Linh, sinh năm 2008, gắn bó với khoa bệnh từ tháng 1/2019 đến nay cũng là đợt điều trị thứ 5. Quê Khánh Linh ở tận huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Cuối hè năm 2018, thấy con thường xuyên bị dị ứng, kèm theo ho sốt, lợi có triệu chứng sưng khác thường, vợ chồng anh Nguyễn Văn Định và chị Nguyễn Thị Bích Hạnh đã đưa con xuống Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. 5 ngày sau đó các bác sĩ giới thiệu con tới Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để chữa trị.

Tại đây, các bác sĩ cũng đã kết luận con mắc bệnh ung thư máu. Cả nhà đều sốc về hung tin này, càng thương cho cô con gái nhỏ ngoan hiền là vậy mà phải mang trọng bệnh trong người. Vậy là từ lúc đó, Viện Huyết học là mái nhà thứ hai của Linh. Cứ sau một đợt điều trị, hết trị xạ, truyền thuốc kháng sinh kèm theo truyền dịch, em được trở về nhà khoảng 20 ngày, rồi lại tiếp tục quay trở lại viện cho liệu trình tiếp theo.

Bố bé Khánh Linh cho biết: Kể từ khi biết con bị bệnh, vợ chồng anh phải thay phiên nhau trong hành trình chữa bệnh cùng con. Vốn là cán bộ quản lý của một trường THCS ở huyện anh được Phòng GD&ĐT tạo điều kiện bố trí công việc để được chủ động hơn trong việc đưa con đi điều trị.

“Nhìn con, từ một cô bé xinh xắn luôn cười đùa vui vẻ hòa đồng với mọi người, bỗng nhiên có những khi muốn thu mình lại khiến cả hai vợ chồng tôi quặn lòng. Mái tóc của con trước kia dày và xanh thế, vậy mà sau mỗi đợt truyền hóa chất là từng mảng rụng dần. Đến giờ con không thể nuôi dài mái tóc ấy được nữa... Hơn chục tuổi đầu nhưng con rất hiểu chuyện, biết rõ về căn bệnh của mình.

Nghe con nói “bệnh của con không thể chữa khỏi được” mà tôi rớt nước mắt, giá như mình có thể được chịu nỗi đau thay cho con. Trước khi bị bệnh, năm nào con cũng đạt học sinh xuất sắc, con tích cực tham gia mọi hoạt động của trường và luôn được thầy cô yêu quý. Bởi vậy, mỗi lần kết thúc đợt điều trị Khánh Linh được về nhà là các bạn quanh xóm lại xúm xít vui mừng chào đón”.

Ngước nhìn chúng tôi với đôi mắt trong trẻo và nụ cười thật đáng yêu, Khánh Linh tâm sự: "Con rất thích học tiếng Anh và vẽ tranh cô ạ. Con ước mơ mình sẽ trở thành một họa sĩ thật giỏi. Bất cứ lúc nào khi có bút màu con lại vẽ những gì xung quanh thế giới của con. Con thích vẽ những bức tranh về mái trường, về thầy cô, bè bạn và hình ảnh quê hương con. Bức tranh con vẽ về Cao nguyên đá Hà Giang đã được giải Ba của tỉnh. Năm nay con được lên cấp hai, sắp khai giảng rồi con muốn được về trường mới, nhưng các bác sĩ nói con vẫn trong đợt điều trị nên không thể về được. Con rất nhớ trường nhớ lớp, con mong được gặp thầy cô giáo và các bạn...”.

Nói tới đây cô bé cúi xuống như muốn giấu đi nỗi buồn của mình. So với các bệnh nhi trong phòng, Khánh Linh là cô bé sống khá nội tâm. Dù không nói nhiều về điều này, nhưng chúng tôi cảm nhận trong sâu thẳm của đôi mắt ấy là mong muốn, khát khao được trở về nhà vào đúng ngày khai giảng năm học mới.

Con nhớ thầy cô và bè bạn lắm

Em Bùi Thị Minh Anh luôn háo hức tới ngày khai trường
Em Bùi Thị Minh Anh luôn háo hức tới ngày khai trường  

Nằm ngay giường đầu tiên bên phải của phòng bệnh là cô bé Bùi Thị Minh Anh, 14 tuổi, ở Mỹ Đức (Hà Nội). Cô bé khá chững chạc lúc nào cũng thường trực nụ cười trên môi. Minh Anh trò chuyện với chúng tôi rất cởi mở, tâm sự rất nhiều về trường lớp, bạn bè đặc biệt là mơ ước được trở thành ca sĩ của mình.

Thích đọc sách, ham học nên từ khi đi học Minh Anh luôn là những học sinh gương mẫu, 8 năm liền em đều đạt học lực giỏi, luôn được nhận phần thưởng của nhà trường. Vì công việc của bố mẹ, nên một vài năm Minh Anh lại thay đổi trường học của mình. Tuy nhiên mẹ Minh Anh cho biết, cô bé khá năng động nên luôn dễ dàng làm quen với môi trường học tập mới và hòa đồng ngay với bạn bè.

“Tháng 6/2019, cháu bắt đầu điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu. Trước đó cháu là một cô bé khỏe mạnh, ít phải đi bệnh viện và không có biểu hiện gì về sức khỏe. Tuy nhiên, sau lần Minh Anh bị sốt xuất huyết, tôi thấy sức khỏe của con có vấn đề. Cộng thêm những thay đổi bất thường trong cơ thể của cháu nên tôi đưa con đến Viện Huyết học khám. Sau khi thực hiện các xét nghiệm bác sĩ kết luận con mắc bệnh bạch cầu nguyên bào tủy, một căn bệnh nan y về tế bào máu. Thương con, ngày đêm tôi chỉ mong cầu y học sẽ phát triển, hoặc có phép màu nào có thể chữa lành bệnh cho con, cũng như cho những đứa trẻ mắc chứng bệnh nan y như con”, cố ngăn những giọt nước mắt rơi, người mẹ trẻ nghẹn lòng tâm sự với chúng tôi.

Bé Phạm Thị Kim Hoàn, 6 tuổi, năm nay chuẩn bị vào lớp 1 đang tập tô chữ cái
Bé Phạm Thị Kim Hoàn, 6 tuổi, năm nay chuẩn bị vào lớp 1 đang tập tô chữ cái  

Quay sang phía tôi, cô bé Minh Anh nhoẻn miệng khoe: “Cô ơi ở trường cháu yêu thích môn Văn lắm. Cô giáo cháu dạy rất hay, cháu còn thích cả môn Tiếng Anh nữa, nhưng cháu thích nhất sau này trở thành một ca sĩ tự do. Thần tượng âm nhạc của cháu là ca sĩ Khởi My. Cháu muốn được trở thành một người như cô ấy. Ở nhà những lúc rảnh rỗi cháu thường tự mở nhạc rồi cầm mic hát, cháu còn tự tập luyến láy những nốt cao nốt trầm. Vừa qua khi Viện Huyết học tổ chức chương trình văn nghệ, cháu cũng tham gia hát hai bài và được mọi người cổ vũ rất nhiệt tình”.

Chợt vuốt mái tóc tom boy (có lẽ do thói quen), vì tóc con giờ đây chỉ là những sợi mới mọc lún phún, cô bé tiếc nuối khoe: “Cô ơi vì truyền hóa chất nên tóc của cháu cũng bị rụng hết. Ngày trước tóc của cháu mượt và dài chấm gấu áo cơ cô ạ”. Cứ ríu rít nói, rồi cô bé lại nhắc tới trường lớp và bạn bè.

Minh Anh kể, ngày khai trường của em vui lắm. Vì em và các bạn sẽ được mặc những bộ đồng phục mới tinh, được tâm sự, được cùng nhau hát những bài ca mà mình yêu thích. Và nhất là được học những bài giảng đầy lý thú của thầy cô. Trong giọng nói của cô bé Minh Anh, tôi nhận ra niềm vui, sự háo hức, không hề có những lo lắng về căn bệnh mà em đang mang trong người. Niềm tin vào cuộc sống, hạnh phúc như ngời sáng trên gương mặt của em. Cầu mong cho em thực hiện được mong ước trở thành ca sĩ để có thể truyền đi tình yêu trong cuộc đời như sự hồn nhiên vốn có của em.

Kiên cường chiến đấu với bệnh tật

Cậu bé Nguyễn Bá Duy 14 tuổi bị mắc bệnh suy tủy luôn khao khát được tới trường. Em ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Những lúc không phải truyền dịch Duy thích đọc sách tại thư viện của khoa
 Cậu bé Nguyễn Bá Duy 14 tuổi bị mắc bệnh suy tủy luôn khao khát được tới trường. Em ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Những lúc không phải truyền dịch Duy thích đọc sách tại thư viện của khoa

Trò chuyện về căn bệnh của những bệnh nhi nơi đây, bác sĩ Trần Thu Thủy, Khoa bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết: Hiện tại khoa đang điều trị 2 mảng bệnh chính là sốt huyết giảm tiểu cầu và ung thư máu, ngoài ra còn có bệnh suy tủy xương.

Những trẻ mắc bệnh ung thư máu đều mang trong mình tế bào ưng thư. Những tế bào ung thư đó sẽ lấn át những tế bào khác, vì vậy những tế bào bình thường sẽ không thể phát triển được. Những trẻ mắc bệnh ung thư máu thường bị giảm tiểu cầu, gây ra sốt huyết. Những cháu này thường thiếu máu, da xanh, mệt mỏi, thậm chí có trường hợp dẫn đến ngất vì không đủ máu nuôi dưỡng cơ thể. Việc giảm bạch cầu khiến cơ thể trẻ không có sức chống đỡ, có thể dẫn tới nhiễm trùng, sốt dai dẳng. Với những trẻ nhẹ, việc dùng thuốc kháng sinh có thể đáp ứng. Tuy nhiên, với những cháu bị nặng kháng sinh cũng không thể đáp ứng được. Như vậy, hậu quả lớn nhất đối với bệnh ung thư máu là các tế bào lành sẽ bị lấn át, hậu quả thứ hai là tế bào ung thư sẽ xâm nhiễm vào các cơ quan trong cơ thể như xương, lá nách, hạch, não... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

Theo bác sĩ Thủy, quá trình điều trị là diệt các tế bào ung thư để giúp các tế bào lành được phát triển bình thường. Trong đó truyền máu là một trong những biện pháp hỗ trợ người bệnh khi cơ thể họ chưa thể sản sinh đủ máu nuôi dưỡng cơ thể. Đối với trẻ mắc bệnh ung thư máu, thì việc điều trị rất nan giải, chủ yếu là duy trì kéo dài thời gian sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho các cháu. Song việc đáp ứng thuốc trong quá trình điều trị ung thư cho trẻ thường khả quan và tốt hơn so với người lớn.

Bác sĩ Thủy tâm sự: Những cháu đến điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em đều rất dễ thương, nhưng dường như các con già dặn về suy nghĩ hơn so với tuổi của mình. Chúng không chỉ hiểu rõ về bệnh tình mà luôn khao khát được sống, được học tập thế nên luôn tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ. Những người thầy thuốc như chúng tôi luôn cố gắng từng ngày để cùng các con chiến thắng bệnh tật để các con được trở về với gia đình với mái trường, thầy cô và bè bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Quân đội Israel tấn công Gaza.

IDF đã sẵn sàng tấn công Rafah

GD&TĐ - Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết hôm 5/5, quân đội Israel đã sẵn sàng cho cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.