“Những đứa trẻ mang bầu” gây nhiều tranh cãi

GD&TĐ - Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” kêu gọi hành động chung tay bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục và ấu dâm vừa xuất hiện đã gây hiệu ứng về mặt truyền thông. Cùng với những ngợi khen tinh thần nhiệt huyết và nỗ lực hành động của ê kíp thực hiện thì nhiều ý kiến đã phản đối cách thể hiện của bộ ảnh này.

Nhà báo Phạm Hồng Phước đã “trang bị” thêm kính và khẩu trang cho các người mẫu nhí sau khi xem bộ ảnh
Nhà báo Phạm Hồng Phước đã “trang bị” thêm kính và khẩu trang cho các người mẫu nhí sau khi xem bộ ảnh

Trước tiên phải bảo vệ mẫu nhí

Những băn khoăn, bất bình, lo ngại được nhiều tài khoản Facebook đặt ra là việc nhiếp ảnh gia Dạ Miêu để các mẫu nhí lộ mặt trong cả seri ảnh, như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến tương lai các em. Ê kíp thực hiện có chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý trước và sau cho người mẫu nhí? Những hệ lụy xấu gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các trẻ em nếu bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh?

Trên trang cá nhân, người mẫu Xuân Lan ủng hộ ý tưởng truyền thông điệp của bộ ảnh nhưng thể hiện sự không đồng tình với việc để lộ mặt trẻ em: “Tuyệt đối tránh những ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các bé. Trước khi kêu gọi bảo vệ những đứa trẻ khác thì hãy bảo vệ chính những đứa trẻ mẫu ảnh”. “Làm truyền thông cho cộng đồng thì rất tốt nhưng với chủ đề nhạy cảm cần phải cẩn trọng”. Theo lý giải của Xuân Lan, những bàn tay đặt trên bụng bầu của các bà mẹ trên thế giới là hình ảnh thể hiện tình yêu thương, sự chở che, ôm ấp con mình. Vậy những nạn nhân bị xâm hại tình dục cũng toàn đặt tay theo kiểu ấy. Chúng có đủ tình thương và hiểu biết để làm vậy không? Tôi chắc chắn là không…”.

Một số ý kiến phản ứng gay gắt thì cho rằng, “Phản ánh tệ nạn ấu dâm đâunhất thiết hình nào đứa bé gái cũng ôm bụng bầu!”.

Nhà thơ Hoàng Liên Sơn, người phụ trách Dự án “Những số hạng yêu thương” nhìn nhận: “Tôi nhìn thấy sự nỗ lực, nhiệt tình và cả sự cống hiến rất nhiều của nhóm MC, nhiếp ảnh gia và các em nhỏ khi thực hiện bộ ảnh này. “Những em bé mang bầu” là sản phẩm có yếu tố nghệ thuật nên đương nhiên sẽ đưa đến sự cảm nhận từ nhiều góc nhìn khác nhau. Hiệu quả truyền thông xã hội có thể đến từ những ý kiến trái chiều, mức độ khen chê khác nhau. Những thông tin lồng cài trong những hình ảnh có sức gây chú ý, tác động vào trực giác và tạo hiệu ứng bất an”.

Phân tích các số liệu cảnh báo kèm ảnh như “87% phụ nữ và trẻ em Việt Nam từng bị quấy rối và xâm hại ở nơi công cộng”, ông Sơn góp ý: Các hoạt động truyền thông nên đẩy mạnh nhiều chương trình hành động cho nam giới, lôi kéo sự ủng hộ của nam giới trong việc ngăn chặn và tiêu diệt hành vi gây tội ác của những “yêu râu xanh” - đối tượng chủ thể hành động. Vạch mặt, công khai danh tính những kẻ xấu xa đó chính là cách nâng cao nhận thức và cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn, mức độ nguy hiểm của nạn xâm hại trẻ em”. Theo ông Sơn, việc lạm dụng “một phút để quảng cáo” đặt “credit ekip” dày đặc trong ảnh đã làm giảm hiệu ứng lan tỏa thông điệp khá nhiều.

Hiệu ứng móc xích

Trước những ý kiến trái chiều, MC Công Tố - Giám đốc Hình ảnh bộ ảnh khẳng định: “Các em rất hiểu công việc mình làm. Chúng tôi và gia đình các em đã bàn bạc rất kỹ rồi mới thống nhất cách thể hiện. Nhóm đã tính phương án chụp giấu mặt diễn viên “đóng thế” nạn nhân nhưng ê kíp thấy dễ gây hiểu lầm đó chính là các nạn nhân thật sự. Tất cả những người mẫu nhí tham gia dự án đã được học hai khóa về phòng chống xâm hại tình dục và hiểu rất rõ giá trị công việc này. Các em và phụ huynh cùng chúng tôi trao đổi để hiểu có thể có những hệ lụy xảy ra… Khi có sự đồng thuận cao chúng tôi mới chọn cách chụp ảnh rõ mặt và công bố rõ đó là người mẫu. Ê kíp mong mọi người hiểu đúng và dự án đi đúng hướng của nó”. Trên tinh thần bảo vệ quyền lợi trẻ em, MC Công Tố cũng khẳng định: “Nếu có bất kỳ những tác động tiêu cực nào đến các em do dự án gây ra, chúng tôi sẵn sàng dừng ngay”.

Một “phản ứng phụ” nhưng tác dụng không hề nhỏ là bên cạnh việc nhặt ra những hạt sạn của “Những đứa trẻ mang bầu”, nhiều ý kiến trái chiều lại đưa ra những so sánh, đưa ra các móc xích kết nối quan trọng. Những người quan tâm và hành động vì trẻ em lại có dịp “tua lại” những bộ ảnh tương tự đã từng gây được tiếng vang trên thế giới. Đó là “Khoảng trời nhỏ của tôi: Những câu chuyện lạm dụng tình dục trẻ em”(My Piece of Sky: Stories of Child Se.xual Abuse) của nhiếp ảnh gia Mariella Furrer người Thụy Sỹ; “Nỗi đau kéo dài cả đời” (The Pain Lasts for A Lifetime); “Điều đó sẽ không bao giờ biến mất” (It Never Goes Away) của tổ chức CPCR (Trung tâm Bảo vệ quyền lợi Trẻ em) ở Bangkok (Thái Lan). Một hiệu ứng truyền thông kép như vậy đã tiếp tục tác động nâng cao nhận thức của cộng đồng về nỗi đau dai dẳng cả thể xác và tinh thần do bị xâm hại mà các nạn nhân nhí phải gánh chịu cùng những hậu quả nặng nề tác động đến gia đình và xã hội

MC Công Tố cho biết: Những hành động tiếp theo của dự án “Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục” sẽ được thực hiện trong tháng 6, ê kíp sẽ tiếp tục thực hiện bộ ảnh bảo vệ các trẻ em nam. Tháng 7 dự án sẽ mở 10 khóa học phòng chống nạn ấu dâm miễn phí dành cho trẻ em và phụ huynh. Các giáo viên của Shine Academy sẽ xây dựng những bài học thiết thực từ thực tế, kết hợp các chương trình đào tạo kỹ năng sống hiệu quả trong nước và Hàn Quốc, Nhật Bản. Trước thềm năm học mới, nhóm mẫu nhí của “Những em bé mang bầu” sẽ tham gia một lớp học rồi thực hiện một kênh Youtube, chia sẻ kiến thức, kỹ năng bảo vệ chính mình và bạn bè để kết nối sức mạnh và lan toả hiệu quả truyền thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...