Những đứa trẻ không được đến trường ở Afghanistan

GD&TĐ - Ở Afghanistan, năm học mới ở những vùng lạnh giá bắt đầu vào đầu tháng ba. Và có khoảng 3,7 triệu bé trai, bé gái sẽ không được đến trường trong năm học này. Dưới đây là những câu chuyện của năm đứa trẻ trong số đó.

Những đứa trẻ không được đến trường ở Afghanistan

Khi ngày đầu tiên của năm học mới bắt đầu ở Afghanistan đầu tháng ba, 3,7 triệu trẻ em trai và trẻ em gái sẽ không được tham dự, vì tình hình bạo lực gia tăng, thay đổi chỗ ở và đói nghèo.

Theo số liệu của Save the Children, con số này, chiếm gần một phần ba trẻ em Afghanistan trong độ tuổi đến trường, ước tính sẽ tăng trong năm nay do tình trạng bạo lực gia tăng, và Pakistan buộc những người tị nạn Afghanistan phải trở về nhà.

“Em rất thích đi học, nhưng nhà em không có đủ tiền”

Lina (12 tuổi) đến từ tỉnh Kapisa ở đông bắc Afghanistan. Gia đình em đã phải di dời do chiến sự từ bảy năm trước. Em hiện đang sống trong một trại tị nạn tại Kabul – thủ đô Afghanistan. Em đã đi học được ba năm, trước khi phải rời khỏi trường.

“Em thích đi học, nhưng chúng em không có đủ tiền để mua vở và những thứ khác. Người thân của chúng em rất giận vì chúng em đã bỏ học, nhưng không có vở thì chẳng thể nào học và làm bài tập ở nhà được.

Nếu em không đi học, em sẽ chẳng là gì trong tương lai cả; còn nếu em đi học, em sẽ có thể trở thành một bác sĩ. Em muốn trở thành một bác sĩ.

Gia đình em sống trong những túp lều ở đây. Nhà em có hai lều. Em ngủ với năm anh chị em trong một lều, còn cha mẹ và hai em gái nhỏ của em ngủ trong lều còn lại kia.

Về bữa ăn sáng, nếu bữa tối hôm trước còn sót lại gì thì nhà em sẽ ăn cái đó. Nếu không thì nhà em ăn bánh mì với trà. Sau bữa sáng, em đi lấy nước ở một cái giếng cách đây một giờ đi bộ. Lấy nước uống cho cả nhà là trách nhiệm của em, em để nước vào một chiếc xe cút kít, chứa trong những thùng nhỏ, đi khoảng hai hay ba lần một ngày. Em cũng nhặt nhạnh những miếng gỗ và nhựa nhỏ để đốt sưởi ấm “ngôi nhà” của em”.

“Nếu em đi học, em sẽ có một tương lai tốt đẹp”

Zahid (8 tuổi) đến từ Surkh Rod, một huyện ở phía đông tỉnh Nangarhar. Cậu bé và bốn anh chị em của mình giúp bố thu gom phế liệu kim loại ở Jalalabad – một thành phố gần đó.

“Tất cả các thành viên trong gia đình em ngủ trong một căn phòng thuê với giá 25 đô la một tháng. Sau khi thức dậy, em rửa mặt, sau đó ăn sáng với trà và bánh mì, và sau đó nữa thì em cầm bao tải của mình rồi đi tới chợ.

Trong suốt cả ngày, em sẽ thu thập phế liệu kim loại, gỗ và giấy. Bữa trưa thì em đợi trước một tiệm bánh mì, người làm bánh hoặc ai đó khác sẽ đưa cho em một ổ bánh mì, và em sẽ chia sẻ với bạn hoặc anh em họ của mình.

Bọn em bán những thứ mình thu thập được trong ngày với giá 20 xu, sau đó em sẽ mang tiền về nhà, và chúng em có thể mua trà, đường hoặc thứ gì đó khác với số tiền đó. Trong cả ngày em kiếm được nhiều nhất là 50 xu.

Em không được đi học bởi vì nhà em không có tiền để trả học phí. 20 xu em kiếm được là để mua đường và trà rồi.

Người thân và bạn bè của em vẫn đang đi học. Mỗi khi nhìn thấy họ, em ước mình cũng có thể đến trường và tiếp tục học tập. Nếu em đi học, em sẽ có một tương lai tốt đẹp. Còn nếu không thì sẽ chẳng có gì cả”.

“Nếu bố em còn sống, em sẽ không phải dành cả ngày ở chợ”

Raqibullah (12 tuổi) đến từ một ngôi làng ở ngoại ô Tirin Kot, một thành phố thuộc tỉnh Oruzgan ở miền nam Afghanistan. Bố của em đã mất một năm rưỡi trước bởi một vụ nổ từ một thiết bị nổ ngẫu nhiên. Sau đó, Raqibullah chuyển đến Tirin Kot.

“Khi em còn ở làng mình, em đã được đi học, nhưng ở đó không còn trường học nữa. Em chỉ học lên đến lớp bốn, nhưng mà em vẫn có thể đọc và viết.

Ở thành phố này, em bán đồ ngọt từ giỏ hàng để nuôi sống anh chị em của mình. Em có ba anh em trai và ba chị em gái, tất cả chúng em đều sống cùng nhau. Anh trai của em 14 tuổi, và người nhỏ nhất trong gia đình em là em gái mới bốn tuổi. Anh trai em cũng cùng làm việc kiếm tiền với em.

Nếu bố em còn sống, em sẽ không phải dành cả ngày ở chợ để bán đồ.

“Hai em trai em phải ở một mình”

Bakhti (13 tuổi) đến từ thành phố phía bắc Mazar-i-Sharif. Mẹ em qua đời vì bệnh viêm gan B ba năm trước. Bố em hiện đang lao động ở Iran đã để em và hai em trai em lại Kabul cùng với chú của các em.

“Em thức dậy khoảng 6 giờ sáng. Sau bữa sáng, em làm công việc nhà như dọn dẹp, quét dọn bên trong, bên ngoài, rửa chén bát. Nếu có một tấm thảm đang được dệt dở thì em sẽ giúp đỡ việc dệt thảm. Dệt được mỗi tấm thảm em sẽ nhận được khoảng 80 xu tiền boa. Phần tiền còn lại sẽ trừ vào chi phí nhà ở. 80 xu lần trước em đã mua cho mình một cái lược và mua tất cho hai em trai.

Khi em sống ở Mazar, em đã học đến lớp bốn. Khi chúng em đến Kabul, em đã đi học khoảng ba tháng nhưng rồi lại nghỉ. Các lớp học ở đây không giống như lớp học ở Mazar. Học sinh cư xử không tốt, họ rất bạo lực. Họ gọi em là “đứa con gái lạ mặt”.

Em dừng việc học lại còn do hai em trai em chỉ ở nhà một mình. Em lo chúng sẽ bị lạc, nên em phải ở nhà để chăm sóc chúng. Nếu mẹ em còn ở đây, em sẽ đi học. Nhưng bây giờ em không thể nữa rồi.

“Em hạnh phúc khi đêm đến”

Imamuddin (15 tuổi) đến từ huyện Charchino thuộc tỉnh Oruzgan. Sau khi tình hình chiến sự trong huyện trở nên căng thẳng, bố em đã chuyển một nửa gia đình đến Tirin Kot.

“Khi còn ở huyện của mình, em đã học lên đến lớp năm, nhưng trường học đã đóng cửa một năm trước vì chiến sự rồi. Những ngày có chiến sự, em thậm chí không ra khỏi nhà của mình được.

Mẹ em và năm chị em gái của em vẫn còn sống ở quê; nhà em đang cố mang họ đến đây sớm. Chúng em sống trong một ngôi nhà thuê, có ba phòng, và nhà em phải trả khoảng 60 đô la tiền thuê một tháng. Bố em, hai anh em của em và em cùng ở trong một căn phòng. Vì là mùa đông, để giữ ấm cho một căn phòng cần rất nhiều gỗ, nhà em khó có thể làm ấm được một căn phòng.

Cuộc sống của em ở đây rất khó khăn, vì em không làm gì cả. Em đang rất chán nản. Nên em thấy vui khi đêm về, vì ít nhất em cũng có thể đi ngủ.

Em thực sự muốn trở thành một bác sĩ để phục vụ nhân dân. Em thấy lo lắng về tương lai và vấn đề học hành của mình. Khi còn ở quê nhà, cuộc sống đã từng rất tốt, nhà em đã có một cuộc sống tốt đẹp, chúng em có đất đai, có vường cây ăn trái, có trường học và bạn học, nhưng ở đây thì chúng em chẳng biết ai cả. Chiến sự đã tước đoạt mọi thứ của chúng em rồi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ