(GD&TĐ) - Suốt gần 20 năm, hàng trăm em nhỏ sống lang thang bụi đời ở khu vực dòng Kênh Tẻ đã được học hành, có một tương lai tươi sáng hơn nhờ có sự đóng góp của bà Lữ Thị Lệ Nương, 78 tuổi ngụ tại phường Tân Thuận Tây (quận 7, TPHCM).
Đi dọc dòng kênh tìm trẻ nghèo
Hàng trăm ghe thuyền chở trái cây, rau củ quả của miệt vườn men theo sông nước lên cập hai bên bờ Kênh Tẻ. Những mảnh đời thương hồ, khoảng chục năm trở lại đây cũng vì thế mà nhiều hơn. Không kể đến cuộc sống khó khăn, ngay cái việc phải lênh đênh nay đây mai đó khiến những đứa trẻ không được đến trường cũng là một thiệt thòi lớn của các em.
Thấu hiểu được những cảnh đời thiếu may mắn, sau khi về hưu, cô giáo Lữ Thị Lệ Nương đã đi dọc bờ kênh, tới từng ghe thuyền thương hồ để kiếm các em nhỏ, xin cha mẹ chúng cho chúng đến lớp học của cô để chúng được biết cái chữ.
Kể về chuyện này, bà Nương cười bảo: “Cơ duyên khiến tôi gặp những em nhỏ này là một lần cách đây chừng gần 20 năm, trong một lần đi chợ về, thấy mấy em nhỏ sống dưới ghe lên bờ xúm lại quanh mấy bạn trẻ sinh viên tình nguyện để học chữ. Sau khi các bạn sinh viên hết chiến dịch Mùa hè xanh và ra về, các em tỏ ra buồn bã vô cùng. Thế nên tôi đứng ra lập lớp, tìm thêm một số em nữa rồi kiếm bàn ghế, sách vở để chúng học bài”.
Các em luôn coi bà là bà tiên |
Những ngày đầu tiên ấy, lớp học của cô giáo Nương diễn ra ngay ở vỉa hè, bên dòng Kênh Tẻ bởi học sinh vừa học vừa phải ngóng xuống ghe của gia đình mình. Thế nhưng, đời thương hồ nay đây mai đó, chỉ học chừng dăm bữa nửa tháng là các em lại đi khiến cô Nương buồn lắm mà không biết phải làm sao vì cuộc sống là như vậy. Cô đành đợi các học sinh đó cho tới con nước lớn lần sau. Cứ thế, hàng ngàn con nước lên và xuống, hàng trăm học sinh đến và đi nhưng những con chữ và tình cảm của người giáo già với tụi trẻ thì mãi đong đầy.
Kể về chuyện này, bà giáo với nụ cười nhân hậu bảo: Lúc đầu cũng khó lắm vì dân thương hồ không thích cho con cái lên bờ, sợ quên đời sông nước nên mình phải tới từng ghe thuyết phục họ cho con đi học. Ngoài việc dạy chữ, có khi mình còn bỏ tiền mua sách vở, bút, phấn và cả đồ ăn cho các em nữa vì đa phần các em đều nghèo. Thế nhưng, càng thấy các em khổ cực bao nhiêu, mình càng thương yêu bấy nhiêu.
Chị Bùi Thị Phấn, quê Cái Bè (Tiền Giang) tâm sự: Hai vợ chồng chị cùng hai đứa con nhỏ đi buôn bán trái cây ở chợ nổi Cái Bè rồi đem lên TPHCM bán theo con nước (một tháng đi một chuyến) nên cuộc sống rất khó khăn. Cứ nghĩ thành phố khó khăn, cơm ăn còn chưa đủ thì lấy tiền đâu cho các con đi học. Thế rồi bà Nương tới. Bà bảo tụi nhỏ đi theo bà để học chữ, có thể đọc được, viết được chứ nếu cứ ở mãi trong ghe thì ngay cả cách dùng điện thoại cũng chẳng biết.
Hạnh phúc đong đầy
Nhưng để duy trì được lớp học với số học sinh ngày càng tăng, có lúc lớp lên đến cả trăm em bà lại lặn lội đi tìm một phòng học để các em trú lúc mưa, lúc nắng chứ không thể nương nhờ vỉa hè mãi được. Một phần các em còn nhỏ, ham chơi lại hay quậy nên chả có nơi nào cho tá túc được lâu. Vì thế, lớp học cứ chuyển liên tục ở khu vực phường Tân Thuận Tây này cho tới khi tìm được một nhà kho cũ kỹ của công ty may bỏ hoang. Ở đó một thời gian, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các em đã chuyển lớp về trung tâm học tập cộng đồng của phường với niềm vui vỡ òa hạnh phúc.
Hiện nay, do tuổi cao sức yếu, bà Nương không còn trực tiếp đứng lớp để dạy các em nữa nhưng hầu như ngày nào bà cũng đến lớp. Bà bảo, đến để ngắm các em, để thấy các em học, các em vui là bà cảm thấy mãn nguyện rồi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lớp học tình thương này hiện nay được chia làm 3 lớp với hơn 100 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 do 3 giáo viên phụ trách. Lúc đầu, những người đứng lớp toàn là các bạn trẻ do bà tìm về để dạy chữ cho các em. Lâu dần, nhận thấy việc nếu không có thù lao, những giáo viên ấy sẽ rất nhanh nản với công việc của mình bởi giữa thành phố ồn ào này, ai cũng phải tất bật lo công việc mưu sinh của gia đình mình. Thế là bà lại bỏ tiền túi ra trả cho mỗi giáo viên một khoản tiền nho nhỏ chừng vài trăm ngàn đồng một tháng với hi vọng các giáo viên ấy có thể đứng lớp dạy dỗ các em.
Ngoài việc đem đến cái chữ cho những em nhỏ này, mở ra một cánh cửa tương lai với một con đường nhiều hứa hẹn phía trước cho các em, bà Nương còn giúp các em giải quyết nhiều việc khó khăn hơn thế. Đó là hoàn cảnh những em nhỏ lang thang không nơi nương tựa đã được bà lên phường làm giấy khai sinh, làm hồ sơ học bạ để sau này, các em có thể học tiếp lên nữa chứ không đơn giản ở mức dừng lại chỉ biết đọc, biết viết như quan niệm ban đầu. Nhờ vậy, trải qua hơn 15 năm miệt mài với tâm nguyện của mình, đến nay nhiều thế hệ học trò của bà Nương đã học tới lớp 10, lớp 11 và chuẩn bị sang năm bước vào kỳ thi đại học. Với những em đó, đấy thực là một giấc mơ, giấc mơ không chỉ gói gọn ở con chữ mà còn là giấc mơ được sống và làm việc bằng chính những con chữ ấy, chứ không phải lam lũ lang thang ngoài đường để trở thành những phần tử bất hảo của cuộc đời. Và, đấy cũng chính là tâm nguyện của bà Nương, một người phụ nữ giàu lòng nhân ái.
Hoàng GIang