Những dòng chữ ấm áp của chồng giúp vợ vượt qua “rối loạn lưỡng cực”

Vào tháng 6 năm ngoái, cô Sarah Loucks sống tại tiểu bang California (Mỹ) đang dọn dẹp trong bếp, mọi thứ tưởng chừng như rất bình thường, nhưng đột nhiên cô sững lại… “Tâm trạng của tôi bắt đầu trở nên tối tăm, toàn thân cạn kiệt sức lực, chỉ còn lại một tâm hồn trống rỗng”, cô Sarah viết trên diễn đàn sức khỏe The Mighty.

Những dòng chữ ấm áp của chồng giúp vợ vượt qua “rối loạn lưỡng cực”

Theo kinh nghiệm, cô biết bệnh trầm cảm của mình lại sắp phát tác rồi.

Cô Sarah bị mắc một chứng bệnh tâm lý gọi là “rối loạn lưỡng cực” (Bipolar Affective Disorder, hay còn gọi là bệnh hưng-trầm cảm). Cứ cách một khoảng thời gian cô lại rơi vào trầm cảm, đôi khi do lời nói của người khác, có lúc lại vì một câu nói nào đó trong sách hoặc trên báo, còn hầu hết là không vì bất cứ lý do gì cả.

“Tôi cảm thấy tâm trạng vô cùng tệ chẳng vì lý do gì cả, ngực của tôi bắt đầu đau, cảm giác tội lỗi và xấu hổ hoàn toàn bao trùm lấy tôi khiến tôi cảm thấy vô cùng khủng khiếp.”

Nếu không quá nặng thì cô Sarah vẫn có thể tiếp tục làm việc nhà, nhưng đa phần là khi tâm trạng rơi xuống cực điểm, cô không thể làm gì được nữa.

Cô và chồng là anh Michael Mayfield có 3 người con, bé nhỏ nhất chỉ mới 4 tuổi. Sarah cố gắng hết sức không để cho căn bệnh của mình ảnh hưởng đến các con, cô bèn gọi cho chồng mình hiện đang đi làm.

“Tôi ghét phải gọi cho anh ấy khi anh ấy đang làm việc, nhưng tôi biết chỉ vài tiếng nữa thôi, tất cả mọi thứ của tôi sẽ trở thành một mảng tối tăm.”

Michael biết được tình trạng của vợ, anh nhanh chóng sắp xếp công việc và xin nghỉ để về nhà.

Khi chồng về đến nhà thì thấy Sarah đang cuộn mình trên sô pha, cô không có bất cứ phản ứng nào như thể ngay cả sức chào hỏi cũng không còn nữa, cô chỉ đứng dậy để lên giường nằm suốt mấy tiếng đồng hồ.

Những dòng chữ ấm áp của chồng giúp vợ vượt qua rối loạn lưỡng cực

Khi bệnh trầm cảm phát tác, cô Sarah nằm trên giường suốt vài tiếng hoặc vài ngày.

Michael đã rất quen với tình trạng này, trong thời gian Sarah phát bệnh, anh đảm nhiệm cả hai vai trò làm bố và mẹ, nấu cơm cho các con, dạy các con làm bài tập hoặc xem TV, chơi game cùng con. Anh cũng không yên tâm về vợ, cứ một lúc là anh lại vào nhìn cô một lần. Michael chia sẻ với Humanity Today: “Cô ấy nằm trong chăn chẳng buồn xoay đầu, nhìn thấy cô ấy như thế khiến tôi rất đau lòng.”

Sarah nằm trên giường ở một tư thế suốt mấy ngày liền, không thay quần áo cũng không đánh răng rửa mặt, thậm chí còn rất ít đi vệ sinh, nhưng âm thanh “tự trách” trong đầu cô thì lại không chịu dừng. Cô không ngừng trách móc chính mình, mắng mình là một kẻ thất bại và còn oán hận bản thân là một đứa ngốc vì đã không chọn một nghề truyền thống hơn.

“Tôi cảm thấy xấu hổ về cuộc sống của mình. Tôi công kích điểm yếu của chính mình và điều mà mình quan tâm nhất, tôi nhớ lại những chuyện đau lòng trước đây. Tôi dùng sự xấu hổ, bi thương và thống khổ để dày vò bản thân, tôi ghét chính mình.”

Michael rất thương vợ, nhưng anh cũng bất lực, anh mang nước và thức ăn vào cho cô nhưng cô hoàn toàn không ăn.

“Khi bệnh trầm cảm tái phát, tôi không muốn ăn cũng không muốn uống, không hề có bất cứ ý muốn nào đối với thức ăn hay nước uống.”

Bức tường dán đầy những dòng chữ ấm lòng

Vào một buổi sáng vài ngày sau đó, cuối cùng Sarah quyết định rời khỏi giường, cô ra khỏi phòng ngủ, chào đón cô là một bức tường dán đầy những tờ giấy nhớ màu vàng. Cô đã cảm động bật khóc khi đọc những dòng chữ được viết trên giấy.

Những dòng chữ ấm áp của chồng giúp vợ vượt qua rối loạn lưỡng cực

Bức tường dán đầy những dòng chữ của chồng.

Trên những tờ giấy có viết:

“Anh cần em.”

“Anh yêu em.”

“Em không phải là gánh nặng.”

“Anh biết em rất khó khăn, nhưng anh cũng sẽ không từ bỏ em.”

“Có em là đủ rồi.”

“Em rất quan trọng.” v.v…

Thì ra anh Michael đã từng xem được một đoạn clip giới thiệu những lời nên nói với bệnh nhân trầm cảm, thế nên anh đã viết ra những gì mình muốn nói và dán lên tường.

Thường ngày anh cũng luôn viết giấy nhớ gửi cho vợ và còn từng viết thơ trên gương trong phòng tắm tặng cho cô. “Tôi không hề nghĩ về việc cô ấy sẽ phản ứng ra sao, tôi chỉ nghĩ rằng làm như vậy rất tuyệt, đây đều là những lời mà cô ấy cần được nghe.”

Sarah bước ra khỏi phòng ngủ, chào đón cô là bức tường dán đầy những tờ giấy nhớ màu vàng viết những lời yêu thương của chồng.

Sarah là rất giỏi viết lách, cô từng viết quyển sách “Thùng nước của tôi có các lỗ hổng: Sống cùng căn bệnh rối loạn lưỡng cực” (My Bucket Has Holes: Living with Bipolar II) để ghi lại những gì mình trải qua khi mắc căn bệnh này.

Câu chuyện về những tờ giấy nhớ này đã được ghi chép trong quyển sách mới của cô phát hành vào năm 2018 với tựa đề “Vá các lỗ hổng” (Patching The Holes), cô mong rằng câu chuyện của mình sẽ giúp được nhiều người hơn nữa vượt qua được căn bệnh này và tìm được niềm tin vào cuộc sống.

Theo Trithucvn.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ