(GD&TĐ) - Sự việc hơn 200 giáo dân - chủ yếu là ở các huyện trong tỉnh Quảng Bình, một số ít giáo dân ở TP Đồng Hới và giáo dân người Nam Định - xâm phạm trái phép Di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa (phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình) ngày 20/7/2009 và chống đối người thi hành công vụ đã thu hút sự chú ý của dư luận với sự phẫn nộ của cả xã hội về các hành vi vi phạm pháp luật của một số đối tượng quá khích. Đến nay, những kẻ cầm đầu xúi giục giáo dân đã bị bắt và thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. "Điểm nóng" Tam Toà đã bình yên trở lại.
![]() |
Giáo dân xây dựng nhà và tụ tập trái pháp luật tại Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa |
Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết ngày 21/7, Công an thành phố Đồng Hới đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng tại Khu chứng tích tội ác chiến tranh tháp chuông nhà thờ Tam Tòa. 07 đối tượng tham gia gây rối trong vụ án này đã bị bắt tạm giam với tội danh “gây rối trật tự nơi công cộng”, gồm: Mai Xuân Thú (SN 1953), Cao Thị Tình (SN 1957, trú tại xã Quảng Trường), Nguyễn Quang Trung (SN 1973), Mai Lòng (SN 1986), Hoàng Hữu (SN 1955, trú tại xã Quảng Lộc), Hoàng Thị Tý (SN 1988, trú tại xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) và Nguyễn Văn Dần (SN 1974, trú tại xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Việc bắt giữ các bị can nói trên đúng trình tự pháp luật. Bước đầu các bị cáo này đã thành khẩn khai báo hành vi vi phạm pháp luật của bản thân và những người có liên quan, trong đó có linh mục Lê Thanh Hồng và đối tượng Võ Thị Thu Thuỷ (SN 2957, thường trú tại thành phố Đồng Hới) trực tiếp chỉ đạo việc dựng nhà trái phép trên khuôn viên di tích – Chứng tích tội ác chiến tranh Tháp chuông Tam Toà; đồng thời cả 07 bị can đều bày tỏ sự ăn năn hối cải, xin được Nhà nước, pháp luật xem xét khoan hồng.
Theo tài liệu của UBND tỉnh Quảng Bình và thành phố Đồng Hới, vụ việc bắt đầu xảy ra từ 04h ngày 20/7/2009. Khoảng 200 giáo dân, chủ yếu là ở các huyện trong tỉnh Quảng Bình, một số ít giáo dân ở TP Đồng Hới và giáo dân người Nam Định, Thanh Hóa đang làm ăn, sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không hề xin phép chính quyền, đã kéo tới phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới. Với sự chuẩn bị từ trước, họ đưa khung nhà bằng thép, mái tôn đã gia công sẵn cùng với ximăng, cát sạn, máy phát điện, lương thực thực phẩm... tổ chức dựng nhà, dựng cây thánh giá trái phép trên nền khu chứng tích tội ác chiến tranh tháp chuông nhà thờ Tam Tòa. Sau đó họ dựng xong một căn nhà có 4 vì kèo bằng sắt, mái lợp tôn với cột bêtông chôn sâu khoảng 0,5m và chuẩn bị làm lễ khánh thành. Vụ việc được nhân dân địa phương phát hiện và báo với chính quyền sở tại. UBND phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới và các cơ quan chức năng của thành phố đã đến hiện trường vận động và giải thích rõ với giáo dân là dựng nhà trên nền di tích đã được UBND tỉnh công nhận là trái phép. Giáo dân cần chấp hành nghiêm chỉnh nội dung Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Quảng Bình với Toàn Giám mục Xã Đoài. Từ 04h - 08h cùng ngày, chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng kiên trì vận động giáo dân từ bỏ việc dựng nhà, nhưng số giáo dân này vẫn tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác. Hành vi coi thường pháp luật của một bộ phận giáo dân này đã bị đông đảo nhân dân trên địa bàn hết sức bất bình, phản đối. Đến 09h, nhân dân các phường Đồng Mỹ, Hải Đình, Đồng Phú, xã Bảo Ninh và lực lượng chức năng thành phố Đồng Hới buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép này.
Ghi nhận của nhân dân địa phương cho biết khi trong quá trình tháo dỡ công trình trái phép, một số giáo dân quá khích đã hò hét, ngăn chặn, dùng gạch đá, gậy gộc tấn công làm một số người bị thương. Nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để gây mất đoàn kết giữa đồng bào lương và đồng bào giáo, chính quyền thành phố Đồng Hới đã chỉ đạo các đoàn thể quần chúng và lực lượng chức năng thành phố kiên trì vận động, thuyết phục, đã giải tán được số giáo dân quá khích, ổn định được tình hình. Đến 10h ngày 20/7, khuôn viên khu chứng tích tội ác chiến tranh được trả lại nguyên trạng, mọi hoạt động tại khu vực này trở lại bình thường chứ không hề có “bạo động kinh hoàng”, “đàn áp giáo dân” như một số luận điệu xuyên tạc từ bên ngoài khi bình luận về vụ gây rối này.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh luôn tôn trọng, quan tâm và tạo điều kiện để các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh được diễn ra bình thường, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào theo đạo... Đến nay UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho 78/84 cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh (riêng 6 cơ sở còn lại do linh mục chưa ký hồ sơ nên chưa đủ thủ tục để cấp). Đất khuôn viên Tháp Chuông Tam Toà đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá, chứng tích tội ác chiến tranh; đã có quy hoạch, lập dự án bảo tồn và Toà Giám mục Xã Đoài xác nhận được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng đúng mục đích, không ai được xâm phạm (thể hiện qua Bản ghi nhớ ngày 23/20/2008 giữa UBND Quảng Bình với Toà Giám mục Xã Đoài). Qua đó có thể thấy vụ việc gây dựng nhà trái phép của bộ phận giáo dân bị kích động và hành vi gây rối trật tự công cộng, tấn công người thi hành công vụ của một số đối tượng quá khích xảy ra ngày 20/7/2009 là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Đất đai, vi phạm Luật Di sản văn hoá Việt Nam. Các đối tượng bị khởi tố bị can là hoàn toàn đúng người đúng tội và chính họ cũng đã phải thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật của mình.
PV
Nhà thờ Tam Tòa được Giáo hội Công giáo xây dựng năm 1886 nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn Đồng Hới. Năm 1954, hầu hết giáo dân ở địa bàn Đồng Học và các vùng phụ cận đã di cư vào Nam, chỉ còn lại rất ít giáo dân sinh hoạt tại gia. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thị xã Đồng Hới bị máy bay đế quốc Mỹ hủy hoại gần như hoàn toàn, chỉ còn lại Cây đa Chùa Ông, Tháp nước Đồng Hới và Tháp chuông Nhà thờ Tam Tòa. Nhà thờ Tam Tòa bị trận bom ngày 11/2/1965 đánh sập, phần còn lại chỉ là Tháp chuông với chi chít vết đạn bom Mỹ. Thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân lương và giáo, ngày 26/02/1997, ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 143/QĐ-UB công nhận Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa là di tích lịch sử văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Quyết định được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, phù hợp với quy định của Luật Di sản Văn hóa và Luật Đất đai hiện hành. Để bảo vệ chứng tích chiến tranh, đồng thời tạo điều kiện cho giáo dân sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, ngày 23/10/2008, đại diện UBND tỉnh Quảng Bình và đại diện Tòa Giám mục Xã Đoài đã thống nhất cùng ký "Bản ghi nhớ" trong đó nêu rõ: “UBND tỉnh Quảng Bình và Tòa Giám mục thống nhất: Khuôn viên của Nhà thờ Tam Tòa cũ hiện là chứng tích tội ác chiến tranh. Hai bên cùng thống nhất sẽ giữ nguyên và tôn tạo nhằm bảo vệ cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống cho thế trẻ”. Như vậy khuôn viên Chứng tích tội ác chiến tranh Tháp chuông Tam Tòa đã được xếp hạng di tích chiến tranh, chính quyền địa phương và Giáo hội có trách nhiệm tu bổ, bảo quản di tích, không đặt ra vấn đề xây dựng lại Nhà thờ Tam Tòa trên nền đất cũ. |