Những điều tối kỵ khi dạy con

Những câu bạn không nên dọa nạt con, so sánh con hay lớn tiếng mà không giải thích là những điều hiển nhiên cha mẹ không nên làm với con cái.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Thế nhưng cũng có những câu nói khác các bậc phụ huynh thường sử dụng khi muốn giúp đỡ trẻ và tưởng rằng chúng có lợi nhưng thực ra lại gây hại không thua gì việc la mắng.

1. “Con làm tốt lắm”, “Giỏi”, “Ngoan lắm”, “Tuyệt vời”, v.v…

Những nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng những câu khen chung chung thế này mỗi khi con trẻ hoàn thành tốt một việc hay một kỹ năng nào đó làm cho trẻ phụ thuộc vào sự công nhận, đánh giá của bạn. 

Thay vì khen “Con đá banh giỏi lắm”, bạn hãy nói: “Con giúp bạn rất tốt. Ba thích cách con hỗ trợ đồng đội trong khi chơi”, có nghĩa là nhấn mạnh vào hành vi tích cực cụ thể của trẻ.

2. “Luyện tập nhiều thì mới hoàn thiện”, “Có công mài sắt có ngày nên kim

Đúng là khi dành thời gian luyện tập nhiều thì kỹ năng ngày càng sắc bén. Tuy nhiên, đôi khi những “kim chỉ nam” đó chỉ làm tăng áp lực phải chiến thắng hoặc phải hoàn thiện lên con cái bạn mà thôi. 

Trong cuốn sách “101 cách trở thành cha mẹ tuyệt vời”, tiến sĩ Joel Fish nói rằng nếu bạn sử dụng những câu như thế để động viên trẻ khi vừa thất bại thì giống như bạn đang ám chỉ rằng trẻ chưa đủ chăm chỉ.

Vì vậy, hãy sử dụng chúng một cách chừng mực. Hãy khuyến khích con kiên trì thực hành, tập luyện để làm một việc gì đó tốt hơn, đồng thời chỉ ra sự tiến bộ của con và giúp con cảm thấy tự hào về quá trình luyện tập của mình.

3. “Con ổn mà”, “Không sao”, “Có đau đâu mà”

Khi con té, khóc ré lên, ngay lập tức, cha mẹ thường chạy lại đỡ và luôn miệng xuê xoa: "không đau", "không sao". Thực chất, câu này không làm con ổn hơn chỉ làm con cảm thấy tệ hơn mà thôi. TS tâm lý Berman nói “Con bạn khóc vì con không ổn”.

Nhiệm vụ của bạn là giúp con hiểu và giải tỏa cảm xúc của con, chứ không phải dạy con chối bỏ cảm xúc ấy. Hãy ôm con và nói với con bạn biết cảm giác của con thế nào: “Con ngã đau quá phải không”. Sau đó hỏi con rằng con có muốn dán băng keo vết thương hoặc con chỉ muốn hôn hay là cả hai.

4. “Nhanh lên con”

Câu nói này rất quen thuộc với trẻ trong mỗi bữa ăn hay mỗi sáng chuẩn bị đi học. Thế nhưng, TS Linda Acredolo, đồng tác giả cuốn “Trí óc con trẻ” nói rằng khi bạn hối thúc con, bạn đang tạo thêm stress cho con.

Nhẹ giọng xuống một chút và nói: “Chúng ta cùng tăng tốc nào” chính là cách thể hiện rằng bạn và con cùng chung một đội. Bạn có thể biến hành động ấy thành một trò chơi bằng cách nói “Hay là chúng ta cùng đua xem ai thay áo xong trước nhé?”

5. “Mẹ đang ăn kiêng”

Bạn đang muốn giảm cân? Hãy giữ bí mật. Nếu như con trẻ thấy bạn cứ bước lên cân mỗi ngày và nghe bạn nói về chuyện bị “béo”, trong con bạn có thể hình thành hình ảnh về một cơ thể không khỏe mạnh. 

BS Marc S. Jacobson, giáo sư nhi khoa và dịch tễ ở trung tâm y khoa trường Đại học Nassau, New York cho rằng bạn nên nói “Mẹ đang ăn một cách ngon miệng hơn và mẹ thích cảm giác khỏe mạnh này của cơ thể”.

Tương tự như vậy với việc tập thể dục, nếu bạn nói: “Ba cần phải tập thể dục”, con bạn sẽ thấy đó là lời than thở, nhưng khi bạn nói “Trời đẹp quá, ba đi bộ đây” thì có thể sẽ làm con muốn tham gia cùng với bạn.

6. “Chúng ta không có tiền”

Khi con đòi mua một món đồ nào đó, cha mẹ thường nói câu này để từ chối. Nhưng chính nó vô tình khiến con bạn hiểu rằng bạn đang không kiểm soát tốt tài chính của mình. 

Jayne Pearl, tác giả cuốn sách “Con trẻ và tiền bạc” cho rằng điều này có thể làm trẻ lo lắng. Nhiều trẻ độ tuổi đi học có thể phản bác lại bạn khi bạn lại thay đổi và mua một món đồ đắt tiền nào đó.

Hãy chọn cách nói khác mang cùng ý nghĩa như “Chúng ta sẽ không mua đồ chơi vì chúng ta đang tiết kiệm tiền cho những thứ quan trọng hơn”. Nếu như con vẫn khăng khăng đòi hỏi chuyện này, bạn sẽ có một cơ hội tuyệt vời để dạy con cách lập quỹ và quản lý tiền bạc.

7. “Không được nói chuyện với người lạ”

Để bảo vệ con, rất nhiều cha mẹ dạy con như vậy. Thay vì chỉ nói vắn tắt như thế thì các bạn nên giải thích kỹ lưỡng với con về các tình huống không nên nói chuyện với người lạ. 

Bạn hãy thử xây dựng những tình huống bằng cách hỏi con, chẳng hạn như “Con sẽ làm gì nếu như một người con không biết cho con một viên kẹo và nói sẽ chở con về nhà?” Hãy bảo con giải thích vì sao con làm thế và hướng dẫn hành động đúng cho con.

Tuy nhiên, vì nhiều trường hợp trẻ bị lừa lại do người mà trẻ đã biết, bạn có thể kể lại với con và dặn: “Nếu có ai đó làm con cảm thấy buồn, sợ, rối rắm, con cần phải nói với ba mẹ ngay lập tức”.

8. “Coi chừng”, “Cẩn thận đấy”

Con đang với tay lấy đồ, cầm ly uống nước hay trèo lên bàn, theo như phản xạ nhiều cha mẹ sẽ nói câu này. Tuy nhiên, cảnh báo này theo giới nghiên cứu chỉ làm tăng nguy cơ “gây chuyện” của trẻ vì nó khiến trẻ bị phân tán chú ý. 

Nếu như bạn cảm thấy lo lắng, hãy di chuyển lại gần chỗ con một cách nhẹ nhàng, giữ im lặng quan sát và hỗ trợ con nếu cần thiết.

9. “Không ăn cơm xong thì không có bánh trái gì hết”, “Con phải ăn hết thì mẹ mới cho kẹo”

Lời doạ dẫm này cha mẹ dùng với mục đích muốn trẻ ăn hết bữa ăn chính. Thế nhưng theo lời BS David Luwig, Tiến sĩ và giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa bệnh Béo phì ở BV nhi Boston và cũng là tác giả quyển sách “Chấm dứt việc ép trẻ ăn”, câu nói này chỉ làm cho trẻ nhận thức giá trị của phần thưởng mà quên đi rằng con có thể tận hưởng bữa ăn một cách đích thực. 

Bạn có thể điều chỉnh bằng cách nói “Chúng ta ăn bữa chính xong thì đến tráng miệng”. Cách nói sẽ giúp thay đổi ảnh hưởng tích cực lên trẻ.

10. “Để mẹ giúp”

Khi con bạn đang vật lộn với việc xây chồng các hình khối hay là xếp hình, bạn muốn giúp con một tay là điều hoàn toàn bình thường. Thế nhưng lâu dài, câu nói này sẽ hình thành tính ỷ lại ở con bạn. 

Tác giả quyển sách “Dạy trẻ biết suy nghĩ”, TS Myrna Shure, giáo sư danh dự trường Đại học Drexel ở Philadelphia nói rằng “Khi bạn can thiệp quá sớm, bạn sẽ làm xói mòn tính độc lập của con bởi vì con sẽ luôn chờ người khác giải quyết hộ”.

Thay vào đó, hãy hỏi con những câu hỏi gợi mở như “Con nghĩ xem khối to hay khối nhỏ ở vị trí chân đế? Tại sao con nghĩ vậy? Con thử xem sao”.

Theo PNO/Parents

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…