1. Lời mời trước bữa ăn
Bạn dạy con trước khi ăn cơm, bé phải có lời mời những người lớn tuổi, đó là ông bà, bố mẹ, anh chị em… Đây là phép tắc, lễ nghĩa trên bàn ăn cơ bản và quan trọng mà bé cần học từ khi còn nhỏ.
Bạn hãy chỉ ra cho trẻ lý do tại sao trước khi ăn phải mời người lớn trước. Đó chính là sự thể hiện tình cảm và tôn trọng mà tất cả mọi người đều làm.
2. Biết để khăn ăn vào lòng
Đây là phép lịch sự tối thiểu khi ăn uống của người nước ngoài hay trong những bữa tiệc. Nếu có thể, cha mẹ nên dạy bé phép lịch sự này khi ăn uống.
Mặt khác, những bé nhỏ tuổi gắp thức ăn hay làm rơi vãi, bạn nên dạy con có thói quen mỗi lần ngồi vào bàn ăn là trải khăn vào lòng. Khăn ăn được trải ra sẽ đỡ những thức ăn bé đánh rơi, cũng như giúp thức ăn không vấy bẩn vào quần áo của bé.
3. Nhờ người khác lấy hộ thức ăn
Nếu con phải đứng dậy hoặc rướn người mới lấy được thức ăn ở phía xa, bạn nên bảo con thay vì vất vả nhoài người lấy đồ ăn, con có thể nhờ người khác lấy hộ. Con nên nhờ người ngồi gần đĩa thức ăn đó nhất lấy hộ, sau đó đưa lại cho con.
4. Những hành động không cần phải suy nghĩ
Có thể con bạn đã biết những hành động này, nhưng đôi khi bạn vẫn cần nhắc nhở con rằng không ai làn như vậy khi ăn uống. Lấy những chuẩn mực từ phía ông bà, anh chị lớn tuổi để làm ví dụ thực tế cho bé chứ đừng nói như rao giảng. Những thói quen xấu sau đây cần được chỉ ra ngay lập tức thì trẻ mới không quên.
- Không chống tay khi ăn.
- Không vừa ăn và nói khi miệng còn đầy thức ăn.
- Không nhai tóp tép hoặc nuốt thức ăn có tiếng ừng ực.
- Cầm bát lên khi gắp thức ăn vào miệng.
- Không nghịch thiết bị điện tử khi ngồi vào bàn ăn.
5. Biết nói cám ơn và không chê đồ ăn
Biết trân trọng công sức người nấu đã vất vả làm bằng cách không chê bai đồ ăn, không bỏ phí quá nhiều và đặc biệt là biết cảm ơn người đã nấu những món ăn ngon cho mình.
Nói để bé hiểu đó là những hành động lịch sự trong cách ứng xử khi ăn uống và cho biết đó mới là hành động đúng và đáng được khen ngợi.