Thi thành công kỳ thi Đại học quốc gia (với điểm số tối thiểu 15 điểm) và đã trúng tuyển vào hệ đào tạo ĐH chính quy tại một trường ĐH Việt Nam, ứng viên có thể được chuyển vào dự bị ĐH trong cùng nhóm ngành.
Nếu đạt được các điều kiện trên và học 4 học kỳ ĐH chính quy thì có thể được chuyển thẳng vào một trường ĐH trong cùng nhóm ngành.
Nếu tốt nghiệp hệ CĐ có thể được chuyển vào dự bị ĐH trong cùng nhóm ngành.
Nếu tốt nghiệp hệ CĐ và thi chuyển tiếp lên ĐH thành công có thể được chuyển thẳng vào năm thứ nhất một trường ĐH trong cùng nhóm ngành.
Với sinh viên năm đầu
Theo quy chế mới, muốn học từ năm thứ nhất tại một trường ĐH ở Đức, ứng viên phải tốt nghiệp THPT, thi đậu vào hệ chính quy và học ít nhất thành công một học kỳ tại một trường ĐH Việt Nam được phía Đức công nhận. Nếu có đủ các yêu cầu trên và nguyện vọng ngành học tại Đức của ứng viên trùng hay khá giống với ngành đang học ĐH ở Việt Nam, ứng viên đã vượt qua được chướng ngại đầu tiên trên con đường thực hiện ước mơ của mình.
Các trường ĐH Đức thông thường không có thi đầu vào, nên khi đã chọn được một hay nhiều trường phù hợp, ứng viên download đơn xin nhập học của trường đó và xem các điều kiện khác. Một bộ hồ sơ xin nhập học bao gồm tối thiểu: Đơn xin nhập học được điền đầy đủ và chính xác bằng tiếng Đức hay tiếng Anh; Bằng tốt nghiệp PTTH; Giấy gọi nhập ĐH với điểm thi ĐH; Bảng điểm học kỳ 1 và Giấy chứng nhận APS. Tất cả các giấy tờ Việt Nam phải được sao y, chứng thực và dịch thuật sang tiếng Đức hay tiếng Anh.
Bên cạnh đó, trường có thể yêu cầu thêm các giấy tờ sau: Sơ yếu lý lịch chi tiết về quá trình học tập; bảng điểm (Học bạ) Trung học; Giấy xác nhận thực tập; Chứng chỉ tiếng Đức (thông thường của Viện Goethe) …
Trường sẽ gửi Giấy gọi nhập học có điều kiện cho ứng viên được nhận sau từ 2 – 12 tuần. Nếu không có điều kiện nào khác để chứng minh tài chính cho Đại sứ quán Đức hay Tổng Lãnh sự quán Đức, khi có giấy gọi nhập học nêu trên, ứng viên phải liên hệ với Deutsche Bank để mở tài khoản cá nhân đặc biệt (Sperrkonto) tại Đức.
Sau đó, ứng viên ra Đại sứ quán Đức hay Tổng Lãnh sự quán Đức để xin Visa Du học (các giấy tờ và điều kiện cần thiết để xin Visa, xem trên trang Web của Đại sứ quán Đức). Theo kinh nghiệm, thì tổng thời gian cần thiết cho các bước từ chọn Trường đến lúc nhận được Visa là khoảng 1 năm.
Trong trường hợp ứng viên chưa học đủ bốn học kỳ hay đạt 120 tín chỉ (credits), thì trước khi được nhập học chính thức sẽ phải qua kỳ "Thi đánh giá chất lượng tương đương" (Feststellungsprüfung - FSP). Chuẩn bị cho kỳ thi này, các sinh viên quốc tế thường sẽ được trường ĐH chuyển vào Trường dự bị ĐH (Studienkolleg) trực thuộc trong vòng hai Học kỳ. Đa số các Studienkolleg chưa thu học phí. Tại đây, ứng viên sẽ được học các môn có liên quan đến ngành học sau này và được bồi dưỡng tiếng Đức. Hai Học kỳ Studienkolleg được kết thúc bằng kỳ FSP. Nếu đạt kỳ thi này, ứng được học ngành mình đã chọn tại bất kỳ trường ĐH nào ở Đức.
Về ngoại ngữ: Chỉ riêng các hhóa học dạy 100 % bằng tiếng Anh sẽ không yêu cầu về tiếng Đức. Nói chung, yêu cầu tiếng Đức tại các trường ĐH Đức rất cao (DSH hay tương đương như ZOP, KDS hay GDS của Viện Goethe, TestDaF TDN 4).
Với sinh viên đã học xong năm thứ 3 ĐH trở lên
Nếu sinh viên đang học thành công năm thứ ba (hay cao hơn) hệ chính quy tại một trường ĐH Việt Nam được phía Đức công nhận muốn tiếp tục học ĐH tại Đức, nếu thi đậu kỳ "Thi tiếng Đức để nhập Đại học" của Trường ĐH đã chọn hay có một trình độ tương đương (ZOP, KDS, GDS của Viện Goethe hay TestDaF TDN 4) sẽ được xét và cho nhập học vào một năm bất kỳ mà trường quy định (bình thường là năm thứ nhất hoặc hai. Nếu đã tốt nghiệp ĐH tại Việt Nam có thể sẽ được xếp vào năm thứ ba).
Bộ hồ sơ xin nhập học của tối thiểu gồm: Đơn xin nhập học được điền đầy đủ và chính xác bằng tiếng Đức hay tiếng Anh; Bằng tốt nghiệp PTTH; Giấy gọi nhập ĐH với điểm thi ĐH; Bảng điểm chi tiết các học kỳ đã học; Giấy chứng nhận APS . Tất cả các giấy tờ Việt Nam phải được sao y, chứng thực và dịch thuật sang tiếng Đức hay tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Trường có thể yêu cầu thêm: Sơ yếu lý lịch chi tiết về quá trình học tập; Bảng điểm (Học bạ) Trung học; Giấy xác nhận thực tập; Chứng chỉ tiếng Đức (thông thường của Viện Goethe)…
Nếu được chấp nhận, sinh viên thực hiện các bước giống như với sinh viên năm đầu
Với sinh viên đã (hoặc sẽ) tốt nghiệp ĐH loại giỏi
Nếu đã (sẽ) tốt nghiệp ĐH hệ chính quy vào loại giỏi (trên 8/10 điểm) tại một trường ĐH Việt Nam được phía Đức công nhận với thời gian học trung bình là 4 năm (cử nhân) hay 5 năm (kỹ sư); tiếng Anh đạt trên 550 điểm TOEFL, bạn chính là đối tượng các trường ĐH Đức với các khóa học cao học quốc tế (Master) chờ đợi và mong được tiếp nhận. Vì các trường ĐH Đức công nhận bằng tốt nghiệp ĐH của Việt Nam nên con đường này là con đường ngắn nhất và đơn giản nhất giúp bạn có thể tiếp thu được những thành tựu tiên tiến tại một quốc gia phát triển vào bậc nhất trên thế giới.
Bộ hồ sơ xin nhập học tối thiểu bao gồm: Đơn xin nhập học được điền đầy đủ và chính xác bằng tiếng Đức hay tiếng Anh; Bằng tốt nghiệp ĐH; Giấy xác nhận trình độ tiếng Anh (TOEFL, IELTS); Giấy chứng nhận APS. Tất cả các giấy tờ Việt Nam phải được sao y, chứng thực và dịch thuật sang tiếng Đức hay tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Trường có thể yêu cầu thêm: Sơ yếu Lý lịch chi tiết về quá trình học tập; Bảng điểm (Học bạ) Trung học; Bằng tốt nghiệp THPT; Giấy gọi nhập ĐH với điểm thi ĐH; Bảng điểm chi tiết các học kỳ đã học; Luận văn tốt nghiệp; Giấy xác nhận thực tập; Chứng chỉ tiếng Đức (thông thường của Viện Goethe).
Nếu không có điều kiện nào khác để chứng minh tài chính cho Đại sứ quán Đức hay Tổng Lãnh sự quán Đức, khi có giấy gọi nhập học nêu trên, bạn phải liên hệ với Deutsche Bank để mở tài khoản cá nhân đặc biệt (Sperrkonto) tại Đức.
Hoàn thành xong các bước trên, bạn ra Đại sứ quán Đức hay Tổng Lãnh sự quán Đức để xin Visa Du học (các giấy tờ và điều kiện cần thiết để xin Visa, Bạn xem trên trang Web của Đại sứ quán Đức).
Đan Thảo