Những điểm số bằng lời

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Thúy Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học M.V Lômônôxốp Mỹ Đình (Hà Nội) đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu thực hiện tốt Thông tư 30 đến với các giáo viên , phụ huynh và học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thúy Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học M.V Lômônôxốp Mỹ Đình cùng học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thúy Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học M.V Lômônôxốp Mỹ Đình cùng học sinh.

Đi tìm tiếng nói chung từ phụ huynh

Theo cô Liên, Trường Tiểu học M.V Lômônôxốp Mỹ Đình mới thành lập được 2 năm, tuổi đời còn khá non trẻ, nhưng chính điều đó cũng là một trong những lợi thế khi thực hiện những thay đổi theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. So với nhiều trường có bề dày lịch sử, trường có điều kiện để bắt đầu ngay từ những ngày đầu triển khai.

Nói là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện, cô Liên cũng gặp không ít khó khăn. Bởi đây là trường tư thục, làm sao để phụ huynh hiểu và đồng thuận với nhà trường là cả một vấn đề.

Ngay buổi họp phụ huynh đầu tiên bắt đầu khi Thông tư có hiệu lực, nhiều ý kiến đã xôn xao vì nếu không cho điểm thì bản thân phụ huynh khó nắm bắt được tình hình học tập của con. 

Họ đã quen với việc, hàng ngày phải kiểm tra xem con được bao nhiêu điểm, hay những câu nói khoe: “Mẹ ơi, hôm nay con được điểm 10”, nay lại thay bằng những lời nhận xét của giáo viên.

Khắc phục tình trạng này, bản thân cô Liên, với cương vị là hiệu trưởng cũng nhiều lần trăn trở. Cuối cùng, cô đã họp với các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để đưa ra phương án: Họp từng phụ huynh.

Với điều kiện mỗi lớp chưa đến 30 học sinh, các giáo viên hoàn toàn có thể sắp xếp lịch để gặp gỡ với các phụ huynh, điều này khiến các giáo viên có phần vất vả hơn, nhưng khi đã tìm được tiếng nói đồng thuận của gia đình, nhà trường thì việc chăm lo cho học sinh sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Theo đó, các giáo viên phụ trách lớp sẽ phải trao đổi, họp với từng phụ huynh, nói rõ về những lợi ích khi không chấm điểm bằng điểm số. Điều này sẽ giảm áp lực cho chính học sinh.

Hơn nữa, việc các cô nhận xét vào sổ theo dõi sẽ làm tăng thêm sự quan tâm, nhu cầu nắm bắt tình hình của con cái mình. Mỗi lời nhận xét của các cô, cha mẹ cũng có thể tự cho điểm con mình, mà không cần những con số cụ thể kia.

Thời gian đầu tuy còn nhiều khó khăn, nhưng chính sự tâm huyết của nhà trường, quá trình tìm tiếng nói chung với phụ huynh đã có nhiều thành công đáng kể.

Để giáo viên có được những điểm số bằng lời

Nhẹ lòng khi phụ huynh yên tâm, cô Liên lại trăn trở về việc quản lý làm sao để những giáo viên vừa có tinh thần trách nhiệm, vừa có những “điểm số bằng lời” đầy tâm huyết.

Để làm được điều này, cô Liên đã cùng trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường, thường xuyên có những tiết dự giờ, kiểm tra, quan sát cả tình cảm của các con khi nhận được những lời nhận xét.

Cô Liên còn chia sẻ cho các giáo viên về cách đánh giá học sinh: Đối với lứa tuổi là học sinh tiểu học còn non nớt trong nhận thức, tình cảm, giáo viên cần quan tâm, ần cần và có những lời nhận xét “tế nhị”.

Ví dụ nếu học sinh chưa hiểu bài, làm bài sai, giáo viên cần có những lời động viên, chỉ ra cho học sinh thấy sự cố gắng của mình nhưng cần sửa cái gì, cần thay đổi như thế nào, chứ không nên chỉ có một vài lời nhận xét thẳng thắn quá, khiến học sinh nản chí.

Tuy nhiên, đó cũng phải là “lời vàng, ý ngọc” mà cô gửi gắm đến học sinh, để sự tiến bộ của học sinh phải từng ngày được thay đổi tích cực.

Sáng tạo để học sinh hết bệnh “lười”

Đảm nhận vai trò là người quản lý của một trường tư thục, cô Liên mừng rỡ khi thấy chính học sinh của mình cũng thích thú với việc không cho điểm bằng điểm số. Theo như những điều tra nhỏ của cô Liên, học sinh cảm thấy không áp lực vì lo học dồn, học ép để được điểm cao.

Thế nhưng, chưa kịp mừng thì nỗi lo lại đến. Trong thời gian đầu thực hiện Thông tư 30, bằng kiểm tra, đánh giá của bản thân, cô Liên nhận thấy học sinh “lười” học hơn, bởi nhiều học sinh không phải lo chuyện điểm cao, điểm thấp nữa, giảm áp lực lại đồng nghĩa với giảm ý thức thi đua học tập.

Thêm một lần lo lắng, nhưng tình yêu nghề đặt lên trên hết, cô hiệu trưởng “sáng tạo” hơn khi cùng các giáo viên tăng cường ngoại khóa. Cô và trò thêm tình đoàn kết, gắn bó với nhau hơn và nỗ lực hơn khi tham gia các ngày hội vui, ngày hội thi đua học tốt, ngày hội học tiếng anh,…

Mỗi một hoạt động này, học sinh lại phải ý thức hơn, phấn đấu hơn vì nếu không học sẽ không hiểu, không đạt tiêu chuẩn để tham gia. Điều này chính là kinh nghiệm của bản thân cô Liên khi cho rằng phải nắm bất được tâm lý học sinh để có những đổi mới phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.