Thay vào đó, khám di chứng hậu Covid-19 và tư vấn điều trị F0 tại nhà là những dịch vụ “lên ngôi”.
Chen nhau đi khám hậu Covid-19
Số ca mắc Covid-19 cao cũng kéo theo tình trạng người dân đi khám di chứng hậu Covid-19 ngày một nhiều. Mỗi ngày, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 100 người đến kiểm tra di chứng Covid-19. Tuy nhiên, trong số đó, không ít người không có tổn thương gì.
Tại TPHCM, phòng khám hậu Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp đón 4.000 bệnh nhân trong hơn một tháng. Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Phục hồi chức năng đón hơn 1.000 bệnh nhân đến khám trong tháng 1 và 2.
Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcook, nếu không có triệu chứng gì, mọi người chỉ cần đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Trong trường hợp có triệu chứng, hoặc cảm thấy lo lắng quá, mọi người có thể khám/xét nghiệm, kèm theo một số mục khám sức khỏe định kỳ cho đỡ tốn thời gian và chi phí.
Theo chuyên gia này, khám, xét nghiệm cơ bản hậu Covid gồm: Khám, hỏi bệnh thông thường để bác sĩ chỉ định tiếp cần khám, xét nghiệm gì; Xét nghiệm máu: Công thức máu, điện giải đồ, chức năng gan, chức năng thận, đánh giá tình trạng viêm (C-reactive protein, erythrocyte sedimentation rate, ferritin), TSH, FT4; X-quang phổi.
Trong khi đó, theo PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết: “Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19 cấp tính nặng cần các dịch vụ phục hồi chức năng, bao gồm vật lý trị liệu và vận động, phục hồi chức năng phổi hoặc tim, liệu pháp ngôn ngữ và nuốt.
Bác sĩ khuyến cáo tất cả các bệnh nhân có nhu cầu về các dịch vụ phục hồi chức năng cần tiến hành càng sớm càng tốt, thường là trong vòng 30 ngày kể từ ngày hồi phục sau mắc Covid-19”.
Theo PGS Hải, tất cả bệnh nhân nên được kiểm tra các triệu chứng tim trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào. Nếu cần, có thể đảm bảo đánh giá toàn bộ tim trước khi bắt đầu điều trị phục hồi chức năng dựa trên các triệu chứng. Trong trường hợp không có các triệu chứng liên quan, bác sĩ sẽ không yêu cầu kiểm tra tim trước khi bắt đầu phục hồi chức năng.
“Một số chuyên gia khuyên bệnh nhân nên đợi từ 6 - 8 tuần hoặc có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi bắt đầu phục hồi chức năng tại chỗ. Tuy nhiên, chiến lược không dựa trên xét nghiệm để xác định thời điểm loại bỏ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và chuyển hướng đến phục hồi chức năng tại chỗ”, PGS Hải chia sẻ.
“Hot line” tư vấn cho F0 tại nhà quá tải
Từ khi dịch bệnh bùng phát, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành với sự tham gia tình nguyện của 300 y, bác sĩ đã được khởi động. Nhờ đó, hỗ trợ cho các F0 ở Hà Nội đang điều trị tại nhà. Thông qua hệ thống, tổng đài kết nối trực tuyến hai chiều và công cụ điều phối công việc theo thời gian thực cho tình nguyện viên, y bác sĩ.
Nhờ đó, họ có thể đồng thời tư vấn từ xa cho bệnh nhân; ghi và theo dõi kết quả tình trạng bệnh của từng trường hợp; phân tầng nguy cơ, cung cấp thêm thông tin về các ca bệnh nặng. Đồng thời, hỗ trợ y tế địa phương trong việc điều phối nguồn lực cấp cứu, nhập viện.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều F0 điều trị tại nhà tỏ ra khá lo lắng vì khó tiếp cận được với y tế cơ sở. Trong bối cảnh đó, một nhóm bác sĩ quân y đã tình nguyện tham gia tư vấn và điều trị online miễn phí cho các F0.
Với những kinh nghiệm tích lũy được khi hỗ trợ điều trị người bệnh Covid-19 tại TPHCM, Thiếu tá, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bỏng quốc gia, Học viện Quân y đã thành lập nhóm “Bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà”.
Sau một thời gian thành lập, nhóm bác sĩ quân y đã hỗ trợ online, chăm sóc điều trị cho hàng chục nghìn thành viên là các F0, người nhà chăm sóc F0. Đặc biệt, nhóm còn có sự tham gia của hơn 30 y, bác sĩ khác cùng đồng hành, hỗ trợ bệnh nhân. Nhờ vậy, rất nhiều bệnh nhân đã được hỗ trợ về mặt thông tin, an tâm điều trị tại nhà.
Trên diễn đàn, mọi người chủ yếu thắc mắc các vấn đề về dịch bệnh, tình trạng sức khỏe bản thân đang gặp. Những trường hợp này thường sẽ nhắn tin qua số điện thoại, mạng Zalo hoặc đăng bài lên nhóm. Bác sĩ sẽ dựa vào những gì bệnh nhân mô tả (thuốc đang dùng, những lần đi khám trước ra sao…) để đưa ra lời khuyên, cách điều trị phù hợp nhất.
“Các bác sĩ ơi, em là F0 đã 4 ngày, đã trải qua sốt, ho, nôn, nghẹt mũi, đi ngoài... tạm thời chỉ còn ho và sổ mũi. Hôm nay có dọn dẹp một chút thì hơi tức ngực nhẹ giống như mình đi leo thang bộ 4 - 5 tầng cầu thang vậy.
Nhịp tim dao động 120 - 130, chưa bao giờ hạ. Vậy nhịp tim như thế có nguy hiểm không ạ và cần lưu ý gì không ạ?”; “Em đã âm tính với Covid-19 sau 4 ngày điều trị và hết triệu chứng. Liệu em có cần đi khám hậu Covid-19 không ạ?”…
Đây là những câu hỏi thường gặp xuất hiện trên fanpage. Đặc biệt, tại nhóm, các bác sĩ đều công khai số điện thoại để tránh những luồng thông tin lợi dụng, giả mạo, không chính thống. Đồng thời, giúp các bệnh nhân có thể dễ dàng kết nối.
Việc kết hợp giữa tư vấn trực tiếp và trực tuyến được coi là phương thức kết nối bệnh nhân và các y bác sĩ, tăng cường hiệu quả điều trị. Đồng thời, tạo nên một cộng đồng kết nối những người thầy thuốc giúp đỡ F0 ở nhà vượt qua cơn hiểm nguy; cũng như giúp các đơn vị, cơ sở y tế quản lý bệnh nhân F0 một cách dễ dàng hơn.