Những "dấu ấn" của Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh trong vụ việc liên quan tới Công ty Việt Á

GD&TĐ - Vi phạm của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh trong vụ Công ty Việt Á đến mức phải xem xét, kỷ luật.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Khai trừ khỏi Đảng Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh

Ngày 6/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Chu Ngọc Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật Đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật Đảng.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chu Ngọc Anh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chu Ngọc Anh.

Ngày 4/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét thi hành kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long. Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

2 cá nhân trên cũng vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo: Ban cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bộ Chính trị cũng đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với các tập thể, cá nhân đã bị kỷ luật Đảng.

“Dấu ấn” của ông Chu Ngọc Anh trong vụ việc liên quan tới Công ty Việt Á

Trước khi bị đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật, thời điểm còn đương chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh đã để lại nhiều “dấu ấn” liên quan đến vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á.

Theo đó, ông Chu Ngọc Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ tháng 4/2016. Trong thời gian này, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, nhằm tăng cường khả năng phòng, chống dịch, ông Chu Ngọc Anh (khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ký Quyết định phê duyệt đặt 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh.

Trong số các nhiệm vụ này có 2 nhiệm vụ liên quan tới kit test và 1 nhiệm vụ dịch tễ. Cụ thể, đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona 2019 (nCoV-2019) tại Việt Nam giao cho Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.

Đề tài nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của virus Corona 2019 (nCoV-2019) giao cho Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa – Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN - Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ thực hiện.

Thứ 3 là đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus Corona 2019 (nCoV-2019) giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện. Riêng nhiệm vụ thực hiện đề tài thứ 3 đã “ngốn” của ngân sách số tiền 18,98 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc (người bị kỷ luật cảnh cáo) phát biểu tại buổi họp báo công bố bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc (người bị kỷ luật cảnh cáo) phát biểu tại buổi họp báo công bố bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất.

Thời gian thực hiện đề tài theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021 sau khi được gia hạn đến tháng 10/2021. Tổ chức chủ trì đề tài này là Học viện Quân y do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm.

Tham gia thực hiện đề tài có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 thành viên thuộc Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) là thành viên nghiên cứu chính tham gia thực hiện đề tài này.

Đến ngày 2/3/2020, ông Chu Ngọc Anh khi đó với vai trò là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 489/QĐ-BKHCN thông qua kết quả đề tài nghiên cứu sản xuất kit test của Công ty Việt Á.

Thực hiện theo Quyết định số 489/QĐ-BKHCN, ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài độc lập cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” đã họp và đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho 2 bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit; LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit).

Ông Hồ Anh Sơn (đứng) và Phan Quốc Việt (ngoài cùng bên trái) tại buổi họp báo công bố bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất. Hiện cả 2 cá nhân này đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ông Hồ Anh Sơn (đứng) và Phan Quốc Việt (ngoài cùng bên trái) tại buổi họp báo công bố bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất. Hiện cả 2 cá nhân này đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sau đó 1 ngày, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký thay Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus corona (SARS-CoV-2) được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh.

Và cũng chỉ sau đó 1 ngày, Bộ Khoa học và Công nghệ đã họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) cho kết quả chính xác 100% sau hơn một giờ.

Theo công bố tại buổi họp báo, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất bộ sinh phẩm real-time RT-PCR theo quy trình hết sức nghiêm ngặt và được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8.

Bộ sinh phẩm được kiểm định các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, độ lặp lại tại phòng thí nghiệm chuẩn thức của Công ty Việt Á và Học viện Quân y. Kết quả cho thấy các tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất.

Bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Công ty Việt Á và Học viện Quân y sản xuất.
Bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Công ty Việt Á và Học viện Quân y sản xuất.

Ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty Việt Á.

Theo đó, Cổng TTĐT của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải: “Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”. Trong đó nêu rõ: “Ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”.

Trong khi đó, ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á là: “Not Accepted - Không được chấp nhận”.

Đến ngày 20/12/2021, sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty Việt Á là Phan Quốc Việt, thông tin trên đã bị gỡ bỏ khỏi website của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thời điểm cuối tháng 12/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra cho thấy, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Bước đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) đa nhận gần 30 tỷ đồng lót tay từ Phan Quốc Việt.

Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều cá nhân khác bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.