Mái lán giữa rừng già
Chúng tôi tình cờ gặp ông Triệu Kim Phù, 75 tuổi, người dân tộc Tày, ngay ở cửa rừng Thăn Lươm. Nghĩ rằng ông cũng là một người đi bẻ măng như chúng tôi vẫn gặp suốt đoạn đường vừa qua (mùa này đang vào vụ thu hoạch măng sặt nổi tiếng ở vùng núi Tây Bắc), nhưng khi ông cho biết mình sống ngay trong khu rừng này, ai cũng ngạc nhiên và đề nghị được đi theo ông.
Cũng giống như sự gần gũi và đơn sơ của núi rừng, sau vài câu chuyện ngắn, ông đã hồ hởi mở đường, rẽ cây rừng để đưa chúng tôi leo lên đỉnh. Đường rừng mùa này mưa ẩm và rất trơn. Suốt chuyến đi, cánh thanh niên chúng tôi ngã lên ngã xuống, trong khi ông luôn miệng trò chuyện, chân bước thoăn thoắt mà không hề tỏ ra mệt mỏi.
Mái lán đơn sơ của vợ chồng ông Phù nằm gần chóp đỉnh rừng, ngoài vài bộ quần áo thì dấu hiệu của cuộc sống văn minh chỉ là chiếc radio chạy pin và một chiếc đèn thắp sáng sử dụng năng lượng mặt trời. Ông bà đã sống trong mái lán này đã được gần 20 năm, sau khi 5 người con lập gia đình, ra ở riêng với những cuộc sống ổn định.
Ông Phù chia sẻ, ngay khi lập gia đình cho người con út, ông bà bàn nhau rời làng bản để vào rừng sinh sống; vừa được trở về với thiên nhiên như những ngày thơ trẻ vẫn theo cha mẹ vào rừng hái nấm bẻ măng, đặt bẫy bắt thú; vừa làm con mắt canh chừng những kẻ chặt phá rừng. Nói là làm, mặc sự can ngăn của các con cũng như người dân trong bản, chỉ với con dao đi nương, hai cái gùi đựng mấy bộ quần áo cùng chút lương thực, hai ông bà lần vào trong rừng, tự tay chặt tre dựng lán, cứ thế ngót 20 năm trôi qua lúc nào không hay.
“Thỉnh thoảng con cháu vẫn vào thăm, mang cho ít đồ dùng cần thiết hoặc thuốc men. Lâu lâu chúng tôi cũng xuống bản thăm hỏi người thân; nhưng cuộc sống chính vẫn là trên đỉnh rừng này. Nó đã trở thành ngôi nhà của mình mất rồi, đi khỏi một buổi đã thấy nhớ không chịu nổi”, ông Phù cho biết. Cũng theo ông, mối liên lạc duy nhất của ông bà đối với xã hội là chiếc radio chạy pin cũ kỹ, cũng là tài sản quý giá nhất, để đêm đêm nghe tin tức hoặc những lúc đi rừng mang theo cho có tiếng nói ở bên…
Cạnh lán của ông Phù khoảng 500m, qua một vạt rừng và khe suối là lán của vợ chồng ông Vương Văn Tỉnh, 68 tuổi, cũng người dân tộc Tày. Ông bà đã rời bản lên đây ở được hơn chục năm nay. “Trẻ” hơn và cũng “khá giả” hơn vợ chồng ông Phù một chút, ngay từ những ngày mới lên, ông Tỉnh đã mang theo một máy phát điện cỡ nhỏ để chạy thắp sáng buổi tối và thỉnh thoảng có thể xem tivi. Thế nhưng một phần việc đi lại để mua nhiên liệu phát máy khó khăn, phần tín hiệu vô tuyến phập phù, chiếc máy phát hoạt động tắt bụp một thời gian rồi đắp chiếu một chỗ, còn chiếc tivi ông đã gùi về bản từ lâu.
Giữ rừng cho tương lai...
Hỏi về cuộc sống hiện tại, ông Tỉnh cười sảng khoái: “Thú nhất là được gắn với thiên nhiên. Nước thì uống trong nguồn, rau rừng hái bên suối, ngô khoai tự trồng, con gà cho trứng cho thịt tự tay mình nuôi. Lại thấy khỏe hơn hồi còn ở bản. Thường ngày tôi với ông Phù đi kiểm tra rừng cả ngày leo không thấy mệt, chứ trước kia ở bản, đi lên con dốc ngắn đã đứng thở. Rừng nuôi mình, cho mình nhiều quá, mình phải bảo vệ rừng thôi. Còn con cháu bạn bè, nhớ nhau thì lên thăm hoặc mình xuống đấy, chứ rừng đã là nhà mất rồi”.
Những năm gần đây, người ta vào rừng lấy măng sặt, măng vầu... ngày càng nhiều. Suy nghĩ và lo sợ một ngày rừng cạn kiệt, ông Tỉnh và ông Phù bàn bạc với nhau về việc trồng thêm măng ở cánh rừng của mình. Nói là làm, hai ông đào đất trồng thêm đến vài chục ha măng sặt và vầu... Ngoài ra, để mang lại cái lợi lâu dài, những người già giữ rừng ở đây còn trồng thêm một diện tích lớn cây quế và một số cây thân gỗ khác.
Ông Phù cho biết mục đích vợ chồng ông quyết lên đỉnh rừng sinh sống để giữ rừng cho tương lai, nếu không trông coi thì người ta sẽ tới chặt phá hết. Những người trẻ phải lo toan cuộc sống gia đình, nên nhiệm vụ trông giữ rừng là của những người già, tục người Tày ngàn đời xưa vẫn vậy.
Ở cái tuổi đáng ra phải được sống an nhàn cùng con cháu, nhưng những người già nơi đây lại chọn lựa một cuộc sống giản đơn, thậm chí bất tiện. Nhưng họ không ngần ngại và coi đó là trọng trách của mình. Tận sâu trong rừng, họ sống quây quần với nhau, chia sẻ với nhau từng bát rau rừng, thìa muối... Nhưng trong từng cử chỉ lẫn lời nói của họ là sự tự tin và niềm yêu đời tràn ngập, tự nhiên như cây rừng vậy.
Chúng tôi rời rừng khi chiều đã ngả bóng. Ông Phù và ông Tỉnh cẩn thận tiễn chân ra đến đường mòn, rồi đứng dõi theo mãi cho đến khi chúng tôi khuất sau con dốc. Cánh rừng sau lưng âm u với màn sương nặng trĩu phủ kín, khiến không mấy ai có thể tin rằng giữa đỉnh rừng, lại có những ngôi lán đơn sơ, với những người già quây quần bên nhau, tự nguyện lấy rừng làm ngôi nhà thứ hai để ngày đêm chăm sóc và bảo vệ…