Cùng với quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, nhiều năm trở lại đây, cứ sau những đợt mưa lớn, các tuyến đường trung tâm ở TP Hà Tĩnh lại ngập chìm trong nước (Ảnh ghi nhận tại tuyến đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh sau một trận mưa lớn). |
Thực trạng trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ về đời sống, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ… của người dân (Ảnh tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Hà Tĩnh bị ngập sau trận mưa tháng 9/2022). |
Để hạn chế tối thiểu việc người dân phải bì bõm lội nước sau các trận mưa lớn, ngành chức năng ở TP Hà Tĩnh cũng đã triển khai nhiều phương án như nạo vét, khơi thông kênh mương, thu gom rác thải ở những điểm “nghẽn”… |
Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời còn để xử lý triệt để vẫn là bài toán khó giải. |
Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Hiếu cho biết, thực hiện Đề án xây dựng và phát triển TP Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2020 – 2025, TP Hà Tĩnh đã hoạch định chiến lược, thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình. |
Năm 2023, TP Hà Tĩnh thực hiện việc đồng loạt nâng cấp hạ tầng gắn với các tuyến đường khu vực trung tâm, xử lý việc thoát nước, ngầm hóa hạ tầng đô thị. |
Một ý tưởng táo bạo của UBND TP Hà Tĩnh là “lật tung” hệ thống thoát nước cũ ở các tuyến đường trung tâm để thay hệ thống mới. Đây là việc làm khó khăn bởi đây không chỉ tập trung nhiều cơ quan, đơn vị hành chính mà là nơi có nhiều loại hình thương mại, dịch vụ và là điểm nhấn cảnh quan của tỉnh. |
Cho nên, trước khi triển khai, UBND TP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các phòng, ban và địa phương liên quan vào cuộc vừa tiến hành các bước đầu tư, xây dựng, vừa thực hiện tuyên truyền, phát phiếu lấy ý kiến người dân và cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng. |
Quá trình lấy ý kiến, gần như các hộ dân có ảnh hưởng dự án đi qua các tuyến đường đều rất phấn khởi, đồng thuận cao với chủ trương chỉnh trang, nâng cấp của TP Hà Tĩnh. |
Đường Phan Đình Phùng là một trong những tuyến đường có lịch sử hình thành lâu đời nhất trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, đóng vai trò “xương sống” nối từ quốc lộ 1 đến khu trung tâm hành chính của tỉnh và các khu dân cư. Được đầu tư xây dựng từ những năm 1990, sau hơn 30 năm hoạt động, hệ thống thoát nước ở tuyến đường này đã không còn có thể "chịu tải". |
Nên việc thay thế bằng hệ thống cống có khả năng tiêu thoát lớn hơn là rất cần thiết. |
|
Đường kính của cống thoát nước trước đây chỉ 0,6m nay được thay hệ thống mới với kích thước 2m x 2m. |
Hệ thống cống thoát cũng được bố trí các hào kỹ thuật để ngầm hóa hạ tầng. |
Việc ngầm hóa hạ tầng sẽ xử lý được "rác" trên không, làm đẹp cảnh quan đô thị. |
Ông Lê Hoài Nam - Kỹ thuật Công ty TNHH xây dựng Vĩnh Phú (đơn vị thi công tuyến đường Phan Đình Phùng) cho biết, quá trình thi công trên tuyến đường gặp nhiều khó khăn do phương tiện qua lại đông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, đơn vị đã nỗ lực gỡ khó để thi công đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng và đúng với tiến độ. |
Còn tại tuyến đường Lê Duẩn, dù được hình thành hơn 10 năm nhưng hệ thống thoát nước không đảm bảo yêu cầu nên phải thay mới. |
Việc thay mới các cống thoát nước nhằm đồng bộ với hệ thống các tuyến đường. |
Mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện nhưng theo ghi nhận nhờ những cống nước "khổng lồ", các trận mưa lớn vừa qua đã giảm thiểu tối đa thời gian ngập úng. |
Ông Nguyễn Công Tiến - Phó giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Thành Linh (đơn vị thi công tuyến đường Lê Duẩn) cho biết, với trách nhiệm của nhà thầu, đơn vị đã huy động hết khả năng với mong muốn vượt tiến độ, đảm bảo hệ thống thoát nước hoàn thành trước mùa mưa lũ. |
Việc đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống cống chạy dọc vỉa hè tại các tuyến đường Phan Đình Phùng, Hải Thượng Lãn Ông, Xuân Diệu, Lê Duẩn, Minh Khai… ở TP Hà Tĩnh đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước. Đồng thời, từng bước ngầm hóa các hạ tầng kỹ thuật góp phần xây dựng TP Hà Tĩnh văn minh, hiện đại. |