Những con sông "cũng như người ấy"

GD&TĐ - Một số sông trên thế giới được cấp pháp quyền, gọi là Quyền của Sông (Rights of Rivers – ROR).

Sông Hằng vẫn chưa đạt được quyền không bị ô nhiễm.
Sông Hằng vẫn chưa đạt được quyền không bị ô nhiễm.

Dòng sông có ROR được công nhận tư cách pháp hà như pháp nhân, hưởng tối thiểu 6 quyền cơ bản: Được chảy, được thực hiện các chức năng sinh thái, được không bị ô nhiễm, được chăm sóc, được đa dạng tự nhiên và được phục hồi.

Magpie (Canada)

Magpie là con sông gần đây và duy nhất của Canada (Bắc Mỹ) được công nhận ROR. Nó dài khoảng 200 km, bắt nguồn từ cao nguyên Labrador, chảy theo hướng Nam và đổ vào vịnh Magpie (cùng tên).

Dòng chảy của sông Magpie cắt qua vùng đất sinh cư của người Innu bản địa, được họ đặt tên là Mutuhekau Shipu (có nghĩa đường thủy, nguồn thuốc, chữa lành).

Suốt hàng nghìn năm, Magpie cung cấp giao thông, thực phẩm, dược phẩm tự nhiên cho người Innu. Những năm gần đây, vì sự bùng nổ của thủy điện, dòng chảy của nó bị chặn bởi các con đập, ảnh hưởng tiêu cực lên hệ thống sinh thái tự nhiên.

“Với tôi, dòng sông và cây cối hai bên bờ cũng như tổ tiên. Chúng đều có từ rất lâu và xứng đáng có quyền được sống”, Uapukun Mestokosho (Innu), người ủng hộ ROR cho biết.

Năm 2021, Hội đồng Innu (Innu Council) tuyên bố “hà quyền cho Mutuhekau Shipu”. Họ vừa kêu gọi sự ủng hộ, vừa đề xuất khai thác du lịch sinh thái thay thế, tích cực thuyết phục chính phủ Canada đồng ý.

Đầu năm 2022, Canada chính thức cấp ROR cho Magpie. Kể từ lúc này, Magpie có người bảo hộ là cộng đồng Innu và 9 quyền, bao gồm 6 quyền cơ bản và 3 quyền mới bổ sung, trong đó có quyền khởi kiện nếu bị hại. 

Sông Magpie, thành viên trẻ nhất của “cộng đồng ROR”.
Sông Magpie, thành viên trẻ nhất của “cộng đồng ROR”.

Whanganui (New Zealand)

Nếu Magpie là sông ROR trẻ nhất thì Whanganui (dài 290 km) già nhất. Nó là con sông đầu tiên trên thế giới được cấp tư cách pháp hà.

Ở New Zealand, Whanganui là con sông dài thứ ba, bắt nguồn từ núi Tongariro, chảy qua địa phận của người Maori bản địa. Tục ngữ Maori có câu: “Ta là sông và sông cũng là ta”.

Với họ, Whanganui vừa là sinh kế quan trọng (cung cấp nước, thức ăn, thuốc men, đường thủy), vừa là dòng nước linh thiêng, chứng kiến quá khứ của cha ông và nuôi dưỡng tinh thần thế hệ tương lai.

Người Maori coi Whanganui như thực thể sống, hết lòng tôn kính và yêu thương. Thế kỷ XIX, New Zealand là thuộc địa của Anh và Anh thực hiện công nghiệp hóa sông Whanganui.

Sau nhiều thập kỷ, Whanganui bị ô nhiễm và chặn dòng chảy khắp nơi. Năm 1870, người Maori đệ đơn đòi nhân quyền, trong đó bao gồm một loạt các kiến nghị liên quan đến bảo vệ sông Whanganui. Hơn 100 năm tiếp theo, họ liên tục đề cập lại nhưng lần nào cũng bị gạt đi.

Không nản chí, người Maori kiên trì đòi quyền của sông cho Whanganui. Năm 2017, họ thành công thuyết phục chính phủ New Zealand.

Sông Whanganui, tiên phong ROR.
Sông Whanganui, tiên phong ROR.

Sông Hằng (Ấn Độ)

Thành công của Whanganui mở đường cho phong trào ROR toàn cầu. Cùng năm 2017, tại Ấn Độ, một tòa án ở bang Uttarakhand tuyên bố: Sông Hằng (dài 2.510 km) và phụ lưu chính là sông Yamuna (dài 1.376 km) có ROR.

Họ bổ nhiệm 3 quan chức làm người giám hộ sông Hằng hợp pháp, thành lập và ra mắt Ban quản lý sông Hằng, đặt nhiệm vụ làm sạch nước sông lên hàng đầu.

Với người Ấn Độ, sông Hằng là dòng linh thiêng. Nó bắt nguồn từ dãy Himalaya, từng trong văn vắt nhưng đã ô nhiễm nặng suốt nhiều thập kỷ, do nước thải công – nông nghiệp và sinh hoạt, mai táng (thủy táng và hỏa táng).

Theo báo cáo năm 2017, mỗi ngày sông Hằng phải nhận 4,8 tỷ lít nước thải từ 118 thị trấn và thành phố đổ vào. Kể từ năm 2018, Ấn Độ chạy đua làm sạch nước sông Hằng. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa thành công.

ROR sông Hằng tác động lên tinh thần bảo vệ môi trường của quốc gia Bangladesh (Nam Á) láng giềng. Năm 2019, Bangladesh tuyên bố mọi con sông của quốc gia đều có ROR.

Klamath (Mỹ)

Sông Klamath, dự kiến đến năm 2024 thỏa quyền được chảy.
Sông Klamath, dự kiến đến năm 2024 thỏa quyền được chảy.

Sông Klamath (dài 414 km) bắt nguồn từ Hồ Upper Klamath, dãy Cascades, Oregon, chảy tới California rồi đổ ra biển Thái Bình Dương. Trên đường đi, nó gặp một số hồ, kết nối một số kênh, tạo nhiều phụ lưu.

Ngoài cấp nước, Klamath còn là sông cá hồi Chinook sinh sản. Mỗi năm, chúng đều đặn ngược dòng, ban tặng nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho bộ lạc Yurok địa phương.

Thu nhập của người Yurok rất thấp, chỉ khoảng 14 nghìn USD/năm (tương đương 320 triệu đồng). “Sự sinh tồn của chúng tôi phụ thuộc vào dòng sông này”, Barry McCovey (Yurok) chia sẻ. Trung bình mỗi năm, họ đánh bắt khoảng 11 nghìn con cá hồi.

Lưu lượng nước của Klamath không lớn, dẫn đến bị đắp đập ngăn dòng trữ nước phục vụ nông nghiệp ở nhiều đoạn. Dòng chảy yếu tác động tiêu cực đến sức khỏe cá hồi Chinook (gây bệnh tật và suy giảm sinh sản), ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người Yurok. Tháng 5/2019, Hội đồng bộ lạc Yurok yêu cầu ROR cho Klamath và được chấp thuận. Dự kiến đến năm 2024, việc dỡ bỏ các đập sẽ được hoàn thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.