5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tạo điều kiện của Chính Phủ và chính quyền các cấp, sự phối hợp hiệu quả các các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị, các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng ý thức được quyền và trách nhiệm công dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hàng triệu phụ nữ đã đóng góp những ý kiến tâm huyết vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XIII…
Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ tiếp tục phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và bảo vệ môi trường…Bên cạnh đó, phụ nữ còn ghi dấu ấn đậm nét trong các lĩnh vực khác của xã hội.
Nhiệm kỳ 2017-2022, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và hai khâu đột phá đã được các cấp hội triển khai sâu rộng, hòa quyện vào các phong trào thi đua của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Đợt thi đua đặc biệt và chủ đề của từng năm đã khẳng định bản sắc của tổ chức hội, thực sự là đòn bẩy để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII. Đến nay, bảy nhóm chỉ tiêu của nhiệm kỳ, trong đó có những chỉ tiêu mới và khó cơ bản đạt và vượt, có những chỉ tiêu vượt ở mức cao (chỉ tiêu thành lập HTX, chỉ tiêu giúp hộ thoát nghèo, phát triển hội viên…).
Minh chứng cho những thành tích nổi bật của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 là 12 con số ấn tượng.
Cụ thể, đã hỗ trợ gần 13 triệu gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”, gần 17 nghìn công trình, phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới.
Gần 12 nghìn mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý được Hội hỗ trợ thành lập. Hỗ trợ thành lập mới gần 800 hợp tác xã.
Gần 164 nghìn tỉ đồng hỗ trợ gần 73 nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. 87 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ được nâng cao năng lực về thương mại điện tử.
Gần 482 tỷ đồng ủng hộ cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, trong đó trên 730 nghìn phần quà san sẻ yêu thương.
255 xã được nhận hỗ trợ từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với tổng nguồn lực huy động hỗ trợ gần 210 tỉ đồng (từ năm 2018 đến nay).
Trên 118 nghìn mô hình vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội được xây dựng và nhân rộng. Hơn 25 triệu hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, về giáo dục làm cha mẹ, an toàn thực phẩm và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Gần 135 nghìn phụ nữ tiêu biểu được Hội giới thiệu kết nạp Đảng, trong đó gần 90 nghìn phụ nữ được kết nạp.
Gần 13 nghìn đại hội phụ nữ các cấp đã thành công tốt đẹp, trong đó 158 đại hội cấp huyện và 22 tỉnh/thành phố được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phát triển mới hơn 2 triệu hội viên nâng tổng số hội viên cả nước lên 19 triệu hội viên.
Gần 2 nghìn trang fanpage Facebook, hơn 11 nghìn nhóm Zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền của các cấp Hội.
Tham mưu tổ chức 700 cuộc đối thoại với cấp ủy, chính quyền các cấp đề xuất trên 600 chính sách; giám sát trên gần 6 nghìn chính sách; góp ý và phản biện xã hội vào trên 33 nghìn dự thảo văn bản.
Trên 95% Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh/thành giáp biên của Việt Nam ký kết và hợp tác với đối tác láng giềng.
Trên 8 nghìn tập thể và 3 nghìn cá nhân được tặng Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; gần 420 nghìn công trình, phần việc trị giá trên 600 tỷ đồng chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.