Có bao giờ bạn nghĩ rằng, chỉ đến khi rời xa Hà Nội để đến một vùng đất tấp nập, ồn ã, đông đúc đến mức chẳng có lấy một chốn dừng chân nếu cảm thấy mỏi...
Chỉ đến khi lạc lõng giữa những ngã 4, bùng binh nườm nượp người, những giao lộ vun vút xe là xe..., mới thấy nhớ da diết Hà Nội vắng lặng "của riêng mình".
Phố nhiều cây, đi tới đâu mà chẳng có. Ngay ở trung tâm Sài Gòn là vô số đoạn phố phủ rợp bóng xanh mát cao vun vút. Ấy thế nhưng phố ở Hà Nội thì lại khác, khác lắm. Nhất là khi tháng 10 gõ cửa, chưa đủ lạnh, chỉ khẽ run người khi đi qua những con đường lá đang rụng trong gió.
Tôi có thể khẳng định với bạn rằng, chẳng có nơi nào đẹp như Hà Nội vào thu. Bởi chỉ cần đi qua vài con phố như Hoàng Diệu, như Phan Đình Phùng..., thật lạ là ai cũng cảm nhận rõ ràng cảm xúc của mình.
Một nỗi buồn rất nhẹ, như thể đang tiếc nuối điều gì đó, tự nhiên ập đến nhẹ nhàng thế thôi nhưng cũng đủ da diết, nhớ nhung lắm. Buồn, nhưng lại dễ chịu, đó chính là nét rất riêng của phố vào thu ở Hà Nội, chẳng thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.
Nếu phải tìm một cái tên cho đường Phan Đình Phùng, chắc tôi sẽ gọi đó là "Con đường đẹp nhất Hà Nội", nhất là đoạn cắt ngang với Hoàng Diệu.
Hai hàng cổ thụ bên đường khiến ngoài trời dù nắng đến đâu, khi rọi xuống đường cũng chỉ là những cái bóng li ti. Người Hà Nội hàng ngày đi qua con đường này, quen thuộc đến mức nhớ từng mùa sấu ra từng chùm hoa trắng bé tí xíu, cho đến mùa trút lá, nhuộm đường thành những góc vàng lãng mạn.
Trước đây, con đường này còn được gọi là đại lộ Carnot và sau cách mạng tháng Tám năm 1945 được đổi thành đường Phan Đình Phùng – tên một nhà chí sĩ yêu nước chống thực dân Pháp (1847 – 1895).
Con phố này có những dãy nhà được xây theo kiến trúc cổ của Pháp đầu thế kỷ 20, có nhà thờ Cửa Bắc cổ kính, và đặc biệt có hai bên vỉa hè rất rộng nhưng không hề ồn ào hàng quán cửa hiệu như các dãy phố đắt đỏ khác tại Hà Nội.
Khi nghe tin gió mùa đang tràn về Hà Nội, mưa phùn đã bắt đầu bủa vây trên những con phố, những đứa bạn tôi phương xa lại nháo nhác hết cả.
Chúng nó gọi đây là mùa gây thương nhớ nhất trong năm, còn tôi, tôi đang nhớ da diết những góc phố mà mỗi khi đi qua đây lại muốn dừng xe lại một chút lặng im và cảm nhận.
Khi gió mùa tràn về, không có nắng vàng, chỉ có gió từng đợt se lạnh đủ run người, những hạt mưa bụi lẩn quẩn trên mặt... Và đây chính là lúc mà tôi cảm nhận rõ nhất một Hà Nội với những nỗi buồn phảng phất rất tự nhiên.
Đường Hoàng Diệu trong tôi, ấy là một con đường rộng rãi vô cùng với hai hàng cây cổ thụ, vỉa hè rộng, và vắng đến độ nếu đi qua đây vào buổi trưa, mình sẽ nghe thật rõ những tiếng lá cây xào xạc bên đường.
Không hiểu sao tôi lại yêu những con đường vắng vẻ đến thế, phải chăng sự yên bình ấy mới là đặc trưng không thể lẫn với bất cứ phố phường nào trên cả nước, mới khiến những người đang bôn ba phải nhớ da diết, rồi nức nở khi hồi tưởng lại.
Phố Hoàng Diệu, một đường phố trong thành nội cũ đi từ Cửa Bắc đến Nguyễn Thái Học. Xưa kia, con đường này chạy dọc theo cạnh phía Tây của khu vực Hoàng cung trong thành Thăng Long đời Nguyễn).
“Hoàng Diệu” là tên một vị quan nổi tiếng yêu nước thương dân dưới triều nhà Nguyễn, tên Hoàng Diệu được đặt cho con đường này từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Đường Hoàng Diệu trong tôi, ấy là một con đường rộng rãi vô cùng với hai hàng cây cổ thụ, vỉa hè rộng
Có lẽ, chỉ khi đi qua con phố này, người ta mới cảm nhận sâu sắc không gian Hà Nội xưa đang trải ra trước mắt. Những ngôi biệt thự xây theo kiến trúc Pháp, đặc biệt, ngôi nhà của đại tướng Võ Nguyên Giáp (số 30 đường Hoàng Diệu) là trung tâm của cụm di tích lịch sử văn hóa, nằm giữa khu phố kiến trúc Pháp điển hình của Hà Nội.
Mọi thứ hòa với những tán cây xà cừ cao lớn, phủ bóng, tạo nên một tổng thể cổ kính, trầm mặc hoàn toàn không lẫn với bất cứ con phố nào khác tại Hà Nội.
Không một âm thanh tạp nham nào, một sự ồn ào náo nhiệt nào chạm được vào con phố Hoàng Diệu này. Chả trách mà khi gió lạnh đã bắt đầu rủ nhau luẩn quẩn níu chân người Hà Nội, những đứa con xa nhà như tôi lại nhớ những chiều tháng 10 vắng vẻ đến như thế.
Những buổi trưa không nắng, mưa bụi ray ray, hai hàng xà cừ bên đường thi thoảng lại rào rào lên trong gió tạo nên những âm thanh chẳng thể bình yên và cổ xưa hơn được nữa.
Không có bề dày lịch sử và đặc trưng về văn hóa như hai con đường cổ kính trên, nhưng con đường ven Hồ Tây lại ghi ấn tượng trong lòng người Hà Nội với vẻ lãng mạn, vắng vẻ đặc trưng của đất Hà Nội khi gần như "ôm trọn" hồ Tây.
Ngày trước, nơi này được giới trẻ ưu ái gọi với cái tên bến Nhật Bản, bến Hàn Quốc, còn nay con đường lãng mạn nhất Hà Nội chính thức mang tên Trịnh Công Sơn.
Được mệnh danh là con đường lãng mạn và đẹp nhất Thủ đô, ôm quanh ven hồ Tây, con đường mang tên Trịnh Công Sơn dài 900m, rộng 9,5–12,5m, kéo dài từ ngã ba, ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ (quận Tây Hồ).
Không có những hàng cây cổ thụ rợp bóng, nơi đây lại đặc biệt hấp dẫn bởi không gian vắng vẻ, yên tĩnh và thơ mộng. Không chỉ đẹp vào những chiều thu, mà ngay cả ngày hè oi ả, đứng ở đây ngắm hoàng hôn sẽ có cảm giác thật rõ ràng rằng con đường mang hơi hướng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: nhỏ nhẹ, lãng mạn và bình yên vô cùng.
Tôi đã thấy không chỉ những đôi yêu nhau, mới hạnh phúc nắm tay ngắm hoàng hôn dần tan, mà còn là những người bình thường có lẽ đã mệt mỏi với cuộc sống xô bồ, ồn ào, hoặc đã chán ngán những đông đúc nơi phồn hoa.
Họ dựng xe, ngồi im lìm lắng nghe tiếng sóng vỗ rất nhẹ, thả tầm mắt vào đường chân trời xa tít mà khi ở trong phố, chẳng kiếm nổi cho mình một khoảng trống.
Tất cả đều khó lòng từ chối một con đường với những góc vắng lặng, tuy khiêm nhường nhỏ bé nhưng lại ôm trọn cả hồ Tây rộng lớn bên cạnh.
Hà Nội tuy không còn rõ ràng 4 mùa như trước, nhưng cứ độ thu về, tháng 10 tới, thì người ta lại cảm nhận sâu sắc hơn tất thảy về nét đẹp cổ kính, phảng phất buồn và sự yên bình nơi đây.
Giống những đứa xa nhà như tôi, cứ trầm ngâm trước một khoảnh khắc giống Hà Nội, giống những con phố của tôi ở mùa thu ấy, mặc dù đang ở chốn xa lắm...