Động lực vượt khó
Cô giáo Nguyễn Thúy Duyên và Nguyễn Thị Dang là 2 trong 200 nhà giáo tiêu biểu được Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tuyên dương, khen thưởng nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2023). Cả hai cô cùng 58 nhà giáo tiêu biểu khác vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền Trung đầy nắng gió, mưa lũ, khi chọn nghề dạy học, cô Nguyễn Thúy Duyên - giáo viên Trường tiểu học thị trấn Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị) ý thức rõ trách nhiệm mà xã hội giao phó.
Cô Duyên luôn tự nhủ phải luôn cố gắng hết lòng vì đàn em thơ với mong muốn các em có một tương lai tươi sáng để góp phần xây dựng quê hương, giúp quê hương thoát khó vượt nghèo. Đó cũng là động lực để cô vượt khó vươn lên và đã đạt được một số thành tích trong quá trình công tác.
Là giáo viên, cô Duyên không chỉ phấn đấu rèn luyện về đạo đức, xứng đáng là tấm gương nhà giáo mẫu mực cho học sinh và đồng nghiệp noi theo, mà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, tận tụy với nghề.
Trong chuyên môn, cô Duyên luôn tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực. Luôn linh động, sáng tạo, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với các đối tượng học sinh nhằm đạt hiệu quả cao trong các giờ học.
Đồng thời lan toả những kinh nghiệm giảng dạy của bản thân đến đồng nghiệp; cùng đồng hành, hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp của mình tiến bộ. “Tôi luôn tiếp thu những đổi mới về phương pháp dạy học nhằm giúp các em tiếp cận những kiến thức, phát triển các phẩm chất và năng lực, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống” – cô Duyên bộc bạch.
Mỗi học sinh là trang giáo án
Cô giáo Nguyễn Thị Dang tự hào là giáo viên 'giáo dục đặc biệt'. |
Là giáo viên Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn (Bình Định), cô Nguyễn Thị Dang tâm sự, từ nhỏ cô đã có ước mơ trở thành giáo viên. “Khi học THPT, có lần tôi đến trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật cùng với người cô. Tôi thấy các bé ở đây thật đáng thương. Các em rất thiệt thòi, khó khăn về mọi mặt” – cô Dang bộc bạch.
Từ đó, cô Dang luôn trăn trở và muốn làm gì đó để giúp đỡ và phát triển tiềm năng cho những em này. Cũng từ đó, cô tìm hiểu và biết được có ngành đào tạo giáo viên dạy cho khuyết tật. Cô quyết định đăng ký xét tuyển vào ngành Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Quy Nhơn để học.
Sau 4 năm học tại trường, tháng 9/2013 cô Dang về công tác tại Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn. “Trẻ em khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi dù được thầy, cô tận tình quan tâm, dạy dỗ” – cô Dang trải lòng và luôn mong những điều tốt đẹp nhất đến với các em.
Theo cô Dang, mỗi trẻ em khuyết tật có tính cách khác nhau. Hầu hết các em ít tập trung đến việc học. Vì thế, mỗi năm nhận lớp cô luôn trăn trở, tìm tòi những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật như: sáng kiến một số biện pháp hỗ trợ kỹ năng tập đọc cho trẻ khó khăn về học; một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học môn kỹ năng xã hội cho học sinh khó khăn về học, hay một số biện pháp tạo hứng thú học toán cho học sinh lớp 2 - Chậm phát triển trí tuệ,…
Áp dụng những sáng kiến này đã giúp các em tự tin, học tập hiệu quả hơn. Các em thích được đi học, gắn bó với trường, lớp hơn, nâng cao khả năng hòa nhập và được phụ huynh rất tin tưởng.
“Tôi rất tự hào vì mình đã chọn nghề giáo và trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt. Tự hào và yêu nghề bao nhiêu, tôi càng trân quý những thầy, cô giáo đi trước, với những đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp Giáo dục; trân quý tình cảm yêu mến, sự tin tưởng mà xã hội dành cho nhà giáo nói chung” – cô Dang chia sẻ.
Ngành Giáo dục đặc biệt đã và đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, cô Dang mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm này; đồng thời có nhiều chương trình, dự án, các lớp tập huấn về chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. Qua đó, giúp cô và đồng nghiệp được học tập, nâng cao năng lực dạy học cho trẻ em khuyết tật.
Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mần non, phổ thông, đến dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập. Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đời sống của nhà giáo với nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa.