Những chuyên gia "ảo thuật" rác thải

Những chuyên gia "ảo thuật" rác thải

(GD&TĐ) - Trái đất chúng ta sinh sống đang ngày càng trĩu nặng vì… rác. Không đứng ngoài nỗi lo dân sinh, teen nhà ta ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tham gia cuộc chiến chống… rác. Hấp dẫn là, chính trong cuộc chiến đó, nhiều teen đã rinh được cơm, được gạo cho mình và giúp bạn bè. Lại còn rinh… cả giải thưởng vinh quang nữa!

Rác xuân nảy… tiền

Chỉ tay vào chậu kiểng mai be bé đã bắt đầu xanh búp, Hòa, lớp 11 (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Rác của xuân đấy. Nhưng… xuân sau nó sẽ là… tiền!”. Biến rác thành tiền, công nghệ của cậu bạn này phát minh từ một thực tế là: sau Tết, phần lớn những cây quất cảnh đều được người chơi vứt bỏ, cho dù giá trị lúc mua về chơi lên đến cả triệu đồng. Các loại cây cảnh chưng sau Tết này, có khi gia chủ phải… trả thêm tiền “bo” cho người gom rác, họ mới chịu… khuân đi khỏi cửa nhà. Để giải quyết vấn nạn rác này, khoảng sau Tết là Hòa và nhóm bạn đi… săn tàn xuân. Trong nhóm bạn, có nhà của Quân có sân thượng khá khá, cả bọn bèn… nhặt tàn xuân về, chăm nuôi. Cũng từ những cây quất bị vứt bỏ, bọn Hòa đã về trồng tái sinh để kiếm tiền… triệu cho mùa Tết năm sau. Các loại rác xuân mà bọn Hòa nhặt là cây mai, cây sống đời, cây quất… Theo Hòa, việc đi nhặt xuân tàn, vừa góp phần giải quyết rác vừa có thu nhập. Mùa Tết rồi, từ nhặt rác và chăm nuôi rác… nhóm Hòa đã kiếm hơn 10 triệu đồng!

Nhóm tác giả “Gạch rác thải”
Nhóm tác giả “Gạch rác thải”

Gạch… rác thải

Những ngày này, nhóm teen Trúc My (SV ĐH Ngoại thương cơ sở 2), Anh Khoa (cựu SV ĐH Kinh tế TP.HCM), Kim Ngân (SV ĐH Griggs, Mỹ), Quỳnh Như (SV ĐH Quốc tế TP.HCM), Mai Thy (lớp 11 trường chuyên Lê Hồng Phong) và Duy Ca (SV ĐH FPT) đang chuẩn bị vật lộn với rác. Các bạn tích cực làm để ra những viên gạch được sản xuất từ rác thải sinh hoạt… tham dự vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp trẻ quốc tế tại Mỹ và Singapore vào khoảng tháng 4.2012. Vừa qua, với ý tưởng “Tái chế rác thải sinh hoạt (có từ hộ gia đình) đã qua xử lý để sản xuất vật liệu xây dựng” này, nhóm đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Thắp sáng 2011” (do Viet Young Entrepreneurs kết hợp với Quỹ đầu tư công nghệ ĐH Stanford - Mỹ tổ chức). Cách thực hiện “gạch rác thải” khá đơn giản: Phân loại rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình sau khi đã thu gom. Sau đó thực hiện những quy trình như: đưa nguyên liệu là rác vô cơ cỡ khoảng 3 mm đến 3 cm vào máy ép, phối hợp cùng xi măng, cát, đá dăm, đồng thời có sự hỗ trợ của chất kết dính… để có thể biến rác thải trở thành những viên gạch dù không trải qua giai đoạn nung. “Gạch rác thải” này sau khi ra đời sẽ là sản phẩm sinh thái, có 3 dạng là hình dích dắc, hình lục giác và ba cạnh. Gạch có trọng lượng nhẹ, độ chịu lực cao hơn tiêu chuẩn của nhà nước rất nhiều (70-125 dN/cm2, trong khi nhà nước chỉ yêu cầu 36dN/cm2). Màu sắc và kích thước có thể thay đổi tùy theo ý thích của người tiêu dùng và được bán với giá thành rẻ hơn những loại gạch đang có trên thị trường. Khi dự án này trở thành hiện thực sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm rác thải và chi phí xử lý rác cho nhà nước; giảm thải ô nhiễm. Ngoài ra, còn tận dụng được một lượng tài nguyên lớn, không gây lãng phí, có thể xây dựng các công trình xanh thân thiện với môi trường.

Robot quét rác

Cũng rinh giải lớn từ… rác là sáng tạo của bạn Nguyễn Ngọc Sơn, lớp 11A1, trường THPT Thạch Thất - Hà Nội. Tại cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ 7” bạn đã rinh giải ba cuộc thi từ một sáng tạo gợi ý từ rác. Đó là “Rô-bốt quét rác bảo vệ môi trường”. Nói về ý tưởng làm sản phẩm này, Sơn cho biết: Trong một buổi chào cờ, cô giáo phát động cuộc thi. Bất giác nhìn ra sân trường, mình thấy cô lao công đang quét rác vô cùng vất vả, vì cô quét được một quãng thì gió lại thổi bay lá ngược trở lại… Câu hỏi xuất hiện trong đầu mình, đó là: “Làm thế nào để các cô lao công giảm sự khó nhọc?” Ơ-rê-ca! Ý tưởng làm rô-bốt quét rác ra đời từ giây phút đó. Mình chọn chủ đề môi trường cũng bởi theo dõi trên truyền hình thấy tình trạng ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên từng ngày..., hàng loạt vấn đề đang đặt ra thách thức cho loài người. Là một công dân Trái Đất nên mình chọn sản phẩm “Rô-bốt quét rác bảo vệ môi trường”. Sản phẩm được sáng tạo và lắp ráp theo tiêu chí hết sức “green”, từ việc tận dụng những đồ chơi đã cũ, thậm chí là hỏng và bỏ đi, những linh kiện không dùng đến trong nhà và của đám bạn, mình tận dụng hết.

Nguyễn Ngọc Sơn, tác giả robot quét rác
Nguyễn Ngọc Sơn, tác giả robot quét rác
Robot quét rác
Robot quét rác

Máy dọn rác trên… nước

Với mong muốn giúp đỡ các cô chú công nhân vệ sinh đỡ vất vả trong việc thu gom rác thải trên các ao hồ, sông nước, Đào Vạn Quang, học sinh lớp 11/17 Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) đã sáng tạo mô hình máy dọn rác thải trên nước. Mô hình này đã đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ VII năm 2010 – 2011 do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức. Mô hình “máy dọn rác thải trên nước” là một máy được đi kèm với một remote điều khiển từ xa với các nút dùng để khởi động, điều khiển và dừng theo ý muốn của con người. Máy hoạt động dựa theo nguyên lí tạo lực hút li tâm để đưa nước và rác vào trong khoang chứa nhờ hệ thống xoắn ốc, từ đó rác sẽ được giữ lại ở khoang chứa, đồng thời nước được đẩy ra sau thân máy. Công trình “Máy dọn rác thải trên mặt nước” hướng đến việc vệ sinh ao hồ, sông suối nhằm thu gom rác thải đô thị, đó là rác thải phát sinh từ các khu dân cư (rác thải sinh hoạt), từ các trung tâm thương mại, công sở, trường học, công trình công cộng, hoạt động công nghiệp, từ các đường ống thoát nước của thành phố… Ngoài ra, “Máy dọn rác thải trên nước” còn có công dụng cứu hộ khi có người bị tai nạn ở những vùng nước sâu, nước xoáy trên ao, hồ, sông vì kích thước của máy khá lớn, thậm chí lớn hơn kích thước cơ thể của một người trưởng thành. Máy còn có thể hoạt động tốt ở biển. Nói về ý tưởng làm ra sáng chế này, Quang cho biết: “Từ nhỏ do gia đình sống gần bờ hồ nên ngày nào mình cũng chứng kiến cảnh người dân vứt rác bừa bãi, gây khó khăn rất nhiều cho mấy cô chú dọn vệ sinh. Từ đó, trong suy nghĩ mình luôn nung nấu ý tưởng sáng tạo một chiếc máy quét rác có thể tự động thu gom rác trên mặt nước nhằm giúp cô chú đỡ vất vả hơn”.

ích cực tìm cách giải quyết vấn nạn rác, teen sẽ thu lại nhiều lợi ích hấp dẫn khác nữa cho mình và cộng đồng. Thật đấy. Chỉ cần bạn có tâm và một chút ý tứ sáng tạo. Và nhớ, hãy tham gia thật nhiều các ngày hội tái chế rác thải để tìm cảm hứng và người cùng chí hướng nhé.

Hoa Cát

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ