Đánh cược tính mạng với hà bá
Chúng tôi đến bến đò bản Cốc vào một buổi sáng. Những người dân đang tất bật chuẩn lên đò. Chúng tôi cũng theo chân họ qua sông Mã trên chiếc đò nhỏ được đóng bằng tôn (dài khoảng 5 m, rộng hơn 1 m) để vào bản Cốc (xã Hồi Xuân).
Đang vào mùa mưa lũ, con sông như trở nên hung dữ hơn. Chiếc thuyền chở chúng tôi tròng trành nhỏ bé giữa dòng nước dữ. Ngồi trên thuyền, chúng tôi như nín thở vì lo sợ. Những người dân địa phương dù ngày nào cũng qua sông nhưng vẫn không khỏi hồi hộp khi con thuyền chông chênh ở giữa dòng.
Một người dân tâm sự: Đoạn sông Mã ở đây rộng gần 200 m, vào mùa khô sông ít nước đi qua đò đỡ sợ hơn. Nhưng vào những ngày mưa lũ, nước lớn lại chảy xiết, người dân đi đò qua sông như đang đánh cược tính mạng mình.
Thế nhưng, vì công việc không thể không qua đò được, bởi ngoài đi qua sông, không còn con đường nào khác để chúng tôi tới trung tâm xã.
Ông Hà Văn Đinh - Người được bản cử ra điều khiển con đò đưa đón người dân bản Cốc qua sông Mã - cho biết: Trước kia, phương tiện qua sông chỉ là con thuyền độc mộc do bà con trong bản góp gỗ đóng thuyền. Do con thuyền đã cũ nát, gần đây bà con đã đóng góp tiền để mua con thuyền bằng tôn.
Tuy nhiên, để con thuyền qua sông, bà con đã căng sợi dây thừng từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia, hai đầu dây thừng được cột vào gốc cây, rồi dùng một sợi dây thừng khác nối con thuyền với dây thừng căng ngang qua sông.
Mỗi khi di chuyển đò qua sông, người điều khiển cầm sợi dây kéo trượt đi, trượt lại. Những người đàn ông trong bản thay phiên nhau ra bến điều khiển con đò ngang, đưa đón bà con, thầy cô giáo, các em học sinh qua sông Mã miễn phí.
Để những chuyến đò qua sông an toàn
Người đưa đò qua sông lấy sợi dây thừng được cột từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia để làm điểm tựa di chuyển con đò. Ảnh: Nguyễn Quỳnh. |
Bản Cốc có 118 hộ với 587 nhân khẩu nằm bên phía hữu sông Mã. Hằng ngày có hàng trăm lượt người dân, học sinh phải đi đò qua sông với nguy hiểm luôn rình rập.
Tính mạng của trăm người dân, các em học sinh treo lơ lửng trên sợi dây thừng mong manh giữa dòng sông có thể đứt, hoặc tuột dây bất cứ lúc nào. Tại bản Vui, người dân cũng phải qua sông bằng những chuyến đò tương tự như vậy.
Ông Phạm Anh Toàn- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa - cho biết thêm: Hiện nay, có 4 giáo viên dạy trong bản Cốc, hằng ngày phải gửi xe máy bên tả sông Mã đi đò qua sông tới khu lẻ để dạy học.
Số học sinh THCS hằng tuần phải đi qua sông sang trung tâm xã để học ở bản Cốc và bản Vui có 54 em. (Trong đó, bản Cốc có 32 em, bản Vui có 22 em) và có 4 học sinh tiểu học ở bản Vui hằng ngày phải qua đò sang bản Thu Đông để học.
Qua sông Mã là đường duy nhất để người dân hai bản Cốc và bản Vui đến trung tâm xã. Tuy nhiên, các học sinh đi học qua sông đều đã được trang bị áo phao để đảm bảo an toàn.
Thực tế quan sát tại bến đò bản Cốc đều có áo phao cứu sinh của xã, huyện cấp. Tuy nhiên, hầu hết người dân địa phương mỗi khi qua sông Mã trên đò ngang đều không mặc áo phao.
Trong khi đó, những người điều khiển đò ở đây làm việc với tinh thần tự nguyện, chưa được tập huấn, hoặc chưa có chứng chỉ về điều khiển phương tiện ngang sông.
Ông Hà Văn Hinh - Trưởng bản Cốc - tâm sự: Bà con trong bản rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ cho bản con thuyền phù hợp với địa hình tại địa phương hoặc đầu tư kinh phí xây dựng hai trụ bê tông ở hai bên bờ sông Mã, lắp đặt dây cáp bằng thép ngang sông nối với hai đầu trụ bê tông, có hệ thống ròng rọc chạy trên dây cáp kết nối với dây buộc với con đò, thì qua sông sẽ được an toàn hơn.