Nhưng những đứa trẻ mất cha, mất mẹ là vẫn còn ngơ ngác. Nhiều em có nguy cơ phải bỏ học. Những chuyến đi tìm thành viên mới của ngôi trường đặc biệt vì vậy phải nhanh hơn…
Hành trình đón F3
Anh Hoàng Quốc Quyền – Giám đốc dự án Hope School vừa kết thúc chuyến đi phía Nam, đến từng gia đình có trẻ mồ côi thuyết phục người thân gửi con em mình vào trường sinh sống, học tập. Những con hẻm ngoằn ngoèo, sâu hun hút ở TPHCM, những ngôi nhà mà con đường vào nhà bị che khuất hai bên là ruộng lúa ở Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau… là nơi đoàn đặt chân đến.
Anh Quyền kể rằng, trong hành trình tìm F1, F2 trước đây của Trường Hy vọng, thì việc thuyết phục người thân để các cháu về trường có phần dễ hơn, ít quyến luyến hơn. Thế nhưng, câu chuyện về những học sinh mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong đợt thứ 3 sắp tới cũng nặng trĩu những niềm thương và cả sự xót xa.
Như câu chuyện của hai chị em mồ côi, yêu thương, bao bọc nhau hơn một năm qua dưới chái nhà nhỏ của xứ dừa Bến Tre. Chị lớn thay mẹ chăm em, ru em ngủ mỗi lúc em ốm. Khi anh Quyền cùng cán bộ chi đoàn xã đến nhà, em kể về mẹ mình, về những ngày đã qua với hai chị em đầy khó nhọc bởi nỗi nhớ, bởi thiếu bàn tay của mẹ và cả những thói quen hàng ngày mà các em đã mất đi. Em chỉ mong muốn thật khỏe và hai chị em tiếp tục được đi học. Cậu em cứ bám chặt lấy cô chị, sợ như chị đi mất, sợ phải xa nơi quen thuộc và sợ phải xa hình ảnh của mẹ…
Chỉ tính riêng TPHCM, làn sóng Covid-19 quét qua đã khiến hơn 1.500 học sinh mất cha, mẹ. Có những em còn mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đằng sau con số khô khan ấy là nỗi đau rất lớn của từng em nhỏ. Theo các chuyên gia tâm lý, những trẻ em mồ côi bởi Covid-19 cũng là một đại dịch “ẩn”. Các em sẽ phải trải qua những khủng hoảng tâm lý sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn. Những chông chênh trong đời sống tinh thần, những khó khăn về vật chất khi không còn nơi nương tựa…
Nhiều cơ quan đoàn thể đã vào cuộc để giúp đỡ nhóm trẻ yếu thế này ổn định cuộc sống. Ngoài những trợ giúp trước mắt như hỗ trợ nhu yếu phẩm, sách vở, các địa phương đã tính đến đường dài trong xây dựng chính sách hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi cha, mẹ do ảnh hưởng của đại dịch. Phong trào mẹ đỡ đầu cho trẻ mồ côi vì Covid-19 do Hội Liên hiệp Phụ nữ đảm nhận, Em nuôi của Đoàn… Có nhiều địa phương, có sự chung tay của nhiều tổ chức, đoàn thể và chính quyền…
Thế nhưng, những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi thì cần nhiều hơn thế. Anh Quyền kể rằng, trong hành trình Hy vọng lần thứ 3 này, nhóm đã ghi nhận không biết bao câu chuyện: Em thì đã nghỉ học; Em thì về quê với ngoại, nội; Em thì không chịu ở với người mới của bố, mẹ; Em thì về quê bị bạo hành….
Còn các cô chú, ông bà, thân nhân các em, sau nhiều tháng dốc sức chăm lo hay thậm chí đưa về ở mỗi nhà vài tháng thì nay cũng thấy mệt mỏi… Vì vậy, những F3 của Trường nội trú Hy vọng, theo như anh Quyền, sẽ nhiều điều phải bận lòng hơn những học sinh về trường trong 2 đợt đầu. Và nếu không nhanh, thì rất nhiều em sẽ phải dở dang đường học.
Anh Hoàng Quốc Quyền trò chuyện cùng với bố của 3 em học sinh về kế hoạch đón các em vào Trường nội trú Hy vọng (Đà Nẵng) sau Tết Nguyên đán 2023. |
Thêm niềm hy vọng
Trong căn phòng chưa đầy 10m2 ở một con hẻm sâu của TPHCM là chỗ tá túc hơn 10 năm nay của một gia đình 5 người. Nhưng nay chỉ còn lại người đàn ông và 3 đứa con lớn sinh sống. Khi dịch Covid-19 đến, cả nhà anh ở nguyên trong căn phòng đó. Lúc đó, người vợ mang bầu em bé thứ 4 được 34 tuần. Sau khi phong tỏa cứng, cả 2 vợ chồng anh đều bị nhiễm Covid. Vì đang mang bầu nên vợ anh được chuyển đến bệnh viện để điều trị.
Một tuần sau thì chị trở nặng. Bác sĩ gọi cho anh, lúc này anh cũng đã qua được cơn nguy kịch và thở được bình thường. Các bác sĩ đã bàn với anh phương án mổ bắt con để cứu cả mẹ và con. Vì chị cần thở, cần phải vượt qua. Em bé được sinh ra khi 34 tuần và không nhiễm Covid. Rồi anh nghĩ mọi điều sẽ bình yên và yên ổn với gia đình anh. Nhưng chị trở nặng và đã ra đi mãi mãi. Chị chưa kịp nhìn mặt em bé, chưa kịp ôm con vào lòng một lần, chưa kịp nói với anh và các con một lời nào.
Anh Quyền kể rằng, câu chuyện giữa những người đến từ Trường Hy vọng với người chủ gia đình đến đây thì rơi vào im lặng. Người đàn ông lặng lẽ khóc. Anh bảo đã một năm mà anh vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường. Dù 4 đứa con của anh vẫn đang tuổi ăn tuổi học. Anh đã gửi đứa nhỏ nhất về bà ngoại trên Gia Lai chăm sóc. Anh bảo nhớ nó lắm, nó thiệt thòi. Nhưng nó có ngoại cũng đỡ hơn nhiều rồi.
“Covid đến mang đi sạch luôn, mang đi hết luôn và giờ mấy bố con tui trở về con số không rồi. Tui mất vợ, không việc làm, không còn tiền tiết kiệm, tụi nhỏ không còn mẹ…”, nói đến đây, người đàn ông lại im lặng khóc.
3 đứa con của anh sắp tới sẽ được đón vào ở nội trú tại Trường Hy vọng, cùng ăn ở, sinh hoạt, học tập với 200 học sinh đã chuyển về từ hơn một năm qua.
Cô bé học lớp 4 đang sinh sống tại một gia đình nằm sâu trong nhiều kiệt hẻm ngoằn ngoèo của con đường Khánh Hội ở TPHCM cũng sẽ gia nhập ngôi nhà Hy vọng sau Tết Nguyên đán 2023. Khi mẹ, bố, bà, cậu, ông… đều bị mất vì nhiễm Covid-19 vào năm 2021, em chỉ còn lại một mình khi đang học lớp 3. Đại dịch đi qua, trở lại cuộc sống bình thường là những tháng ngày em phải chuyển chỗ ở vòng quanh nhà những người họ hàng và luôn kèm theo câu “mỗi người chịu vài tháng để giúp con bé”.
Rồi cứ vòng quanh như vậy cũng hết được 1 năm. “Tôi nhìn vào tập giấy chứng tử những người thân của cô học trò mà không dám tin vào mắt mình và tôi cũng chẳng dám đếm số lượng của tập giấy đó. Nhưng liên kết lại thì tôi biết nó là 10 tờ của 10 người thân của cô học trò bé xíu xíu đó”, anh Quyền kể.
Anh Hoàng Quốc Quyền (đứng giữa, hàng sau) cùng những học sinh Trường Hy vọng trong một hoạt động ngoại khóa. |
Xanh lại những chồi non
Trong những ngày rộn ràng chuẩn bị cho năm học mới 2022 – 2023, Nguyễn Thiện Minh, học sinh lớp 9, Trường Hy vọng nhớ mẹ hơn bao giờ hết. Minh tin rằng, ở trên trời cao, mẹ vẫn dõi theo từng vui buồn trong cuộc sống của em. “Hôm nay, con sẽ bắt đầu một năm học mới, ở một ngôi trường mới, cũng là năm đầu tiên không có mẹ ở bên cùng con đến trường… Những ngày rộn ràng chuẩn bị làm con nhớ lại năm lớp 1, mẹ đèo con đến trường, dắt tay đến tận cổng. Sau này, tuy mẹ bận rộn, thường xuyên phải xa nhà nhưng con vẫn vui, vì con biết lúc nào mẹ cũng luôn ở bên”.
Gửi mẹ ở nơi xa kia, Minh kể rằng, ở Trường Hy vọng, em không một mình. “Con rất hạnh phúc và cảm nhận được những tình yêu thương đến từ thầy cô, bạn bè và nhiều anh chị em cùng ở trường. Con cảm thấy mình luôn được bao bọc, chở che, như những ngày còn có mẹ. Con được học những điều hay, lẽ phải từ thầy cô. Con thấy ấm áp khi được các bạn giúp đỡ, tâm sự với con mỗi lúc con buồn. “Mẹ ơi, con vẫn đang vui và hạnh phúc. Mặc dù nhiều lúc nhớ mẹ, những lúc khó khăn, mệt mỏi nhưng con chưa từng bỏ cuộc. Con vẫn luôn mạnh mẽ, luôn cố gắng, như những điều mẹ đã dạy con”.
Mẹ Thiện Minh mất vì nhiễm Covid-19 khi đang mang bầu lần thứ ba. Sinh em Phú được 8 ngày thì mẹ mất. Em Phú bị sinh non, đang ở với bà ngoại. Minh và em trai Thanh Tùng được đón vào Trường Hy vọng. Minh nuôi ước mơ trở thành bác sĩ nên đang nỗ lực luyện thi IELTS để có cơ hội được học tập ở nước ngoài như mẹ. “Mẹ con đã từng sống ở Australia và Hàn Quốc. Khi còn sống mẹ con đã kể cho con nghe về những chuyến đi của mẹ và mẹ hứa sẽ đồng hành bên con” – Minh kể.
Sau gần một năm, qua 2 đợt đón học sinh, Trường Hy vọng trở thành nơi sinh sống, học tập của 200 em đến từ 41 tỉnh, thành khắp cả nước. Sau Tết Nguyên đán 2023, trường sẽ tiếp tục đón nhận khoảng 100 em học sinh ở cả 3 bậc học. Những mầm xanh sẽ được tiếp thêm mạch nguồn của hy vọng, yêu thương và tri thức, để vững bước vào đời. Những học trò của Hope đã biến những thanh niên đầy nhiệt huyết thành những người mẹ, người cha của mình ở ngôi trường Hy vọng.
Những thanh niên 26, 27 tuổi bỗng một ngày có rất nhiều con, từ khắp mọi vùng miền, nhiều giọng điệu, nhiều âm thanh, nhiều ngôn từ, nhiều tính cách, nhiều lứa tuổi và muôn màu của cuộc sống chúng đem đến. Có những người cha lạnh lùng cùng chúng đi qua mọi khó khăn, tủi hờn và cả những quy định nghiêm khắc. Có những người cha đi qua cùng chúng bằng dạt dào yêu thương, vui thì vui cùng, buồn cũng buồn cùng và khóc cũng khóc cùng và cả những cảm xúc của tuổi ẩm ẩm ương ương, sáng nắng chiều mưa, trưa thì cười tít mắt.
Có những người mẹ chúng cần mỗi chiều về cho chúng được ôm, được hít hít cái mùi mồ hôi sau cả ngày làm việc, hay là một chút mùi thơm của nước hoa còn sót lại sau mỗi buổi chiều. Có những người mẹ chúng cần mỗi cuối tuần với những câu chuyện, với những bài học, với những tiếng cười và cả những bài toán khó giải cùng chúng. Có những cô chúng lại muốn là chị để lắng nghe chúng mọi điều, để chúng chia sẻ, để chúng nhờ xin này, xin kia mỗi khi vi phạm hay bị kỷ luật.
Mỗi thầy, mỗi cô hay chị, hay anh đều là những người đồng hành, bầu bạn. Thầy, cô cùng mỗi Hoper vượt qua thời gian để ghi thêm những điều thú vị. “Các em ở trường Hy vọng không chỉ cần chữ, mà còn cần tình thương và hơi ấm gia đình. Các thầy cô ở đây đang nhẫn nại, nỗ lực từng ngày để cùng đồng hành trong vai trò làm bà, làm cha mẹ, anh chị và cả bạn bè để chia sẻ, bù đắp cho các em” – anh Quyền chia sẻ.
Thế nên, nhà trường vẫn rất cần kết nối yêu thương từ những tình nguyện viên ở khắp mọi miền và cả từ những người Đà Nẵng, sự hỗ trợ chung tay của các doanh nghiệp, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… của địa phương để đi đường dài. Nói như anh Hoàng Quốc Quyền, Hope rất cần sự chung tay thật sự, cần một sự kiên trì bền bỉ, đi dài, đi lâu, đi xa với Hy vọng…
Ngày 16/9/2021, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19. Trường Tiểu học, THCS và THPT Hy vọng được thành lập, đặt tại TP Đà Nẵng với mong muốn chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em.