Những chuyến đi đong đầy kỷ niệm

GD&TĐ - Với tôi, làm báo hạnh phúc nhất là được đi. Đi để trải nghiệm, để lắng nghe, để thấu hiểu và sẻ chia những khó khăn, vất vả mà thầy, trò ở những vùng khó đang gặp phải.

Đầy ắp kỷ niệm từ một chuyến đi
Đầy ắp kỷ niệm từ một chuyến đi

Một ngày đầu năm, mưa xuân loang loáng trên đường. Những cơn gió lạnh tràn về không ngớt. Ngày ấy, tôi đến các điểm trường của xã Thanh Kim (Sa Pa, Lào Cai) – một địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao để viết bài về những khó khăn trong công tác giáo dục của địa phương.

Hòa vào một nhóm học sinh đang ngồi co ro vì giá lạnh, trong câu nói lí nhí không rõ lời và phả ra đầy hơi khói của một em học sinh dân tộc Mông, tôi loáng thoáng nghe được tiếng em hỏi: Chú lạnh lắm à?

- Ừ! Chú đang rét run lên đây này. Các cháu không thấy lạnh sao? – Tôi đáp lại.

Không ai nói với ai câu nào, chúng nhìn nhau rồi bẽn lẽn phóng tầm mắt về xa xăm. Bỗng tôi thấy mình chột dạ. Tại sao mình lại có thể vô tư đến thế. Không nghe thấy hai hàm răng của các em đang chạm vào nhau kêu lách cách hay sao mà còn hỏi. Mình thật vô tâm!

- À, lúc mới đến chú chưa quen thời tiết nên thấy lạnh. Giờ ngồi cùng các cháu nên cũng ấm nhiều rồi - Nói rồi tôi rút đôi găng tay của mình đang đeo cho em bé nhất trong nhóm. Tay em đã nứt nẻ và thâm tím vì giá rét.

- Tặng cháu này! – Tôi nói.

Em bé rụt rè cầm đôi găng tay. Đúng là trẻ con, vừa cầm đôi găng tay thì cả nhóm đứa nào đứa nấy đều tranh nhau và nhao nhao tới em bé: cho anh, cho chị mượn một lúc xem có ấm không nào! Xong rồi cả lũ lại nô đùa, chạy nhảy đuổi bắt lẫn nhau giữa sân trường. 

Tôi đứng lặng nhìn các em mà lòng trĩu nặng: Giá như bây giờ mình có hàng trăm đôi tất, đôi găng tay để tặng cho các em nhỉ! Thương quá các em của tôi ơi!

Sau đó tôi có chuyến đi tới các thôn, bản của hai xã Lóng Sập và Chiềng Khừa (Mộc Châu,Sơn La) để tặng quà cho các em học sinh.

Từ trung tâm thị trấn Mộc Châu, xe chúng tôi khởi hành lúc 6 giờ sáng. Vậy mà phải gần 12 giờ mới tới các điểm trường bởi đường sá đi lại khó khăn. Trên đoạn đường chừng 20 km ấy có chỗ thì ngoằn  ngoèo, khúc khuỷu như rắn lượn, có chỗ thì dựng đứng theo các triền núi cao ngất trời.

Thật không may chút nào, khi cả đoàn đang chuyện trò rôm rả về nơi mà mình sẽ đến thì chiếc xe bỗng bị sa lầy. Cả đoàn phải xuống để cùng nhau đùn đẩy. 

Vậy mà chiếc xe vẫn ì ạch tại chỗ. Mấy thầy giáo của Trường THCS Chiềng Khừa và dân bản đã mang cả dây thừng, cọc tre ra trợ giúp. Sau hơn 1 tiếng, chiếc xe mới “thoát nạn” nhờ vào những người dân tốt bụng.

Đến nơi, đem câu chuyện chiếc xe bị gặp nạn trên đường kể với các thầy cô giáo của Chiềng Khừa mới hay, đường đi bây giờ còn khá hơn trước rất nhiều. Hàng tháng các thầy cô mới sum họp gia đình là chuyện thường tình. 

Trong câu chuyện với những giáo viên nơi đây, tôi nhận thấy ở họ dường như những khó khăn đó không làm họ chùn bước. Họ vẫn đến với những lớp học của những bản làng xa xôi để đem con chữ về cho con em vùng dân tộc. Họ vẫn bám trường, bám lớp, cống hiến một cách vô tư, đầy trách nhiệm cho sự nghiệp “trồng người”.

Với riêng tôi, sau chuyến đi ấy đã có đầy ắp những tư liệu để viết bài về đời sống giáo dục vùng biên và tất nhiên không quên viết riêng một bài “Đường đến Chiềng Khừa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ