Những chính sách mới nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2022

GD&TĐ - Tháng 2/2022, nhiều chính sách nổi bật về lao động, bảo hiểm, khám chữa bệnh sẽ chính thức có hiệu lực.

Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH theo Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 20/2/2022.
Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH theo Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 20/2/2022.

Bổ sung chức danh di sản viên hạng I, lương hơn 11 triệu đồng/tháng

Ngày 5/2/2022, Thông tư 16/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành di sản văn hóa sẽ có hiệu lực. Trong đó, Thông tư mới này có bổ sung thêm chức danh: Di sản viên hạng I.

Trước đây, Thông tư liên tịch 09/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Bộ Nội vụ mới chỉ ghi nhận 3 hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa bao gồm: Di sản viên hạng II; Di sản viên hạng III; Di sản viên hạng IV.

Theo quy định mới, hệ số lương của di sản viên hạng II, III, IV vẫn giữ nguyên như trước đó, còn chức danh di sản viên hạng I được hưởng hệ số lương từ 5,75 - 7,55.

Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn thực hiện theo Nghị định 38/2019 của Chính phủ là 1,49 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương cao nhất mà di sản viên hạng I được nhận là 1,49 triệu đồng/tháng x 7,55 = 11.249.500 đồng/tháng.

Tăng mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

Có hiệu lực từ ngày 21/2/2022, Quyết định 40/2021/QĐ-TTg tăng mức hỗ trợ cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, đơn cử như:

Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài.

Mức hỗ trợ: từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/trường hợp. (Hiện nay, theo Quyết định 144/2007/QĐ-TTg , mức hỗ trợ là 5.000.000 đồng/trường hợp)

Hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Mức hỗ trợ: 40.000.000 đồng/trường hợp.

Hướng dẫn mới về chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng trong khám chữa bệnh

Tháng 2 sắp tới cũng là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 35/2021/TT-BYT sửa đổi bổ sung Thông tư 30/2020/TT-BYT.

Theo đó, từ ngày 15/2/2022, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT, quỹ BHYT sẽ thanh toán dịch vụ cận lâm sàng không thuộc danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được phê duyệt cho cơ sở khám chữa bệnh nhưng thực tế cần thiết cho các hoạt động chuyên môn đối với một số bệnh truyền nhiễm, gồm: Lao, viêm gan B, viêm gan C, HIV/AIDS, SARS-CoV-2, sốt xuất huyết.

Quy định này được áp dụng với các trường hợp khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú từ tuyến huyện trở lên, đồng thời phải thuộc các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm được ghi nhận tại Phụ lục của Thông tư 35.

Người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh BHYT có trách nhiệm lập danh sách các dịch vụ cận lâm sàng cần chuyển và gửi đến cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT để biết và ký bổ sung phụ lục hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trước khi thực hiện.

Điều chỉnh quy định về chuyển tuyến khám chữa bệnh đối với bệnh nhân lao

Cũng trong ngày 15/2/2022, Thông tư 36/2021/TT-BYT sẽ chính thức thay thế Thông tư số 04/2016/TT-BYT quy định về khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT liên quan đến bệnh lao. Theo đó, từ ngày 15/2, người mắc bệnh lao kháng thuốc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện được chuyển lên tất cả các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương, bao gồm:

Cơ sở khám chữa bệnh: Bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện chuyên khoa, Viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế có Phòng khám đa khoa; bệnh viện Hữu Nghị, bệnh viện C Đà Nẵng và bệnh viện Thống Nhất trực thuộc Bộ Y tế; bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Y học cổ truyền Quân đội, các cơ sở khám chữa bệnh khác thuộc Bộ Quốc phòng.

Các bệnh viện, viện chuyên khoa có giường bệnh thuộc Bộ Y tế.

Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH

Mỗi năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều có mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội. Đây là hệ số giúp bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau, vì thế, còn được gọi là hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội. Theo Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 20/2/2022, hệ số trượt giá năm nay có sự tăng nhẹ. Cụ thể:

Giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995: Tăng 0,09.

Giai đoạn đóng BHXH năm 1995: Tăng 0,08.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 1996 - 1999: Tăng 0,07.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2000 - 2003: Tăng 0,06.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2004 - 2007: Tăng 0,05.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2008 - 2009: Tăng 0,04. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2010 - 2013: Tăng 0,03.

Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 - 2020: Tăng 0,02.  

Hệ số trượt giá BHXH năm 2022 “nhích nhẹ” so với năm 2021 khiến mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng. Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng tăng theo, trong đó có tiền bảo hiểm xã hội 1 lần, tiền lương hưu hằng tháng, tiền trợ cấp tuất một lần…

Tăng thời gian làm thêm giờ cho lao động thời vụ

Thông tư 18 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 chính thức tăng thời gian làm thêm cho người lao động làm công việc sản xuất có tính chất thời vụ, gia công theo đơn đặt hàng.

Theo đó, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của người lao động không quá 72 giờ (trong khi trước đây là không quá 64 giờ); tổng số giờ làm thêm trong một tháng là không quá 40 giờ (thay cho quy định không quá 32 giờ).

Đặc biệt, kể từ ngày 1/2/2022, khi đi làm thêm vào các ngày lễ, tết, người lao động làm công việc thời vụ cũng sẽ không còn được nghỉ bù như quy định trước đây, mà chỉ được tính hưởng lương làm thêm giờ cho ngày làm việc đó.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng

Theo Nghị định 131 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, những người có công với cách mạng như thương binh, bệnh binh… sẽ được hỗ trợ về nhà ở bằng các hình thức:

Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất); Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng.

Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng.

Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Các trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ

Có hiệu lực từ ngày 1/2/2022, Thông tư 21 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tương đối chi tiết về khoản tiền dịch vụ mà người đi xuất khẩu lao động phải nộp khi sang làm việc tại một số thị trường lao động. Theo đó, có 4 trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:

Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).

Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

Sang Malaysia làm giúp việc gia đình và sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

Quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử

Vừa qua, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chính thức về việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử tại Thông tư 27, trong đó đặt ra lộ trình cụ thể cho việc áp dụng hình thức kê đơn thuốc mới này như sau:

Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 1/12/2022.

Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.

Thông tư này cũng quy định, các bệnh viện, phòng khám phải có tránh nhiệm gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú.

Gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử.

Đồng thời, tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện.

Cán bộ chỉ được trở lại vị trí công tác khi có kết luận không tham nhũng

Nghị định 134 của Chính phủ hiệu lực từ ngày 15/2/2022 có một số quy định mới liên quan đến hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Với Nghị định 134, Chính phủ quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Cho dù hết thời gian tạm đình chỉ, tạm chuyển công tác mà chưa có kết luận là không tham nhũng thì cũng vẫn không được trở lại vị trí công tác cũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ