Sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp THPT
Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp THPT có hiệu lực thi hành từ ngày 3/5/2019. Theo Thông tư này, những nội dung của Quy chế thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp THPT được sửa đổi, bổ sung liên quan đến nội dung thi; Ban Thư ký Hội đồng thi; Ban Làm phách; sắp xếp thí sinh dự thi; quy trình ra đề thi; bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi; chấm bài thi trắc nghiệm; điểm ưu tiên, điểm khuyến khích...
Một số thay đổi đáng chú ý là thí sinh tự do, thí sinh học chương trình GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số điểm thi do giám đốc Sở GD&ĐT quyết định. Tăng cường các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho đề thi, bài thi. Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH, CĐ chủ trì tổ chức chấm thi trắc nghiệm tại các Hội đồng thi. Tăng tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia trong xét tốt nghiệp THPT; theo đó, tỷ lệ điểm thi là 70%, tỷ lệ điểm trung bình cả năm lớp 12 là 30%.
Về điểm ưu tiên, điểm khuyến khích, theo Thông tư sửa đổi, bổ sung, học sinh giáo dục THPT, học viên GDTX có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở GD&ĐT, các cơ sở GD-ĐT và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học THPT thì được cộng điểm khuyến khích. Cụ thể, thí sinh được cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi với bằng trung cấp; cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp; cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.
Ảnh minh họa |
Quy định quy tắc ứng xử trong trường học
Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên có hiệu lực thi hành từ ngày 28/5/2019. Thông tư này quy định cụ thể nguyên tắc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục; quy định ứng xử của CBQL cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên; ứng xử của người học; ứng xử của cha mẹ người học và ứng xử của khách đến cơ sở giáo dục.
Căn cứ vào quy định của Thông tư, thủ trưởng cơ sở giáo dục quy định cụ thể Bộ Quy tắc ứng xử để thực hiện trong cơ sở giáo dục. Công khai Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục; thường xuyên tuyên truyền, quán triệt nội dung của bộ Quy tắc ứng xử trong CBQL, giáo viên, nhân viên, người học và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tổ chức thực hiện, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử với cấp quản lý trực tiếp theo định kỳ mỗi năm học. Thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể trong triển khai Bộ Quy tắc ứng xử theo quy định...
Quy chế tổ chức hoạt động Hội đồng chức danh giáo sư các cấp
Thông tư 04/2019/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/5/2019.
Quy chế quy định về nguyên tắc làm việc của các Hội đồng Giáo sư; tiêu chuẩn thành viên của các Hội đồng Giáo sư; thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư ngành; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư cơ sở.
Theo Quy chế, thành viên các Hội đồng Giáo sư là giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng ở các cơ sở giáo dục đại học; cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục đại học nhóm ngành sức khỏe của Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg. Thành viên Hội đồng Giáo sư không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều này hoặc bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng Giáo sư quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm người thay thế.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư cơ sở tại cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng.
Thanh tra Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GD&ĐT thanh tra, kiểm tra hoạt động xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của các Hội đồng Giáo sư; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho lớp 1
Thông tư 05/2019 của Bộ GD&ĐT quy định về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 có hiệu lực từ ngày 21/5/2019. Các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 bao gồm: Môn Toán, môn Tiếng Việt, môn Tự nhiên và Xã hội, môn Âm nhạc, môn Mĩ thuật (cho 1 phòng học bộ môn), môn Giáo dục thể chất, môn Đạo đức, hoạt động trải nghiệm và thiết bị dùng chung.
Căn cứ vào danh mục trên, các sở GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, tự làm, sưu tầm, bảo quản và sử dụng thiết bị phục vụ dạy học tại các cơ sở giáo dục tiểu học từ năm học 2020 - 2021.
Đáng chú ý, trong số các danh mục thiết bị ban hành kèm Thông tư 05, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải có Bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống.Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại. Trong đó, 1 tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái, 1 tranh minh họa 3 bước phòng tránh bị xâm hại.