Có được thành quả này là sự nỗ lực hết mình của các y, bác sĩ - những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Đằng sau thành công đó là những câu chuyện mà ít người biết đến.
Chợ Rẫy là bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19, và cũng là nơi đầu tiên điều trị thành công căn bệnh này. Không thể kể hết những lo lắng, khó khăn của các y, bác sĩ, nhân viên y tế trong những ngày căng mình chiến đấu với virus Corona, đặc biệt là vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán.
Phản ứng nhanh, chẩn đoán chính xác
Đêm 22/1 (27 Tết Nguyên đán), khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) vang lên tiếng còi xe cấp cứu, trên xe là 2 cha con bệnh nhân người Trung Quốc. Cả hai được chuyển đến từ Bệnh viện huyện Bình Chánh. Triệu chứng ban đầu là sốt nhưng quan trọng hơn, 1 trong 2 người vừa đến từ tâm dịch Vũ Hán.
Nghi vấn nhiễm bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) đang hoành hành ở Trung Quốc, 1 trong 2 bệnh nhân, ông Li Ding (người bố) sinh năm 1954 được cách ly. Tiếp theo đó, người con Li Zichao (sinh năm 1992) cũng được cô lập ở phòng cách ly 2 lớp đã được bố trí trước đó tại khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện.
30 nhân viên y tế có chuyên môn cao của khoa đã được huy động trở lại để thực hiện việc phân luồng, cách ly và theo dõi, điều trị nhằm không để bệnh phát tán ra ngoài. Lịch trực Tết của khoa dù đã được sắp xếp song vì tính chất quan trọng của các ca bệnh, các nhân viên y tế đã chấp nhận tăng ca. Sau đó không lâu, kết quả xét nghiệm cho thấy cả 2 dương tính với SARS-CoV-2.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị và chỉ đạo điều trị cho 2 bệnh nhân người Trung Quốc cho biết, đây là lần “đánh trận” với nhiều áp lực và cảm xúc nhất ông từng gặp. Chủng virus hoàn toàn mới, chưa có phác đồ cụ thể cùng khả năng lây nhiễm nghi ngờ ở mức cao là những gì mà các bác sĩ tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy phải đối mặt.
“Khó khăn đầu tiên khi điều trị 2 ca bệnh Covid-19 là do chủng virus mới. Dù cùng “gia đình” với Corona nhưng đã biến thể khác với dòng Corona từng gây SARS và MERS CoV. Chúng có độc lực cao, khả năng lây nhiễm giữa người sang người là có và vì lạ nên chưa có phác đồ chính xác” - TS.BS Lê Quốc Hùng
Chưa có phác đồ điều trị cho một chủng virus mới, là một trở ngại, song bên cạnh đó các bác sĩ và nhân viên y tế còn có một khó khăn khác lớn hơn. Đó là việc tiếp cận với bệnh nhân vốn mang mầm bệnh dễ lây lan. Vào thời điểm đó, thông tin các nhân viên y tế ở Vũ Hán bị nhiễm bệnh càng khiến nhân viên tại khoa lo lắng.
Về cách điều trị, BS Hùng cho biết, dù chủng virus lần này hoàn toàn mới nhưng do chúng cùng dòng Coronavirus nên đặc tính cũng có những điểm trùng nhau. Ví dụ như ở nhiệt độ cao thì không thể sống kéo dài, nên phòng điều trị cho bệnh nhân là những nơi có thể đón ánh nắng Mặt trời thường xuyên.
Ngoài ra, các dung dịch sát khuẩn được chọn dùng để tiếp xúc tại chỗ, vệ sinh môi trường, hoặc cho bệnh nhân và nhân viên y tế súc họng cũng là những loại có sức sát khuẩn cao. Đây chưa phải là bằng chứng sát thực nhưng kết quả cho thấy rất khả quan.
Do thế giới chưa có loại thuốc kháng virus nào diệt hẳn được SARS-CoV-2 mà chỉ chống việc nhân virus lên và tránh lây lan rộng, chính vì thế bệnh viện đã áp dụng tất cả các biện pháp dùng kháng virus kháng sinh chung, sau đó qua xét nghiệm và theo dõi của từng bệnh nhân, bệnh viện đã có biện pháp riêng cho từng người. Cách điều trị này đã có kết quả rõ rệt.
“Chúng tôi cũng sợ lắm chứ”
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình - khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy là người đầu tiên tiếp cận 2 bệnh nhân Trung Quốc nhớ lại: “Khoảng 19 giờ hôm đó, khoa Cấp cứu báo lên có 2 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19. Ngay lập tức tôi mặc bộ đồ bảo hộ kỹ càng, xuống khoa Cấp cứu khám và tiếp nhận bệnh nhân. Khi trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân với những triệu chứng lâm sàng sốt, ho, khó thở giống với dịch bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc), đặc biệt là bệnh nhân này đi từ Vũ Hán qua, tôi nghĩ ngay đến Covid-19. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần là dịch bệnh sẽ đến nhưng lại không ngờ là nó đến nhanh và đến vào những ngày cận Tết Nguyên đán như vậy”.
Lúc đó, một khu cách ly được thành lập ngay tại khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời một lối đi an toàn cũng được thiết lập ngay trong khuôn viên bệnh viện để vận chuyển người bệnh đến khu cách ly một cách an toàn. Từ đây, chuỗi 21 ngày khó khăn, xuyên Tết điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm dịch Covid-19 bắt đầu.
Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Thú thực ban đầu chúng mình cũng lo lắng lắm, sợ nữa. Thời điểm khi xác định hai người nhiễm bệnh thì vẫn chưa có một thông tin chính xác nào về đường lây truyền, sự nguy hiểm và tỷ lệ tử vong nên rất hoang mang. Ngoài bảo hộ rất kỹ trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi về nhà không dám gần gũi với người thân. Có những người mẹ không dám ôm hôn con mình. Có những người chồng không dám lại gần vợ đang mang bầu bởi nếu mình bị bệnh thì không sao, nhưng nhỡ vợ con, ba mẹ lây bệnh thì tụi mình đúng như tội đồ”.
Lo lắng là vậy nhưng tinh thần của các y, bác sĩ không hề giảm sút, họ sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng tăng ca, thay thế người nếu cần. Bác sĩ Thơ kể: “Bác Li Ding nằm viện rất lâu, bệnh cũng nặng nên giai đoạn đầu mình rất căng thẳng, thậm chí rất stress. Bệnh nhân có khi không chết vì Covid-19 mà chết vì tắc một stent nào đó chẳng hạn, hoặc giả như bệnh nhân ăn uống không được ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết, điện giải… Nhưng tất cả tụi mình đều sẵn sàng “chiến đấu” bởi nếu như có một bệnh nhân tử vong đầu tiên tại Việt Nam thì sẽ rất căng thẳng, sẽ đẩy dư luận vào một cơn khủng hoảng niềm tin mà không phục hồi được”.
Với ông Tạ Kiến Hòa (73 tuổi, Việt kiều Mỹ), chuyến trở về quê hương thăm người chị gái nhân dịp Tết cổ truyền sau nhiều năm sống ở Mỹ đã trở thành “cơn ác mộng”. Chỉ sau 2 giờ ngắn ngủi quá cảnh ở sân bay Vũ Hán, ông đã vô tình nhiễm bệnh mà không hề hay biết. Mười ngày sau khi về Việt Nam, ông bắt đầu có biểu hiện ho nhiều và được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tại đây, ông nhận tin “sét đánh”, nhiễm Covid-19. Hoang mang, lo sợ đã có lúc khiến ông hoảng loạn.
Hơn 10 năm công tác tại khoa Nhiễm D, có lẽ ông Hòa là bệnh nhân để lại ấn tượng đặc biệt nhất đối với điều dưỡng Lại Thị Hoài Thu. Là người trực tiếp tiếp nhận, lấy mẫu phết họng để đưa đi xét nghiệm và được giao nhiệm vụ thường xuyên chăm sóc người bệnh này, chị chứng kiến những phút giây hoang mang, lo lắng, sợ hãi của người bệnh. Thương bệnh nhân lớn tuổi chỉ có một mình ở khu cách ly, mỗi khi xong việc, chị đều nán lại để trò chuyện cùng ông.
“Chúng tôi hay nói chuyện với chú nên dù mặc đồ bảo hộ kín mít nhưng chú vẫn có thể nhớ rõ tên từng người. Mỗi lần vô phòng, cất tiếng chào là chú đã nhận ra và hỏi: “Thu hả con, hôm nay con trực hả” nghe thương lắm,” chị Thu chia sẻ.
Ba bệnh nhân Covid-19 đầu tiên lần lượt khỏi bệnh và xuất viện là niềm vui khôn tả không chỉ của riêng các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, mà còn đánh dấu một bước quan trọng về vị trí của y tế Việt Nam trên bản đồ chống dịch Covid-19 thế giới.