Những “chiến sĩ áo trắng” không có “ngày kỷ niệm”

GD&TĐ - Ngành y tế tiếp tục bước vào năm thứ hai không kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam bởi lý do dịch bệnh. Song, có lẽ, không chỉ 27/2 mới là ngày của những người làm nghề y.

Nguy cơ phơi nhiễm khi điều trị bệnh nhi Covid-19 là rất cao. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Nguy cơ phơi nhiễm khi điều trị bệnh nhi Covid-19 là rất cao. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Bởi, những “chiến sĩ áo trắng” này xứng đáng được tôn vinh cả 365 ngày trong năm.

Phía sau thông báo “tạm thời không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới” từ Bộ Y tế là kết quả có được từ nỗ lực, quyết tâm của bao “thiên thần áo trắng”. Và điều dưỡng là một trong số những người góp phần vào thành công của cuộc chiến chống dịch đầy cam go chưa có hồi kết này.

Tết đầu xa quê

Khi nghe tin tỉnh Hải Dương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới, sáng ngày 29/1, điều dưỡng Bạch Văn Hoàn cùng ê-kíp tại Bệnh viện Bạch Mai nhận chỉ đạo lên đường chi viện vùng dịch.

7 giờ sáng, cả đội có mặt tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Khi đó, bệnh viện hầu như chưa có trang thiết bị y tế gì. Mọi người nhanh chóng làm việc không ngừng, với mong muốn có thể tiếp nhận bệnh nhân trong ngày. 15 giờ, bệnh viện ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 đầu tiên.

Anh Hoàn và ê-kíp tiếp tục thiết lập khu vực hồi sức cấp cứu tại tầng 5 của bệnh viện. Dù khu vực này còn đầy ngổn ngang, bụi phủ khắp nơi, nhưng anh Hoàn và mọi người nhanh chóng dọn dẹp, tay chổi, tay xô. Chỉ sau 1 ngày, khu hồi sức cấp cứu đã được thiết lập.

“Những ngày tiếp theo, xuất hiện thêm nhiều ca bệnh nặng hơn. Không kể ngày hay đêm, bất cứ khi nào bệnh nhân trở nặng, tôi lại vào viện tiến hành các kỹ thuật lọc máu, cho bệnh nhân thở máy. Hằng đêm vẫn có những cuộc gọi từ ê-kíp trực tại Bệnh viện Dã chiến số 2 yêu cầu tôi hỗ trợ”, điều dưỡng Hoàn kể.

Ngày 20/2, Bệnh viện Dã chiến số 2 tiếp nhận bệnh nhân H. được chuyển từ huyện Kinh Môn tới. Kết quả chụp X-quang cho thấy, phổi bệnh nhân tổn thương rất nặng. Ê-kíp lập tức tiến hành các biện pháp cấp cứu, lọc máu, cho bệnh nhân thở máy và tiếp tục theo dõi.

“12 giờ đêm tôi nhận được tin báo bệnh nhân H. có dấu hiệu suy hô hấp. Tôi và ê-kíp lập tức vào viện lọc máu, đặt ống thở cho bệnh nhân. Đến khoảng 3 giờ sáng, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Tôi thức trắng đêm theo dõi biểu hiện sinh tồn của bệnh nhân đến 12 giờ trưa hôm sau”, anh Hoàn cho biết.

Thậm chí, bữa trưa, anh Hoàn cũng phải ăn vội cơm rồi tiếp tục vào viện theo dõi bệnh nhân. Bởi, hầu như các nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến 2 chưa từng gặp ca bệnh nặng như vậy. Ê-kíp chi viện của Bệnh viện Bạch Mai phải liên tục theo dõi, giám sát và chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ.

Làm việc cường độ cao và thường xuyên tiếp xúc với các ca mắc Covid-19, anh Hoàn và đồng đội luôn xác định, không thể để bất kỳ bệnh nhân nào tử vong. “Chúng tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân Covid-19 vì từng chinh chiến tại “chiến trường” Đà Nẵng hơn một tháng. Mặc dù có chút lo lắng, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức, không ngại khó, ngại khổ. Và, quan trọng là luôn giữ cho mình tư tưởng thoải mái, suy nghĩ tích cực”, nam điều dưỡng bày tỏ.

Chia sẻ về bản thân, anh Hoàn cho biết, trong đợt dịch Đà Nẵng, do không muốn để mẹ lo lắng, nam điều dưỡng chỉ gọi điện thông báo cho bố. Trong chuyến đi Hải Dương này, anh tiếp tục “ngổn ngang” với nhiều suy nghĩ. Bởi, anh Hoàn lo cho bố mẹ, không biết tình hình dịch bệnh ra sao, liệu có được về quê ăn Tết?...

Nói về lần đầu đón Tết xa nhà, điều dưỡng Hoàn chia sẻ, mặc dù cũng buồn, nhưng anh không thể làm khác vì công việc còn dang dở.

“Tôi có gọi điện cho chị gái, dặn chị nếu có thể thì cho các cháu về chơi với ông bà, để ông bà bớt cô đơn”, nam điều dưỡng nói.

Con quên mặt vì bố mải... chống dịch

Các điều dưỡng ngày đêm chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Các điều dưỡng ngày đêm chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Lên đường tiến vào tâm dịch khi con gái chưa đầy 6 tháng tuổi, tới nay, điều dưỡng Nguyễn Việt Anh (Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai) đã đồng hành cùng Bệnh viện Dã chiến số 2 gần một tháng. Từ tháng 1, khi Covid-19 bùng phát tại Hải Dương, nam điều dưỡng không ngần ngại xung phong vào tâm dịch. Bởi, anh cho biết: “Nếu Hải Dương cần, lúc nào tôi cũng sẵn sàng!”.

Vốn là điều dưỡng chuyên khoa Nhi, nên Việt Anh thường đùa rằng, mình chăm con giỏi hơn vợ. Dù quấn quýt với con là vậy, nhưng từ khi đi vào “điểm nóng”, con gái điều dưỡng Việt Anh... quên cả mặt bố chỉ sau 3 ngày không gặp.

“Tôi vẫn hay đùa với mọi người chỉ mong nhanh hết dịch để về, con quên mặt rồi. Còn vợ tôi, hai ngày đầu lúc mới xuống, vợ stress còn không nói chuyện, gọi điện chỉ để nhìn con. Ngay cả kỷ niệm 1 năm ngày cưới hai vợ chồng cũng không gặp nhau”, nam điều dưỡng tâm sự.

Nhớ vợ, nhớ con gái nhỏ, nhưng điều dưỡng Việt Anh không quên nhiệm vụ ở tâm dịch. Những ngày đầu tại Bệnh viện Dã chiến số 2, việc lấy ven cho các bệnh nhi trở nên khó khăn hơn nhiều khi có lớp găng tay bảo hộ và tấm chắn che tầm nhìn.

“Nhiều khi phải lấy theo giải phẫu vì 1 - 2 ngày đầu không thể nhìn nổi, khẩu trang N95 làm mờ hết kính bảo hộ, lại thêm bên ngoài lớp kính chắn. Sau vài ngày tôi dần quen hơn. Hiện tại, gần như tôi phụ trách toàn bộ việc lấy ven, mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhi”, điều dưỡng Việt Anh tâm sự.

Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 cũng có những đặc thù riêng, nhất là nguy cơ phơi nhiễm cao như lúc lấy máu. Bởi, đối với người lớn, nhân viên y tế có thể yêu cầu bệnh nhân quay mặt đi. Tuy nhiên, với bệnh nhi thì không.

“Nếu tôi sợ thì không ai làm cả. Phải đảm bảo an toàn cho bản thân để hoàn thành nhiệm vụ”, nam điều dưỡng tâm sự.

“Nỗ lực gấp đôi” là châm ngôn của điều dưỡng Việt Anh sau gần một tháng trong tâm dịch.

“Một đặc thù của điều trị bệnh nhi là khi nhập viện phải có người lớn đi kèm. Ví dụ, hai mẹ con, hai bố con, bà cháu phải âm tính mới có thể ra viện. Vì vậy, phải nỗ lực hơn gấp đôi. Khi đi hỏi thăm bệnh nhi, cũng phải theo dõi luôn tình hình sức khỏe của người nhà”, điều dưỡng 9X tâm sự.

Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn vô cùng chông gai. Điều dưỡng Việt Anh và đồng đội chia sẻ không biết ngày nào có thể trở lại gặp gia đình. Song, họ luôn cố hết sức để cứu chữa bệnh nhân. Đối với Việt Anh, nam điều dưỡng luôn có hậu phương vững chắc khi vợ anh thường xuyên nhắn nhủ: “Anh cứ yên tâm công tác, khi nào ổn định anh về với hai mẹ con”...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.