Những câu ‘thần chú’ tạo động lực cho trẻ

GD&TĐ - Muốn tạo động lực cho con, cần có những câu “thần chú” giúp con thêm phần tự tin, giỏi giang và vâng lời hơn mỗi ngày. 

Cha mẹ nên nhẹ nhàng động viên, tạo động lực cho trẻ tự tin vượt khó. Ảnh minh họa
Cha mẹ nên nhẹ nhàng động viên, tạo động lực cho trẻ tự tin vượt khó. Ảnh minh họa

Đó cũng là cách để tạo động lực cho con lớn lên, trưởng thành.

Những câu “thần chú”

Các bậc phụ huynh đều mong muốn trẻ có thể tự lập cũng như tự làm thay đổi mọi vấn đề khó khăn mà không cần sự trợ giúp. Muốn làm được điều đó, cha mẹ cần tạo được động lực cho trẻ.

Theo ThS Nguyễn Thu Hoài (giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), muốn tạo động lực cho con vượt qua khó khăn hoặc những vấn đề khó giải quyết, cha mẹ hãy “bỏ túi” những câu nói khiến con cảm thấy phấn chấn trong mọi hoàn cảnh:

Con nói đi, bố mẹ sẵn sàng lắng nghe!

Mọi mối quan hệ đều cần có sự tôn trọng và lắng nghe và mối quan hệ cha mẹ - con cái cũng không phải là ngoại lệ.

Đừng áp đặt rằng bé còn nhỏ thì không được phép nói lên ý kiến của mình, hãy tập thói quen tôn trọng và lắng nghe con mỗi ngày để bé được nuôi dưỡng sự tự tin cũng như thành thật, mở lòng, trao đổi vấn đề với bố mẹ khi gặp phải những rắc rối không mong muốn.

Bố mẹ yêu con nhiều lắm

Đây chính là câu “thần chú” con mong mỏi được nghe mỗi ngày nhất từ cha mẹ. Khi được người lớn bày tỏ sự yêu thương một cách công khai mỗi ngày, trẻ sẽ luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc để làm mọi việc trong tâm trạng tích cực, hào hứng hơn.

Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ học được cách lan tỏa yêu thương mỗi ngày, câu nói này cũng sẽ thắt chặt tình cảm và sợi dây liên kết trong gia đình, giúp trẻ tự tin, giỏi giang hơn vì bé biết rằng cha mẹ lúc nào cũng sẽ luôn yêu thương và ở bên cạnh hỗ trợ mình trong mọi hoàn cảnh.

Bố mẹ cảm ơn/xin lỗi con

Nếu yêu thương là câu “thần chú” bày tỏ tình cảm mẹ nên nói với con mỗi ngày thì câu cảm ơn/xin lỗi sẽ giúp định hình nhân cách bé ngay từ nhỏ.

Người lớn chính là tấm gương phản chiếu lại tính cách của trẻ nhỏ, vì thế, nếu muốn con ngoan ngoãn, có lòng biết ơn và có thái độ hối lỗi khi mắc sai phạm, bố mẹ hãy là người làm gương cho con trước.

Mỗi khi con làm điều gì đó giúp mẹ, hãy cảm ơn con thật rõ ràng, cũng đừng quên xin lỗi con mỗi khi bản thân làm sai hoặc thất hứa để bé thấm nhuần những bài học đầu đời từ câu cảm ơn và xin lỗi một cách thật tự nhiên.

Nếu con không muốn thì thôi vậy

Có một sự thật không ngờ rằng, bố mẹ càng ép sẽ khiến con càng không chịu, thậm chí trở nên chán ghét và sợ hãi mỗi khi phải làm việc.

Thay vì ép buộc, mẹ chỉ cần nhẹ nhàng nói: “Nếu con không muốn làm việc đó nữa thì thôi nhé!”, hầu hết các bé đều sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ và sẵn sàng “tự nguyện” làm việc khi bình tâm lại.

Con thử làm lại xem nào!

Trẻ nhỏ rất thường hay nản lòng và từ bỏ những việc mà chúng đang làm dang dở. Để rèn luyện cho con tính kiên trì ngay từ nhỏ, mẹ nên ở bên cạnh khuyến khích, động viên thay vì cứ chê bai con. Hãy giúp bé tự tin để hoàn thành tốt mọi việc bằng cách khích lệ tinh thần và định hướng, giúp đỡ cho con, đảm bảo trẻ sẽ có thêm nhiều động lực để tiếp tục theo đuổi mục tiêu mà mình đang muốn hướng đến.

bi kip tao dong luc (1).jpg
Ảnh minh họa.

Theo con mình nên làm gì?

Một câu nói kích thích sự sáng tạo cũng như tạo động lực và tập được cho trẻ thói quen tôn trọng suy nghĩ, ý kiến của người khác chính là câu: “Theo con mình nên làm gì?”.

Cha mẹ cần nhớ rằng, cùng một sự việc nhưng sẽ có rất nhiều hướng giải quyết khác nhau, hãy cho trẻ cơ hội để thể hiện bản thân và suy nghĩ của mình nhiều hơn bằng cách hỏi ý kiến của con và cho con làm những gì con muốn.

Điều này sẽ giúp trẻ rèn luyện được phản xạ suy nghĩ và sự sáng tạo mỗi ngày. Có thể đôi lúc mẹ cũng sẽ phải cảm thấy bất ngờ khi thấy cách xử lý tình huống của con quá độc đáo và thông minh.

Tạo động lực từ ý thức tự lập

Theo nhiều chuyên gia, khi trẻ gặp các vấn đề khó giải quyết, thay vì vội vàng can thiệp vào tình huống của trẻ, các phụ huynh nên biến những khó khăn đó thành cơ hội để trẻ học tập, lớn lên và cần tạo động lực cho con.

Cô Phạm Kim Huế, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương (Hà Nội) cho hay, khi thấy trẻ gặp vướng mắc trong học tập hay cuộc sống, trước mắt hãy quan sát con và bình tĩnh. Hãy tự hỏi bản thân xem trẻ có cần giúp không?

Đối với các tình huống thường ngày như trẻ ngã nhẹ, trẻ làm rơi đồ của mình,... nên để trẻ tự đứng lên hoặc nhặt đồ dùng của mình, đó là những việc trong khả năng trẻ có thể thực hiện được.

Nếu trẻ bị ngã và đầu gối chảy nhiều máu, lúc này có thể trẻ sẽ cần sự trợ giúp của cha mẹ và an ủi, giảm đi cảm giác đau đớn và hoảng sợ thì các phụ huynh nên giúp đỡ. Hay đôi khi trẻ vì bực tức mà ném tất cả đồ chơi của mình ra chỗ khác, các phụ huynh tuyệt đối không được nhặt đồ lên mà để cho trẻ một vài phút bình tĩnh, sau khi cơn tức giận của trẻ qua đi thì yêu cầu trẻ tới nhặt từng món đồ bản thân đã ném và trả về vị trí của nó.

Đôi khi chỉ cần cho trẻ không gian thì vấn đề của trẻ có thể tự giải quyết ổn thỏa. Các phụ huynh có thể giúp đỡ nếu trẻ đưa ra đề nghị hoặc cần hướng dẫn. Đặt câu hỏi là một cách tuyệt vời để giúp trẻ kiểm soát vấn đề của bản thân mình.

Giả sử, khi trẻ đang buồn vì bị mất đồ chơi, thay vì mua món đồ mới hoặc cố gắng tìm kiếm nó thì các phụ huynh hãy giúp trẻ suy nghĩ xem nó có thể ở đâu, hỏi những câu hỏi chẳng hạn như: “Lần cuối cùng con nhìn thấy nó”.

Những sai lầm sẽ trở thành những bài học cho trẻ, trong các thời điểm đó, các phụ huynh hãy giúp trẻ nhận thấy rằng luôn có những bài học rút ra cả khi trẻ thành công hay thất bại.

“Thay vì né tránh những điều khó khăn, hãy nắm lấy những cơ hội mà chúng có thể mang lại. Nói về những thách thức của riêng mình và những gì chính bản thân đã học được - hoặc đang học - khi đối mặt với chúng. Khi đó, cha mẹ đã tạo động lực lớn cho con vượt qua khó khăn”, cô Huế nêu quan điểm.

Để con tự vượt qua khó khăn

Trong cuộc sống hiện nay, học cách vượt qua thất bại cũng quan trọng không kém việc cố gắng thành công. Nếu không học cách đứng dậy sau thất bại, trẻ có thể bị khủng hoảng dù ở lứa tuổi mầm non hay đại học.

Và có lẽ điều quan trọng hơn là nó khiến trẻ từ bỏ việc cố gắng hoặc thử những điều mới. Muốn vậy, cha mẹ cần tạo động lực giúp trẻ tự vượt qua khó khăn mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thương (giáo viên Trường THCS Thuận Thành, Bắc Ninh), cha mẹ không nên chỉ trích quá nặng lời với trẻ, nhất là trong học tập nhưng cũng đừng khen ngợi con vì sự thông minh của bé bằng những câu nói đại loại như “Con là đứa trẻ thông minh nhất mà mẹ biết!”.

Thay vào đó, hãy khen ngợi trẻ vì bé đã làm việc chăm chỉ và kiên trì trong một nhiệm vụ khó khăn. Những đứa trẻ được khen ngợi vì đã nỗ lực sẽ có nhiều khả năng tiếp tục cố gắng hơn khi chúng gặp thất bại. Chúng cũng sẽ nhận thức được về quyền kiểm soát khả năng học hỏi của mình. Những đứa trẻ có xu hướng tự cho mình là thông minh sẽ gặp khó khăn hơn khi đến trường và dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Đồng thời, hãy hạn chế các xung đột không cần thiết. Khi cha mẹ thường xuyên tham gia vào các cuộc tranh luận với con cái, việc học tập của trẻ đương nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trẻ em không thể học khi chúng khó chịu. Do đó, các bậc cha mẹ cần tránh những cuộc tranh cãi không cần thiết có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu.

Cha mẹ có thể động viên trẻ: “Mẹ sẽ luôn yêu con. Mẹ muốn con có những lựa chọn tốt trong cuộc sống, ngay cả về trường học. Mẹ có niềm tin rằng con có thể tự xoay chuyển tình thế. Mẹ sẽ luôn ở đây nếu con cần một số gợi ý”.

Bên cạnh đó, hãy luôn giữ mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và trẻ. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con cái là duy trì mối quan hệ hòa hợp và tràn đầy yêu thương với chúng. Những đứa trẻ cảm thấy được yêu thương vô điều kiện sẽ có nhiều khả năng học tốt ở trường.

Đừng để trẻ cảm nhận áp lực dựa trên những điểm số. Thay vì lãng phí sức lực vào việc quản lý bài tập ở trường của con bạn, hãy cố gắng dành thời gian quan tâm, tìm hiểu tâm tư tình cảm của trẻ. Đó là cách sử dụng thời gian tốt hơn cả.

Theo cô Nguyễn Thị Thương, những buổi họp phụ huynh là cơ hội không thể tốt hơn để cha mẹ cũng như thầy cô có thể trao đổi tình hình học tập của trẻ. Tuy nhiên điều này cần dựa trên sự tôn trọng của cả hai bên.

Nên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một số câu hỏi như: “Tôi nhận thấy điểm của bé có dấu hiệu giảm sút, cô/thầy có nhận thấy điều đó không? Tôi có thể làm gì ở nhà để giúp bé không? Cô/thầy có ý kiến gì về kết quả học tập của bé?”.

“Thật sự rất khó để thúc đẩy trẻ tự giác trong mọi vấn đề từ học tập, vui chơi, sinh hoạt... Đó là một trong những thử thách khó khăn nhất mà các bậc cha mẹ luôn phải đối mặt. Do đó để giúp con có thể vượt qua khó khăn mà không cần đến những sự trợ giúp, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, nhẹ nhàng và động viên, tạo động lực cho trẻ thay vì sử dụng những từ ngữ nặng nề để trách móc”, cô Thương cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Bộ trưởng và tin nhắn

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi: “Nếu nông dân khó, hãy nhắn tin cho tôi!”...