Những câu hỏi về gói phục hồi kinh tế

GD&TĐ - Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế đang trong quá trình hoàn thiện, chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, chương trình gồm 5 nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn với quan điểm cốt lõi là kết hợp phục hồi và phát triển.

Đầu tiên là giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường. Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác. Tiếp đến là an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch nhằm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội.

Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19 để giúp họ có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn lực để phát triển trong tương lai.

Giải pháp thứ tư là thúc đẩy đầu tư công. Cuối cùng là nhóm giải pháp về quản lý, điều hành, hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hiện chưa rõ nguồn lực của chương trình phục hồi kinh tế là bao nhiêu do các bộ, ngành đang tính toán và cân đối. Đây là điều dư luận rất quan tâm, bởi họ kỳ vọng chương trình sẽ có quy mô đủ lớn để tạo ra tác động mạnh mẽ, giúp nền kinh tế nhanh hồi phục. Thực tế, các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thời gian qua còn rất khiêm tốn.

Hầu hết giải pháp mới dừng ở việc giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, nghĩa là chỉ giúp giảm bớt phần nào khó khăn và hầu như chưa có tác động trực tiếp.

Nói một cách hình ảnh, nếu ví nền kinh tế đang như người ốm do Covid-19, các gói hỗ trợ trước đó mới chỉ giúp họ có thể đứng dậy đi lại chậm chạp.

Bây giờ, muốn nền kinh tế phục hồi nhanh, thúc đẩy tăng trưởng thì nhất thiết phải có gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn trước rất nhiều!

Nhìn ra thế giới, nhiều nước đặt ra quy mô gói hỗ trợ lên tới 15 - 20% GDP, thậm chí cao hơn. Ngay như với các nước trong khu vực ASEAN cũng đều trên 10% GDP, chẳng hạn Thái Lan với hơn 14%.

Trong khi đó, tính toán của TS Đinh Trường Hinh, người từng là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C, Hoa Kỳ, cho thấy Việt Nam mới chi khoảng 1,4% GDP cho các biện pháp có tác động đến ngân sách, thấp hơn so với mức 4% GDP của các nền kinh tế mới nổi và 1,6% của các nước thu nhập thấp.

Vì vậy, hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không thể hỗ trợ thấp ở mức một vài phần trăm GDP mà ít nhất phải đạt từ 9 - 10% GDP (khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương 35 tỷ USD) mới đủ sức tạo ra thay đổi, khôi phục và thúc đẩy kinh tế.

Con số 800.000 tỷ đồng cũng được đoán già, đoán non trong những ngày qua. Tuy nhiên, Việt Nam có đủ dư địa để thiết kế gói hỗ trợ với quy mô như vậy không? Tăng chi như vậy liệu có giữ được ổn định kinh tế vĩ mô – vốn là cái neo để ổn định kinh tế - xã hội và là điều không thể đánh đổi trong mọi hoàn cảnh?

Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp tăng cường đầu tư công có vẻ là phản ứng chính sách phù hợp bởi vừa giúp tăng tổng cầu vừa giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp đang đặt ra hết sức cấp bách.

Nếu các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi để cung cấp việc làm thì Nhà nước cần đứng ra cung cấp việc làm. Khi kinh tế dần phục hồi, thì Nhà nước lại trả lại công việc này cho các doanh nghiệp.

Vậy nhưng, tăng cường đầu tư công thì cũng vướng phải nhiều vấn đề, như: Vốn lấy ở đâu? Vướng trần nợ công thì thế nào? Thủ tục đầu tư công phức tạp, rối rắm nên giải ngân được có khi phải mất hàng năm trời, mà như vậy kinh tế có thể đã rơi vào suy thoái…

Những câu hỏi trên đây cần được xem xét thấu đáo để Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế khi được thông qua và triển khai sẽ thực sự thúc đẩy kinh tế phát triển một cách bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ