Lời xin lỗi
Ngày 17/7, trên trang cá nhân, tài khoản có tên Lâm Trúc Nguyễn đăng tải câu chuyện về cách ứng xử và dạy con của một người mẹ thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Liên hệ với người này, anh cho biết mình tên Nguyễn Trúc Lâm, sinh năm 1985, sinh sống và làm việc tại TPHCM. Lâm là người thích đi du lịch và trải nghiệm cuộc sống. Câu chuyện do chính anh chứng kiến vào tối 17/7 tại một quán ăn.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, người mẹ và con trai đang ngồi ăn tối. Một bà cụ đến mời mua vé số. Người mẹ mua giúp bà cụ 2 tờ. Thấy đứa con trai bên cạnh dễ thương, người bán vé số đưa tay nựng lên má.
Tuy nhiên, cậu bé thét lên và hất bà cụ ra. Thấy vậy, người mẹ nhẹ nhàng xin lỗi bà cụ và nói với con trai: "Nếu sau này mẹ già mẹ ra ngoài đường bán vé số, bị người ta làm như vậy con sẽ làm gì?". Chính câu nói này đã khiến cậu bé hiểu được vấn đề và nhận lỗi.
Khi câu chuyện được dân mạng lan truyền, mọi người tỏ ra thán phục trước cách ứng xử đầy tinh tế của người mẹ. Không ít nhận định cho rằng, đây là một bài học về cách dạy con thông minh mà các bậc cha mẹ cần suy ngẫm.
"Đôi khi có những giá trị cuộc sống nằm ở xung quanh chúng ta. Theo tôi, mỗi người nên nhìn nhận sự việc một cách nhẹ nhàng và tinh tế hơn" - Trúc Lâm chia sẻ.
Nội dung chia sẻ của Trúc Lâm trên trang cá nhân:
Khi mình đang ngồi ăn tối, có bà mẹ và đứa con trai cũng ngồi gần kế bên. Bất thình lình một bà cụ bán vé số tới mời mua, bà mẹ nhẹ nhàng mỉm cười và mua cho bà 2 tờ.
Thấy thằng nhóc kế bên bà nựng nó tí. Thế là nó la lên và hất bà cụ ra tỏ vẻ sợ hãi đứng dậy. Bà mẹ thấy thế xin lỗi bà cụ rối rít. Bà cụ gật đầu và lủi thủi đi trong sự im lặng.
Có một điều làm tôi khá bất ngờ, nếu đứng ở khía cạnh khác, người mẹ đã la đứa con hay tỏ vẻ khó chịu. Nhưng không, bà mẹ nói với con trai:
"Nếu sau này mẹ già mẹ ra ngoài đường bán vé số, bị người ta làm như vậy con sẽ làm gì?" Cậu con trai bối rối im lặng và thủ thỉ xin lỗi mẹ, mai mốt cậu không làm như vậy nữa. Hai mẹ con mĩm cười và tiếp tục ăn tiếp.
Thế đấy, câu chuyện tuy đơn giản nhưng chất chứa rất nhiều điều ngay cả bản thân chúng ta phải nhận định lại. Có rất nhiều cách để giái quyết vấn đề, chúng ta chấp nhận và khôn khéo trong cách giải quyết lại làm cho đối phương thấm thía và nhận định được sự việc.
Lại là một cách suy nghĩ khác của tui, cách giáo dục cùa bà mẹ này rất hay, không la con, nói từ tốn nhẹ nhàng nhưng làm cho cậu nhóc đau, và hiều được những gì mình đã gây ra.
Bởi ta nói nhiều khi giáo dục con cái vô cùng quan trọng. Từ những chuyện nhỏ nhặt cho đến chuyện lớn làm thay đổi cả một tương lai...
Nữ tiếp viên hàng không và bà cụ chân trần
Ngày 14/7, trên trang cá nhân, tài khoản Phùng Như Quỳnh chia sẻ hình ảnh kèm bài viết về một nữ tiếp viên hàng không tận tình giúp đỡ bà cụ tìm người thân đón xe trở về nhà nhận được sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng mạng.
Hình ảnh nữ tiếp viên hàng không tận tình giúp đỡ cụ bà khiến dân mạng xúc động. |
Liên hệ với Như Quỳnh, cô cho biết mình sinh năm 1990, sống tại Hà Nội. Sáng 13/7, Quỳnh có chuyến bay từ TP HCM về Hà Nội, đáp xuống sân bây Nội Bài, khi đang chờ đón xe cùng một người bạn thì cô chứng kiến được câu chuyện ý nghĩa này.
Theo đó, một bà cụ tại sân bay, đi chân trần, đội nón lá, tay ôm nhiều đồ. Cụ loay hoay tìm người thân đến đón, dù có điện thoại nhưng vì thính giác kém nên không liên lạc được.
Trong khi đó, nữ tiếp viên hàng không tỏ ra rất vội nhưng khi thấy bà cụ già yếu gặp khó khăn, cô đã tận tình gọi điện cho người thân của cụ, chỉ dẫn và chờ đến lúc mọi người đến đón bà rồi mới ra đi.
Mặc dù chỉ là sự việc nhỏ xảy ra trong cuộc sống thường ngày, song chính tình yêu thương của con người từ những việc làm đơn giản nhất đã làm lay động dân mạng.
Sau vài giờ đăng tải, bài viết hút hơn 6.000 lượt (like), 400 chia sẻ. Đa số bình luận của mọi người đều ca ngợi hành động đẹp và đáng trân trọng của nữ tiếp viên hàng không.
Nội dung chia sẻ của Như Quỳnh trên trang cá nhân:
"Hình ảnh một cô tiếp viên xinh đẹp, mặc đồng phục sang trọng và một bà cụ đội nón, đi chân đất mà mình gặp sáng nay khiến cho mình cảm giác thật thú vị. Mình cảm nhận được sự gần gũi và ân cần.
Sân bay đông người và vội vã, dường như không ai chú ý. Mình và hai bạn nữa đang chờ xe đón cạnh đó. Mình đoán chị tiếp viên cùng chuyến với cụ.
Theo quan sát của mình thì cụ không tìm được người đón, cụ có điện thoại nhưng chắc cũng không biết miêu tả vị trí đứng thế nào. Cụ khá già và tai hơi kém. Chị tiếp viên cũng có vẻ rất vội, cụ thì vẫn chưa thấy người đón.
- Alo, anh đến chỗ... Em với cụ đang đứng ở đây. Anh đến luôn giùm vì em không đợi lâu được.
Cụ nói gì đó mình không nghe rõ, tay vẫn giữ chặt bọc túi.
Chị tiếp quay ra bảo cụ: Lần sau cụ đi, nhớ bảo con cháu đặt thêm dịch vụ đưa đón ở sân bay nhé.
Hình như cụ vẫn không nghe rõ và hiểu gì, cụ bảo: Sợ bị lạc lắm.
- Không lạc được cụ ạ. Cụ sẽ có người đưa tận nơi. Sẽ không bị lạc đâu.
Có vẻ như cụ chẳng hiểu gì lắm. Chị tiếp viên nhìn xuống chân cụ rồi bảo:
- Cụ đi dép vào cụ ạ.
Bà cụ nhìn vào bọc túi đang ôm trên người chắc dép cụ đang để ở đó rồi bảo: Trơn lắm, không đi đâu.
Bọn mình đứng bên cạnh mỉm cười. Mình thì nhớ đến câu nói của bà: Đôi dép là thứ quý giá lắm. Chỉ khi nào có việc mới mang đi.
Mình cũng nhớ đến những đôi chân trần lam lũ và vất vả của những người ở quê. Hay những đôi dép bằng chai nhựa mà trên mạng chia sẻ.
Hình ảnh này khiến mình nhớ đến một lãnh đạo đã nói: Cảm thấy hạnh phúc khi nhìn khách hàng đến sân bay giờ xách túi nilon, làn đi chợ đi máy bay. Ai cũng có thể bay được. Cụ là một trong những khách hàng đó và khoảng cách không còn xa.
Một lúc sau thì người nhà cụ đến đón, chị tiếp viên nhìn phía xa chỉ cho cụ rồi mừng rỡ, mình đứng cạnh cũng mừng, chị tiếp viên sau đó nói thêm với người nhà cụ rồi rời đi vì chị cũng khá vội.
Cụ đi theo người nhà và cụ vẫn nhất định không đi dép vì chắc cụ sợ ngã.
Câu chuyện có thế thôi, đối với mình với người già đến những nơi như thành phố hoặc sân bay mà không có con cháu đi cùng như cụ thì thực sự khiến mình khá lo lắng, cũng may là cụ đã đi lại suôn sẻ và gặp được người tốt.
Hình ảnh cô nhân viên VNA tận tình và đôi chân trần của cụ chậm chạp bước đi khiến mình nhớ mãi.
Và hôm nay cũng được nhìn gần nhất đồng phục của VNA, có lẽ với mình đó là hình ảnh đẹp nhất".
Nhật ký hài hước tặng con trai
Ngày 11/7, trên trang cá nhân, thành viên Tuấn Linh đăng tải dòng trạng thái dành riêng cho cậu con trai vừa chào đời nhanh chóng gây chú ý. Nhanh chóng, bài viết của ông bố trẻ hút hơn 46.000 like (thích), 14.000 chia sẻ và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ dân mạng.
Với giọng văn hài hước và chân chất, Tuấn Linh bộc bạch tâm trạng của người mới lên chức bố ở tuổi 26. Anh cho thấy sự lo lắng, vui mừng từ lúc biết tin vợ có thai đến khi được đón con chào đời trong vòng tay yêu thương.
Tâm sự này không chỉ khiến dân mạng xúc động trước tình cảm anh dành cho con, mà còn cho thấy chính nỗi lòng của tất cả người làm cha mẹ.
Trích đoạn chia sẽ của ông bố Tuấn Linh gửi con trai:
- Cậu cố gắng bú ngoan, sạch sẽ, không làm mẹ tắc sữa. Cậu biết đấy, nếu tắc thì tớ phải hút cho thông thay cậu, nhưng như thế không nên tí nào. Chúng ta nên biết giữ gìn của chung, cậu thích ruột, còn tớ chỉ thích vỏ. Tớ đã cai sữa được 24 năm rồi, thế nên chúng ta nước sông không phạm nước giếng. Của bền tại người cậu ạ, sử dụng phải đi kèm với bảo trì, bảo dưỡng. Tớ nói thế cũng vì tốt cho cậu.
- Cậu bú xong thì ngủ, không ai cần cậu thức thời gian này. Thức xong khóc ầm lên mệt ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác, thậm chí cả hàng xóm. Tớ nói rồi đấy, thanh niên lớn rồi, không nên làm ảnh hưởng đến người khác.
- Cậu ăn ngoan, ngủ ngoan sẽ không ốm, mà không ốm có nhiều thời gian để chơi đồ chơi hơn. Thế nên tùy cậu chọn. Một bên ngoan ngoãn thì được đủ đường, còn lười ăn hay quấy sẽ mất thời gian, đồ chơi. Các cụ gọi là "mất cả chì lẫn chài".
- Giờ còn mới, cậu đái ị thoải mái, kiểu gì cũng có người dọn. Tuy nhiên 1-2 năm nữa, buồn tè, buồn ị, cậu phải gào lên một câu, không thì hết quần áo mặc đấy.
- Yên tâm là cậu sẽ được đi học mẫu giáo như tớ ngày xưa.
- Tớ phải bán 2 con trăn yêu thích khi vợ bảo đang bầu cậu. Và tớ hy vọng lại mang bọn nó về vào một ngày. Về cơ bản là hơi xa tí.
- Không có chuyện tớ cho cậu sờ vào điện thoại của bố mẹ khi chưa đủ 12 tuổi. Cũng không có chuyện tớ vác điện thoại, ipad ipéc làm mồi nhử cho cậu ăn. Tớ nói sai tớ chuyển xuống làm con cậu luôn!
- Hết đại học chữ to sẽ lên đại học chữ bé. Cậu có bài tập về nhà cũng không lo là tớ không giải cho cậu đâu. Giải cho nhanh để cậu còn thời gian chơi. Nếu không giải được, tớ sẽ xem sách giải rồi bảo cậu. Tuổi thơ của tớ dữ dội như thế nào thì cậu cũng phải thế.
...