Những căng thẳng ở 'thiên đường'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trước Hội nghị Thượng đỉnh G20, thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề đặc biệt nghiêm trọng nhưng thiếu tiếng nói chung.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong 2 ngày 15 và 16/11, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra với sự tham gia của phái đoàn từ 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). Nhiều vấn đề hóc búa sẽ được đem ra thảo luận trong bối cảnh địa chính trị và khủng hoảng gia tăng ở một số khu vực trên thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022 sẽ ưu tiên thảo luận một số vấn đề như an ninh lương thực và năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số. Với khẩu hiệu “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn” (Recover Together, Recover Stronger), Hội nghị G20 năm nay mang theo triển vọng hợp tác lạc quan giữa các quốc gia và các khu vực.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát thừa nhận cơ hội dường như là rất mỏng khi mâu thuẫn giữa Mỹ cùng các đồng minh với Trung Quốc và Nga ngày càng mở rộng. Hội nghị G20 năm nay được mô tả là “căng thẳng nhất về mặt ngoại giao từ trước đến nay”.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh G20, thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề đặc biệt nghiêm trọng nhưng thiếu tiếng nói chung. Theo Trinh Nguyen, nhà kinh tế học về khu vực châu Á tại Ngân hàng Natixis, Hồng Kông, thách thức đối với G20 là tập hợp các nhà lãnh đạo có quan điểm chính trị khác nhau để tìm ra điểm chung và giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ngắn và dài hạn. Trong đó, vấn đề cần ưu tiên thảo luận hàng đầu là lạm phát.

Lạm phát, gây ra sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đang đẩy chi phí sinh hoạt ở khắp nơi trên thế giới tăng cao, kéo theo đó là khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng. Châu Âu dự kiến sẽ phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt khi nguồn cung khí đốt trở nên khan hiếm.

Tiếp theo, vấn đề biến đổi khí hậu và giảm thiểu lượng khí thải carbon còn nhiều điểm chưa đạt được phối hợp toàn cầu. Điều này càng trở nên khó khăn trong thế giới ngày càng phân mảnh và tình hình địa chính trị gia tăng.

Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tham dự Hội nghị G20. Hai bên sẽ gặp mặt song phương vào ngày 14/11 trong thời điểm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lên tới đỉnh điểm.

Là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, Indonesia đã và đang tìm cách duy trì tính trung lập của diễn đàn, bác bỏ lời kêu gọi của các nước phương Tây và Ukraine loại trừ Nga khỏi các hoạt động.

Indonesia đang cho thấy hình ảnh của mình là cầu nối giữa những căng thẳng phủ bóng G20. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây cân nhắc sử dụng lời lẽ ít gay gắt đối với Nga để phía Moscow nhất trí với thông cáo chung sau buổi họp.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí vào tuần trước, Tổng thống Widodo đã cảnh báo về khả năng căng thẳng địa chính trị làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh, một sự kiện mà theo ông “không phải một diễn đàn về chính trị”. Ông đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng.

Bất chấp những thách thức và bất hòa chính trị, một số nhà quan sát bày tỏ lạc quan rằng G20 vẫn còn hy vọng có thể giải quyết những mối lo chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ