Mùa thu năm 2011 khi đang trên đường ra sân bay để chuẩn bị về thăm nhà sau nửa năm du học tại Ireland, tôi cảm thấy khó thở, khó xử lý và hiểu những gì đang xảy ra trong cơ thể mình vào những thời điểm đó. Ngực tôi như bị nén lại và các cơn đau như búa bổ truyền xuống toàn bộ cánh tay của tôi. Đây là lần thứ hai xảy ra chỉ trong 1 tuần.
Trước khi tôi kịp nhận ra điều gì, tài xế đã gọi xe cứu thương, hành lý của tôi được chất lên đó, và tôi thấy mình đang ở trong phòng chờ của bệnh viện, căng thẳng, kiệt sức, hầu như không còn chút tiền nào trên chiếc điện thoại để gọi cho ai đó. Tôi ốm yếu về tâm hồn, thể xác, cô đơn. Tôi ngồi hy vọng, cầu nguyện, chờ đợi cuộc gọi của bác sĩ.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để giúp mọi người biết cách xử lý nếu bị ốm trong khi học ở nước ngoài.
1. Hãy chuẩn bị
Thuốc cảm, thuốc ho, viên hạ sốt, thuốc chống đau bụng, nước nhỏ mũi, máy đo nhiệt độ..., bất cứ loại nào bạn thường phải dùng khi bị ốm ở Việt Nam, hãy đem theo khi đi du học xa nhà. Đừng đợi đến lúc cần mới đi mua. Thứ nhất là điều đó sẽ rất bất tiện, thứ hai là một vài quốc gia quy định phải có toa thuốc của bác sĩ hoặc bệnh viện đi kèm thì mới bán thuốc.
2. Nắm rõ Lịch sử Y tế của bạn
Hãy đem theo sổ khám sức khoẻ gần nhất của bạn vì nó rất quan trọng. Nó sẽ giúp bác sĩ bản địa dựa vào và chẩn đoán tình hình sức khỏe hiện tại của bạn, tất nhiên là bạn phải dịch từ tiếng Việt sang.
Cảm sốt hay chấn thương nhẹ là một chuyện, nhưng nếu trước khi du học bạn biết có thể mắc những chứng bệnh nghiêm trọng khác, thì chắc chắn lịch sử khám bệnh trước đây của bạn rất quan trọng.
3. Tạo các mối quan hệ thân thiết với mọi người xung quanh
Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn. Đồng thời, tăng cường tính giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.
Có bạn bè ở nơi xa quê hương là điều rất nên làm đối với du học sinh. Đôi khi bạn cũng cần đến sự giúp đỡ hoặc có thể tự mình giúp đỡ những người khác. Vì vậy, đây là một phần của du học mà bạn nên làm.
4. Cho phép bản thân được nghỉ ngơi
Tôi biết khi đang du học, bạn sẽ rất ngại phải nghỉ 1 hoặc 2 buổi học do tâm lý "xót tiền" cho bố mẹ. Bởi chi phí đi du học rất đắt đỏ. Một vài người khi đi du học cũng đi làm thêm ngoài giờ để trang trải phí sinh hoạt và họ cũng rất "tiếc" khi phải nghỉ làm một vài buổi để nghỉ ngơi. Nhưng điều đó thật sai lầm!
Hãy cứ cho phép bản thân bạn được nghỉ ngơi tốt nếu như bạn thấy mệt mỏi và kiệt sức. Đừng cố gắng gượng bản thân vì đôi khi bạn sẽ làm cho sức khoẻ của bạn "xuống dốc không phanh" đó.
5. Đừng hoảng loạn
Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng tôi không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc nhớ thở đều khi bạn đang ở giữa cơn hoảng loạn. Việc hít thở làm dịu mức cortisol của bạn và cho phép bạn nắm bắt được tình hình thực tế của mình. Sau đó bạn có thể đánh giá dữ liệu kinh nghiệm của mình và suy nghĩ tổng thể rõ ràng và hợp lý hơn về bước đi đúng đắn tiếp theo mà bạn sẽ thực hiện.
6. Luôn lạc quan
Trong những khoảnh khắc ở phòng chờ bệnh viện, khi tôi chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, tôi đã tự khích lệ và tiếp thêm năng lượng cho bản thân. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng mỉm cười và đón nhận mọi việc là yếu tố giúp tôi vượt qua tình huống khẩn cấp nhiều nhất. Và khi nhìn lại khoảng thời gian đó trong đời, thực sự là một trong những trải nghiệm đáng nhớ, tự hào nhất khi ở nước ngoài.
Tôi đã học được vào ngày hôm đó rằng mình mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì đã nghĩ. Và kể từ đó, tôi đã tiếp tục khai thác nguồn can đảm bên trong đó vào những khoảnh khắc được mong đợi và bất ngờ khác trong cuộc đời, và tôi đã vượt qua được.
Nếu bạn thấy mình rơi vào tình huống tương tự khi đang ở nước ngoài, hãy biết rằng bạn cũng có một nguồn năng lượng bên trong mình. Đừng ngại khai thác nó khi mọi thứ trở nên tồi tệ.