Những bức tranh gửi gắm yêu thương giữa đại dịch

GD&TĐ - Không chỉ chuyển tải cái đẹp, những bức tranh còn làm thành giường bệnh, máy thở, nhu yếu phẩm… giúp nhiều người vượt qua đại dịch Covid-19.

90 bức tranh của 80 họa sĩ được bán đấu giá mua máy thở và giường hồi sức tặng Bệnh viện dã chiến số 5.
90 bức tranh của 80 họa sĩ được bán đấu giá mua máy thở và giường hồi sức tặng Bệnh viện dã chiến số 5.

Cùng nhau vượt qua dịch bệnh, nhiều họa sĩ đã miệt mài sáng tạo và gửi gắm trong những tác phẩm sự san sẻ và tình yêu thương mãnh liệt. Trong đại dịch, họa sĩ Việt không chỉ thể hiện được sức sáng tạo nghệ thuật, mà còn làm nổi bật giá trị “vị nhân sinh” cao cả.

Không ngừng sáng tạo

Trần Nhật Thăng là họa sĩ Việt hiếm hoi mà trong suốt 2 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vẫn chưa một lần than thở. Dường như với anh, Covid-19 là thứ không tồn tại, càng không thể cản trở việc sáng tạo nghệ thuật.

Vẫn phải giãn cách, không bước chân ra khỏi nhà nhưng Nhật Thăng vẫn sống như cách khi chưa có dịch. Anh âm thầm sáng tác, thư thái nghĩ về các đề tài và lì lợm để vẽ 150 bức tranh trong suốt thời gian qua. Anh nói rằng, 150 bức tranh là con số khiêm tốn, bởi phải tạm dừng khi giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển tranh cũng như các họa phẩm bị đình trệ.

Không kém Nhật Thăng, vợ chồng họa sĩ cao tuổi Triều Điển – Hồng Lĩnh cũng sáng tạo hàng trăm tác phẩm hội họa và gốm, để hình thành triển lãm “50 – 70 – 80”. Vợ chồng họa sĩ bật mí, các tác phẩm trong triển lãm chỉ là 1/3 số lượng sáng tác từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Trong thời gian này, không thể đem tranh đi dự các triển lãm quốc tế nên hai ông bà đành phải ở nhà. Một người làm thơ và tạo gốm, người kia bày toan và màu khắp nhà, hết tô lại vẽ cho đến khi tác phẩm không còn chỗ để. Vợ chồng họa sĩ nói rằng, sáng tác để thỏa mãn đam mê và cũng là chờ cơ hội đem niềm vui đến với cộng đồng.

Họa sĩ nhí Xèo Chu cũng miệt mài với những bức họa hồn nhiên, và đoạt giải với chùm tranh về thiên nhiên cuộc sống trong giải thưởng Dế Mèn. Tranh của Xèo Chu được nhận định là nửa trừu tượng nửa hiện thực, nhưng không phải diễn tả những gì cao xa khó hiểu, mà xoay quanh những thứ nhỏ nhặt diễn ra trước mắt.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại TPHCM, Lê Sa Long có lẽ là họa sĩ hoạt động nghệ thuật sôi nổi nhất. Loạt tranh chống dịch từ mọi tầng lớp được anh đưa vào tác phẩm, cùng những triển lãm gây tiếng vang.

“Sài Gòn thời giãn cách” gồm gần 40 bức tranh với chất liệu arcylic - pastel và màu nước. Chỉ đơn giản là những tranh vẽ ghi lại nhịp sống mùa dịch, nhưng qua đó, người xem bắt gặp ánh mắt nhọc nhằn của những người lao động lam lũ, thấy con đường vắng hoe cùng công viên ghế đá không người lui tới.

Giãn cách nhưng không giãn lòng

Theo thống kê sơ bộ từ giới mỹ thuật và sưu tập, số lượng tranh bán đấu giá vì cộng đồng trong 2 năm qua khoảng trên 2.000 bức. Số người Việt mua tranh theo hướng sưu tập trong 5 tháng giãn cách tăng mạnh so với năm 2020.
Các tác phẩm thiện nguyện có giá bán thấp hơn thông thường, có bức bán với giá thấp xót xa. Tuy nhiên, họa sĩ không vì thế mà đau lòng, bởi họ quan niệm vì thiện nguyện thì một đồng cũng quý.

Đồng hành cùng các nghệ sĩ Việt nói chung, nhiều họa sĩ đã hiến những đứa con tinh thần để chia sẻ khó khăn với xã hội. Những bức tranh được đấu giá để góp tiền mua giường hồi sức, mua máy thở, nhu yếu phẩm cho bệnh viện dã chiến.

Sự kiện đấu giá khoảng 90 bức tranh của 80 họa sĩ và nhà sưu tập trên khắp cả nước gửi tặng, gây quỹ mua trang thiết bị y tế do nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi tổ chức đã đem lại những kết quả bất ngờ.

Khi biết Bệnh viện dã chiến số 5 (Quận 5 – TPHCM) thiếu hơn 20 giường hồi sức, Lý Đợi cùng một số họa sĩ đứng ra “xin tranh”. Dù là “xin tranh”, nhưng giới sưu tập và công chúng khá bất ngờ bởi những tác phẩm đấu giá có sự “góp mặt” của nhiều họa sĩ nổi tiếng, như: Lưu Công Nhân, Lê Triều Điển, Phạm An Hải, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Quốc Thái, Thành Chương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Phan Cẩm Thượng…

Sau vài ngày, hàng trăm tác phẩm đã được gửi tới. Nhiều người hào phóng tặng luôn khung, mica và cước phí bưu điện. Sau 4 ngày đấu giá qua 3 phiên, số tranh bán được lên tới hơn 1 tỉ. Mọi dự định về 20 giường hồi sức, 2 máy thở và 10 xe lăn đã được các nghệ sĩ gửi đến Bệnh viện dã chiến số 5.

Âm thầm sáng tác, họa sĩ Trần Nhật Thăng nhiều lần gửi tặng tranh cho các phiên bán đấu giá thiện nguyện. Bức tranh “Miền xanh” với giá khởi điểm là 99 triệu đồng, nhà sưu tập Trần Văn Phòng đã đấu thành công, chốt giá ở mức 270 triệu.

Nhưng điều thú vị, tác phẩm này cũng áp dụng luật mua ngay là 450 triệu, rồi lại tặng lại tác phẩm để tiếp tục đấu giá. Cho nên, kết quả chung cuộc tranh đã bán với giá 720 triệu đồng, cộng với số tiền ủng hộ thêm thành 740 triệu đồng.

Họa sĩ nhí Xèo Chu cũng đấu giá hàng loạt tác phẩm, và dùng 2,9 tỉ đồng từ tiền bán tranh quyên tặng để mua trang thiết bị y tế tặng cho Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Nhóm họa sĩ “Câu chuyện dòng sông”: Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Văn Thể, Phạm Bình Chương, Ngô Bình Nhi, Phương Bình, Nguyễn Thế Hùng… cũng dùng toàn bộ khoản thu từ phiên đấu giá để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau hơn 5 tháng “đóng băng” vì dịch bệnh, dù đã thực hiện “nới lỏng” giãn cách, nhiều họa sĩ vẫn chưa ngừng sáng tác và kêu gọi góp tranh làm thiện nguyện. Vẫn còn nhiều gia đình phải chịu hậu quả nặng nề, nhiều em nhỏ mồ côi, nên vẫn là chặng đường dài để các họa sĩ tiếp tục hành trình của những bức tranh yêu thương.

Một bức tranh – nghìn hi vọng, không chỉ là ý niệm nghệ thuật, mà còn là động lực thôi thúc sức sáng tạo để sẻ chia, đem yêu thương của các họa sĩ Việt đến với mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ