Những bức thư tình của tác giả “THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY”

GD&TĐ -  Trong cuộc đời nhà văn Nikolai Ostrovsky, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy”, có một giai đoạn ngắn (từ 9/8/1922 đến 15/9/1922), khi ông là một chàng trai 18 tuổi đi chữa bệnh ở nhà điều dưỡng Berdyansk (tỉnh Zaporozhye, miền nam Ukraine) sau khi bị chấn thương não nặng.

Những bức thư tình của tác giả “THÉP ĐÃ TÔI THẾ ĐẤY”

 Trong bảo tàng địa phương hiện đang lưu giữ nguyên bản bốn bức thư do N. Ostrovsky viết gửi cho một cô gái ở khu điều dưỡng tên là Ludmila Berenfus mà ông đã quen biết trong thời gian chữa bệnh. 

Người đầu tiên phát hiện ra những thư này là ông Ivan Marchenko, cư dân thành phố Berdyansk, giáo viên dạy tiếng Nga ở Trường Đại học Bách khoa Kharkov. Marchenko cho biết, ông đã được xem tấm ảnh của cô gái trẻ xinh đẹp - Ludmila con gái út của giáo sư Vladimir Berenfus, người đã chữa bệnh cho Ostrovsky. Sau chiến tranh, Marchenko đã gặp Ludmila (thường được gọi là Lusi) ở Leningrad, và bà đã kể lại cuộc gặp gỡ với Ostrovsky.

Một lần, bố bà, bác sĩ của nhà điều dưỡng Berdyansk, đã kể về một chàng trai bị bệnh nặng, nhưng có ý chí mạnh mẽ và số phận khác thường. Câu chuyện đã khiến cho cô gái 16 tuổi hết sức cảm động, và cô nhờ bố giới thiệu với Nikolai Ostrovsky. Ludmila Berenfus là một cô gái nghiêm túc, ham đọc sách, hay hát, chơi dương cầm rất giỏi. Nikolai cũng biết hát, chơi acmonica rất hay và đọc nhiều. Anh sôi nổi kể về những gì mình biết, còn cô gái là một người chăm chú lắng nghe. Hoá ra, Ludmila vẫn gìn giữ những lá thư của N. Ostrovsky gửi cho bà. Đọc những bức thư này, ta có thể nhận thấy sự trưởng thành của Pavel Korchagin từ một người lính kị binh đỏ, một đoàn viên thanh niên cộng sản đến một chiến sĩ trung kiên, đấu tranh vì lý tưởng cách mạng là tấm gương đã soi đường chỉ lối cho nhiều thế hệ thanh niên Xôviết.

Bức thư thứ nhất đề ngày 3 tháng 10 năm 1922. Đó là một bức thư dài, lủng củng và rất nhiều lỗi chính tả. “Lusi thân mến! Khi chia tay ở Berdyansk, mình nói rằng sẽ viết thư cho bạn lúc nào cảm thấy cái chết sắp đến gần...”. Ostrovsky thông báo rằng anh bị ốm “không chỉ về thể xác mà cả về tinh thần”, rằng đã ba năm nay thường xuyên cảm thấy sức khỏe bị giảm sút hoàn toàn và muốn bỏ đi đâu đấy mãi mãi. Trong những câu văn dài, lộn xộn, không dấu chấm, phẩy, đột nhiên xuất hiện một ý nghĩ khác: “Lusi, bạn đừng coi mình là một chàng trai ăn không ngồi rồi, chỉ thấy tuyệt vọng và mơ mộng về lâu đài không khí, về tự do, bình đẳng, bác ái. Niềm khao khát được sống bằng ước mơ đã ném mình vào quân ngũ năm 1920, nhưng mình nhận ra ngay rằng bóp chết ai đó không có nghĩa là bảo  vệ tự do, và nhiều điều khác nữa...”.

Và tiếp đó là: “Lusi, mình không viết về những tình cảm của mình đối với bạn, vì chúng vẫn chưa rõ ràng”. Chàng trai 18 tuổi nói về nỗi thất vọng của mình trong cuộc đời, về những con vật “được gọi là người”, về việc anh sống “như một ông già”, và thậm chí “có cô gái mắt đen làm anh xao xuyến mấy ngày liền” cũng không mang lại gì ngoài sự tiếc nuối, “bởi vì anh chẳng còn sống được bao lâu nữa”.

Bức thư toát lên vẻ bi quan và linh cảm về cái chết đang đến gần. Có thể hình dung về nỗi ái ngại của một cô gái trẻ, tràn đầy sinh lực, khi đọc nó. Cuối thư Ostrovsky viết: “Bây giờ mình ngồi đây, ở Shepetovka, tỉnh Volyn, cách biên giới Ba Lan 5 dặm, tại một nơi xa xôi hẻo lánh, bẩn thỉu, lầy lội, xứ sở của loài chuột chũi...Không ai đoái hoài gì tới mình, mình sống cách biệt, gần như trong một khu trại. Lusi, mình chờ đợi thư của bạn, có thể là lá thư cuối cùng. Chờ đợi đến mức bạn không thể hình dung nổi”. N. Ostrovsky.

Bức thư thứ hai được gửi từ Shepetovka sáu tháng sau đó, ngày 20/3/1923. Đây cũng là một bức thư dài, nhưng ít gạch xoá hơn, và giọng điệu của nó cũng lạc quan hơn. Ostrovsky gọi Lusi là “em” và xưng “anh”. “Cuộc sống còn chưa đánh gục anh hoàn toàn, và nếu anh bị vấp ngã đau đớn, thì dù sao anh cũng gượng đứng dậy được”...

Nikolai bình thản thông báo rằng trong thời gian qua anh đã thực hiện một “công việc” để rồi sau đó ba tháng liền phải vật lộn với thần chết. “Anh quyết định nã một viên đạn vào đầu, có điều rất tiếc là nó không rơi vào trán, mà vào ngực, đó là một sai sót, vì rằng anh đã bắn vào đỉnh phổi. Lusi, anh đã bắn trượt mấy milimet. Sai sót này khiến anh phải trả giá rất nhiều ngày đau đớn thể xác quá sức chịu đựng. Bấu víu vào từng cơ hội sống sót, cơ thể ích kỉ đã chiến thắng, đã khiến anh giờ đây có thể quyết định sống vì mục đích gì và nghĩ làm gì tiếp theo”.

Một số ý tưởng của bức thư sau này được thể hiện trong tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy”: Vào giây phút khó khăn của cuộc đời, Paven Korchagin bỗng nhớ tới khẩu brawning, nhưng gạt bỏ ý nghĩ tự  sát, anh nói với mình:” Hãy biết sống cả khi cuộc đời trở nên không thể chịu nổi. Hãy làm cho nó có ích”. Ostrovsky gửi bức thư thứ ba cho Ludmila ngày 8 tháng 8 năm 1924. Trong đó anh gọi Lusi bằng “bạn”, trách chị ít khi viết về bản thân mình một cách kĩ càng.

Và với một sự cởi mở đáng kinh ngạc: “Bạn có biết không, giá như có ai đó ở đây, trong số những chiến hữu của mình vốn coi mình là đồng chí, người lãnh đạo, biết được rằng, một kẻ vô vị và nghiệt ngã như mình, có thể viết thư cho ai đó, một cô gái xa vời nào đó, có thể, từ một chiến tuyến khác, thì những điều mình viết...Vâng, mình viết cho bạn vì bạn là cô gái duy nhất trong cuộc sống riêng tư của mình, đã đến với mình bằng trái tim dịu dàng. Giờ đây bạn trở nên xa xôi và lạ lẫm, và ở đây mình không viết cho bạn về tình yêu vì điều đó xa lạ đối với mình... Hiện nay mình làm việc ở thành phố Izyaslavla, thuộc khu Shepetovka, là bí thư đoàn thanh niên cômxômôn quận, sắp tới mình sẽ được điều tới miền nam. Có thể chúng ta sẽ gặp nhau. N.Ostrovsky”.

 Họ không gặp lại nhau nữa. Bức thư cuối cùng Ostrovsky  gửi cho Ludmila đề ngày 2 tháng 12 năm 1935 từ Sochi. Ostrovsky đã bị liệt và  mù, trở thành một nhà văn nổi tiếng (tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” xuất bản năm 1932).

Có hàng triệu người được giáo dục bằng hình tượng Pavel Korchagin với nghị lực phi thường, lòng quả cảm và niềm say mê lý tưởng. Theo thống kê, các cuốn tiểu thuyết của N.Ostrovsky “Thép đã tôi thế đấy” và “ Ra đời trong cách mạng” (chưa kết thúc) đã được xuất bản 766 lần bằng 75 thứ tiếng, cho đến nay vẫn chinh phục trái tim hàng triệu bạn đọc trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ