Tôi phát động cuộc thi thơ trong toàn trường để hưởng ứng cuộc thi của báo "Người Giáo viên nhân dân" và chọn được 20 bài của học trò với một bài của thầy giáo là bài “Về trường mới” gửi về Hà Nội. Năm 1961, nhận được giấy mời thầy giáo Đặng Hiển và học sinh Đỗ Quyết - tác giả bài thơ “Đêm nay trong lớp học” về 14 Lê Trực lĩnh giải Khuyến khích.
Thầy trò cùng học sáng tác
Bản thân tôi thích sáng tác nên tôi tập sáng tác tất cả các thể loại văn học. Khi dạy cho các em lý luận về đặc trưng các thể loại, tôi tự "thị phạm" luôn và cũng yêu cầu các em tập sáng tác theo thể loại đó. Ví dụ, khi dạy các em lý luận về đặc trưng các thể ký, tôi đọc cho các em nghe một vài đoạn ký tôi viết, sau đó yêu cầu các em tập viết hồi ký, bút ký.
Nhớ khi đưa các em đi tham quan Trại Riền - Phú Xuyên, một nơi đã diễn ra trận chiến đấu anh dũng của bộ đội ta đánh thắng quân Pháp. Tôi khuyến khích các em viết bút ký và kết thúc cuộc tham quan, đã bố trí để em Đặng Khánh Cường đọc bài bút ký ngắn của em. Tôi phát động các em viết hồi ký tuổi thơ và tôi nhận được hàng trăm bài viết rất chân thành, cảm động của các em và qua đó tôi hiểu hoàn cảnh tâm tư, tính tình của từng em để có điều kiện giúp đỡ các em học tập tu dưỡng.
Ngoài thơ ra tôi còn rất thích kịch và tập viết kịch nhưng kịch tôi viết chưa hay nên tôi tìm vở kịch ngắn đã in "Chuyến xe tự do" cho học sinh diễn. Phạm Ninh, người sắm vai thị trưởng trong vở sau đó cũng "nổi máu", chuyển thể truyện ngắn "Ông Năm Hạng" thành kịch cho các bạn diễn. Vở kịch làm cho truyện ngắn càng được khắc sâu trong tâm trí người học.
Bản thân tôi cũng khuyến khích các em đưa lên sân khấu những trích đoạn văn xuôi có tính kịch như đoạn Trên công trường Baiarơca trong “Thép đã tôi thế đấy”. Còn những đoạn kịch trích giảng thường được tập đọc dưới hình thức phân vai làm cho giờ học sinh động hẳn lên và đặc trưng của thể loại văn học được biểu lộ dưới hình thức trực quan.
Tôi còn ra những đề văn đòi hỏi học sinh vừa vận dụng kiến thức vừa phát huy trí tưởng tượng, sự hư cấu sáng tạo như: "Cuộc gặp giữa Nguyễn Du và Nguyễn Trãi ở thế giới người hiền". Em Dương Thu Trà, học sinh có năng khiếu sáng tác văn xuôi đã làm tốt bài này và sau đó đã đỗ vào ĐH Xã hội và Nhân văn khoa Đông Phương học, hiện công tác tại Ban Dân vận Trung ương Đảng.
Đến mùa gặt hái
Do biết sáng tác và thường xuyên sáng tác, cảm thụ văn học của tôi cũng tinh tế hơn và sự hiểu biết của tôi về kỹ thuật sáng tác càng cụ thể hơn, tinh sâu hơn, vì thế, nâng cao được chất lượng và sức hấp dẫn của bài giảng. Tôi lại hướng dẫn học sinh tập sáng tác nên các em càng thích thú và viết văn mau tiến bộ, có em có những tiến bộ vượt bậc như em Bùi Mai Trinh sau khi viết bài thơ tốt “Hộp thư sông Đà” được in vào sách, đã viết được nhiều bài tiểu luận khá và đặc biệt bài Phong cách Nguyên Hồng được 10/10, sau được giải học sinh giỏi toàn quốc, được vào thẳng ĐH Sư phạm Văn, nay là giáo viên giỏi cấp thành phố Hà Nội.
Em Mai Hoa sau khi viết bài thơ xuất sắc “Bài thơ tặng biển” (trích): "Tôi viết bài thơ tặng biển/Trong hoàng hôn màu tím hoa cà/Giữa biển xanh xôn xao sóng dậy/Vào những phút giây tuổi thơ đi qua/Tôi đến bên biển xanh/Nghe rì rào sóng vỗ/Câu hát dân ca thuở nọ/Biển ru hoài ru mãi khôn nguôi/Tôi đến bên biển xanh/Với cái nắng vàng mặn rát/Bao vị đời đắng chát/Biển nhận vào lòng làm hạt muối trắng thơm...".
Em có bài nghị luận văn học xuất sắc (9/10 điểm) và thi đỗ vào đại học. Em Vũ Tố Nga viết bài thơ tặng thầy Báu khi phu nhân của thầy qua đời, được in vào tập thơ của trường. Em trúng tuyển vào đội học sinh giỏi văn thi toàn quốc, được vào thẳng đại học và nay là Tiến sĩ ngôn ngữ học dạy ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Em Hoàng Lâm viết nhiều thơ hay, trong đó có bài “Khói bếp”, “Nước mắt trò chơi”, “Trà xuân”…
Em cũng là học sinh giỏi văn của lớp phổ thông và thi đỗ vào Đại học Báo chí, nay là Tổng Thư ký Báo Lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Em Khắc Mai Xuân viết nhiều truyện ngắn, có truyện rất hay như “Truyện nhỏ trên đường” kể về một em học sinh cho tiền một em bé thiếu tiền mua thuốc cho mẹ, được người này khen nhưng lại bị người khác chê. Sau là học sinh giỏi văn thi toàn quốc được giải Khuyến khích, hiện là giáo viên văn giỏi của Hà Nội.
Em Đỗ Anh Vũ viết thơ và cả ca khúc nữa. Em cũng đoạt giải Khuyến khích toàn quốc như em Xuân và trúng tuyển vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hiện đang công tác tại Viện Ngôn ngữ học, chuẩn bị bảo vệ Tiến sĩ ngôn ngữ học với luận án về Nguyễn Bính.
Còn những em không có năng khiếu sáng tác nhưng do đã làm nhiều bài tập sáng tác nên viết văn tiểu luận cũng giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, cảm thụ văn học tinh tế hơn như Đỗ Thị Thạch: "Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát"… “Một dòng cảm xúc tinh tế cứ đẩy con thuyền thời gian trôi mãi từ chiều đến đêm, và hai bên bờ là biết bao hình ảnh kì diệu của không gian".
Em Vũ Thu Hương thi học sinh giỏi văn toàn quốc được giải Hai, em Thạch giải Ba. Hai em hiện là giảng viên đại học. Em Thạch là Thạc sĩ, em Hương là Tiến sĩ Ngữ văn. Trong bài được giải toàn quốc, Vũ Thu Hương viết: "Tây Tiến ít đặc tả cận cảnh. Con người và cảnh vật núi rừng miền Tây Tổ quốc được tác giả thường thể hiện ở khoảng cách xa có phần hư ảo, có một số chi tiết có khi được phóng đại… Câu thơ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" không thể giảng giải được mà chỉ có thể cảm nhận được bằng trực giác. Nếu "Thơ là nơi biểu hiện đầy đủ nhất, sâu sắc nhất ma lực kì ảo của ngôn ngữ" thì câu thơ này là một minh chứng".
Kinh nghiệm của tôi là những em học sinh biết sáng tác học văn đều từ khá trở lên và nếu được bồi dưỡng, rèn luyện thì có thể trở thành học sinh giỏi văn, trở thành cây bút trẻ… Một số sau này sẽ trở thành nhà văn như Thanh Ứng (Phạm Văn Ninh), Đàm Khánh Phương (Đỗ Quyết). Bản thân tôi trở thành nhà văn Việt Nam cũng nhờ có sự khuyến khích, dạy dỗ của thầy giáo văn Lương Thanh Tường dạy tôi 2 năm lớp 11, 12.