Đưa học trò về nhà ôn luyện
Cô Tống Thị Phượng nhận công tác tại Trường PTDT Bán trú THCS Tam Thanh (Quan Sơn) từ năm 2008. Trong quá trình ở trường vùng biên xa xôi, khó khăn này, cô Phượng đã không ngừng cố gắng, nỗ lực phấn đấu và miệt mài trao truyền kiến thức cho lớp lớp học trò.
Trong 15 năm qua, cô Phượng là người đã dìu dắt nhiều học sinh đạt được những thành tích trong học tập của môn học Lịch sử. Thầy Hà Văn Khoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cô Phượng dạy môn Lịch sử và đang phụ trách ôn luyện đội học sinh giỏi của trường. Nhiều học trò của cô đã đoạt được giải cấp huyện, cấp tỉnh. Trong 52 học sinh có giải môn Lịch sử, thì 50 em có giải cấp huyện và 2 em có giải cấp tỉnh.
Cũng theo thầy Khoa, cô Phượng là nhà giáo tâm huyết với công việc, yêu thương học trò, luôn có ý thức trách nhiệm cao. Trong quá trình giảng dạy, cô Phượng luôn tìm tòi ra phương pháp mới để học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách dễ hiểu nhất.
“Ngoài việc dạy những buổi nhà trường quy định, cô Phượng còn dạy thêm vào buổi tối. Có những thời điểm, cô còn đưa học sinh về nhà cùng ăn cùng ở với gia đình mình. Thậm chí, những ngày hè học sinh không đi học, cô Phượng đã gọi điện xin phụ huynh cho các em được tham gia ôn thi tại nhà mình”, thầy Khoa chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Phượng tỏ ra khá khiêm tốn cho rằng mình cũng chỉ nỗ lực và dành tình yêu thương cho học trò mà thôi. 15 năm công tác ở một ngôi trường của xã vùng biên giới, cô chứng kiến cuộc sống của người dân ở đây đang còn rất nhiều khó khăn. Mà không riêng gì người dân, ngay cả các thầy, cô giáo trong trường cũng đang rất vất vả, vì thế tình yêu thương học trò càng trở nên thắm thiết hơn.
“Có nhiều học sinh thực sự rất hoàn cảnh, vì gia đình nghèo khó quá. Nếu mình không động viên, khích lệ và chia sẻ với các em, có lẽ học trò sẽ không có nghị lực mà vươn lên trong học tập. Cũng may, khi được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao cho ôn luyện đội tuyển, được học sinh quý mến, nên tôi đã áp dụng những phương pháp của mình để ôn luyện cho các em. Mặc dù thành tích chưa phải là cao, nhưng đó cũng là niềm động viên, khích lệ lớn tinh thần vượt khó của cô và trò”, cô Phương bộc bạch.
Em Lò Bảo Châm, học sinh lớp 9A, vừa đoạt giải Ba cấp tỉnh môn Lịch sử, tâm sự: “Em có được kết quả của ngày hôm nay đó là nhờ công lao dìu dắt của các thầy, cô giáo trong trường và đặc biệt là cô Tống Thị Phượng. Nhờ sự tận tâm, tận tụy của cô, đã khơi dậy tình yêu môn học Lịch sử cho em và giúp em có nghị lực phấn đấu học tốt môn học này”.
Cô Tống Thị Phượng và em Lò Bảo Châm. |
Tình yêu thương học trò
Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường Tiểu học và THCS Sơn Lư (thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn), quê gốc ở tỉnh Nam Định. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) - Khoa Sư phạm Ngữ văn, cô được phân công về công tác tại Trường THCS Phú Sơn huyện Quan Hóa. Đến năm 2005, cô Thương xin chuyển công tác về huyện Quan Sơn, được phân công tại giảng dạy tại Trường THCS Na Mèo, nơi biên cương, giáp giới với nước bạn Lào.
Dù ở đơn vị nào, cô Thương cũng cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong những năm công tác tại Trường THCS Phú Sơn và Trường THCS Na Mèo, cô luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và có 5 học sinh đoạt giải cấp huyện, trong đó có 2 giải Ba; 3 giải Khuyến khích. Tháng 11/2006, cô Thương được điều chuyển công tác về Trường TH&THCS Sơn Lư đến bây giờ.
Là người đã gắn bó hơn 16 năm tại ngôi trường này, cô Thương luôn phấn đấu và đã đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Cô Thương tâm sự: “Tôi được sinh ra ở Nam Định, nhưng gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng đất xứ Thanh. Tôi coi Thanh Hóa là quê hương thứ 2 của mình, bởi nơi đây đã cho tôi thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Tôi luôn tự hào và nguyện sẽ cống hiến cho sự nghiệp trồng người dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách”.
Cô Thương cũng bày tỏ quan điểm rằng, học sinh ở vùng đất biên cương này còn nhiều hạn chế về tâm lí và điều kiện học tập. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cô luôn xác định đặt tình yêu, sự nhiệt tình, tâm huyết của người thầy lên hàng đầu. Coi học sinh như con của mình, thân thiện và gần gũi, hiểu các em, làm sao cho các em tin tưởng, yêu quý cô.
“Phần lớn quyết định đến chất lượng giáo dục nói chung và trong công tác ôn thi học sinh giỏi nói riêng là ở người thầy. Không có thầy giỏi, thì không thể có trò giỏi. Người thầy, người cô cần có lòng nhiệt tình, tâm huyết, có tình yêu thương đối với học sinh và phải đặt chữ tâm lên đầu”, cô Thương bộc bạch.
Trong những năm qua, cô Thương đã dìu dắt cho lớp lớp học trò đạt được những thành tích rất đáng ghi nhận. Trong đó, 81 học sinh đoạt giải cấp huyện ở tất cả các khối lớp 6, 7, 8, 9. Riêng năm học 2013 - 2014, có 17 em đoạt giải cấp huyện; Năm học 2021 - 2022 vừa qua cũng có 12 em đoạt giải cấp huyện. Đối với giải cấp tỉnh, năm 2008 - 2009, cô Thương đã có 1 học sinh đoạt giải Ba; năm 2017 - 2018 có 1 học sinh đoạt giải Ba; năm học 2022 - 2023, 2 học sinh đoạt giải Khuyến khích.
Thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Thương có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề và nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy cũng như trong bồi dưỡng học sinh mũi nhọn. Vì vậy, hàng năm cô đều có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Ngữ văn và điểm thi vào lớp 10 môn học này của học sinh do cô Thương giảng dạy luôn ở tốp đầu của huyện”.
“Năm nay ngành Giáo dục huyện Quan Sơn đã có 1 giải Nhì, 4 giải Ba, 5 giải Khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối lớp 9. Đây cũng là thành tích cao nhất của ngành Giáo dục Quan Sơn từ trước đến nay. Những giáo viên tâm huyết, có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện phải kể đến cô Nguyễn Thị Thương, cô Tống Thị Phượng, cô Lò Thị Chiêm, Trường Tiểu học & THCS Trung Xuân, huyện Quan Sơn... - Ông Lê Huy Hà (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn)