Những bộ phim trên không chỉ nói về giáo dục trung, đại học mà còn khuyến khích “phổ cập giáo dục” ở mọi cấp. Sau đây là một số bộ phim điển hình của trào lưu “đi học muộn còn hơn không” này.
Phim Truyền hình nhiều tập
- Full House (1992)
Ở tập Educating Jesse của loạt phim này, khi D.J. (Candace Cameron Bure) và Kimmy Gibbler (Andrea Barber) hỏi Jesse (John Stamos) và Joey (Dave Coulier) hợp tác với họ để triển khai sáng kiến khuyến khích trẻ em đến trường, Jesse do dự vì lý do anh chưa tốt nghiệp trung học. Becky (Lori Loughlin), vợ Jesse khuyên anh trở lại trường và khi vào lớp, Jesse bị sốc khi thấy giáo viên dạy anh cũng chính là người khiến anh bỏ học trước đây. Nhưng khi thấy đứa cháu Michelle (Mary-Kate and Ashley Olsen) bỏ cuộc vì cột mãi không xong dây giày, Jesse mới ngộ ra “bỏ cuộc là hành vi tiêu cực không chấp nhận được”. Đến tập phim Subterranean Graduation Blues anh lấy xong bằng trung học.
- Billy Madison (1995)
Diễn viên hài Adam Sandler đóng nhân vật chính Billy, người thừa kế mới 27 tuổi thiếu kinh nghiệm của một công ty khách sạn có tên trong danh sách Fortune 500. Hệ quả là Eric Gordon (Bradley Whitford) thay anh điều hành công ty. Nghe con trai phàn nàn, người cha Brian (Darren McGavin) ra điều kiện anh phải học xong lớp 12 trong thời gian nhất định mới được lấy lại quyền điều hành. Billy thành công nhưng Eric tiết lộ với người cha là Billy đã hối lộ để đủ điểm. Brian hủy lời hứa ban đầu và cho con trai cơ hội thứ 2 phải chiến thắng Eric trong cuộc thi 10 môn phối hợp tại đại học. Billy thắng nhưng anh quyết định giao việc điều hành cho một thân tín khác của cha mình để vào đại học sư phạm với giấc mơ trở thành thầy giáo.
- Boy Meets World (1997)
Khi con trai Eric (Will Friedle) vào đại học Pennbrook University ở mùa thứ 5 của loạt phim Boy Meets World, Amy (Betsy Randle) quyết định sẽ lấy bằng đại học ở tập 9 có tựa How to Succeed in Business. Hai mẹ con học chung lớp văn chương và Eric bối rối khi thấy mẹ mình cho các bạn học xem những truyện ngắn bà viết nhưng có liên quan đến các trải nghiệm cá nhân trong gia đình. Một truyện có tựa A Mother’s Struggle nói về những trải nghiêm lúc sinh con. Tuy nhiên, không lâu Eric cảm nhận được mẹ mình không chỉ là người mẹ mà còn là nhà văn triển vọng.
- The Wonder Years (1992)
Norma (Alley Mills) gặp người chồng Jack (Dan Lauria) khi cả hai cùng học chung một đại học. Khi anh tốt nghiệp, Norma về sống với anh ở xa nên phải bỏ học giữa chừng. Phải chờ đến mùa thứ 6 của loạt phim, cô mới tốt nghiệp đại học cộng đồng Foremont Community College. Ở tập phim Let Nothing You Dismay lấy bối cảnh năm 1972, Jack bị thất nghiệp và Norma trở thành “người kiếm cơm” chủ lực của gia đình. Sự quyết tâm đi học lại của cô đã được bù đắp xứng đáng.
- Gilmore Girls (2001)
Trong khi Rory Gilmore (Alexis Bledel) nổi tiếng như kẻ cứng đầu trong Gilmore Girls, mẹ cô Lorelai (Lauren Graham) cũng là sinh viên như con mình dù đã quá tuổi. Lorelai không thể vào đại học sớm hơn vì mang thai Rory lúc còn tuổi teen. Sau khi làm việc tại Independence Inn nhiều năm, bà quyết định ghi danh vào đại học cộng đồng Hartford Community College để lấy bằng kinh doanh. Tốt nghiệp vào cuối mùa thứ 2, bà được giao điều hành Independence Inn cho đến khi nó bị “bà hỏa” thiêu rụi. Lorelai hợp tác với đầu bếp Sookie (Melissa McCarthy) mở Dragonfly Inn.
Phim điện ảnh
- Never Been Kissed (1999)
Never Been Kissed là bộ phim hài lãng mạn do Drew Barrymore đóng vai Josie Geller, một phóng viên 25 tuổi do yêu cầu của nghề nghiệp phải trở lại trường trung học để có những trải nghiệm viết bài. Tại trường cô được giáo viên tiếng Anh Sam Coulson (Michael Vartan) chú ý. Ông muốn bày tỏ tình cảm với cô nhưng tưởng cô là học sinh nên không dám. Khi đã nổi tiếng trong trường, Josie mới tiết lộ danh tính thật của mình. Thoạt đầu Sam bị tổn thương trước sự che giấu của cô nhưng cuối cùng hai người cũng bày tỏ tình cảm với nhau trước đám đông học sinh xem trận đấu baseball trong trường.
- Old School (2003)
Old School thuộc thể loại phim hài do Will Ferrell, Luke Wilson và Vince Vaughn đóng vai chính 3 người bạn cố gắng tìm lại những ngày hào quang của tình huynh đệ bằng cách mở một quán bar tại gần trường cũ. Nhưng cựu bạn học của họ nay là hiệu trưởng trường, Gordon Pritchard (Jeremy Piven) muốn họ phải quay lại đại học và qua được cuộc thi kiểm tra trình độ nếu muốn quán bar được hoạt động hợp pháp dưới danh nghĩa trường.
- Hiding Out (1987)
Trong phim, diễn viên Jon Cryer đóng vai người môi giới chứng khoán Andrew Morenski. Ông và hai đồng nghiệp bị một tay anh chị đe dọa nên sau khi một người môi giới chứng khoán bị giết, họ được FBI bảo vệ. Rồi nhân viên FBI bảo vệ mình bị giết trước mặt, Morenski phải bỏ trốn và tìm gặp cô Lucy (Gretchen Cryer) và người em họ Patrick (Keith Coogan) nhờ giúp đỡ. Tại trường trung học nơi người cô là y tá, Andrew nảy sinh ý tưởng ghi danh vào học với tên giả Maxwell Hauser. Ông leo lên cương vị… trưởng lớp. Khi cựu hiệu trưởng Kevin (Tim Quill) thắng cử hiệu trưởng, Kevin đòi kiểm lại phiếu vì nghi có gian lận. Không may, ngay lúc Andrew đang nói về vụ việc với các bạn chung lớp, một sát thủ đi vào khiến danh tính anh bị lộ.
- High Time (1960)
Trong phim, chủ nhà hàng Harvey Howard (Bing Crosby) quyết định trở lại đại học ở tuổi 51 bất chấp sự ngăn cản của con cái. Nhưng không ai ngờ nhờ học chung, sống chung với lớp trẻ đã giúp ông có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống và có được mảnh bằng giá trị. Bộ phim theo sát 4 năm đại học của Harvey đến ngày ông tốt nghiệp, không phải hạng thường mà là thủ khoa.
- Back to School (1986)
Back to School nói về doanh nhân thành công Thornton Melon (Rodney Dangerfield) sau khi chia tay với vợ đến thăm con trai Jason (Keith Gordon) đang nội trú tại đại học. Khi thấy con không thích thú lắm với việc học và muốn quay về nhà, ông quyết định “hối lộ” cho hiệu trưởng (Ned Beatty) sau khi bị bác vì không đủ điều kiện để được vào học chung với con. “Hối lộ” ở đây là tặng tiền xây một tòa nhà học tập mới. Bộ phim kết thúc bằng bài phát biểu cảm động của Melon vào cuối niên học.